Aa

Người Bắc ở trời Nam

Thứ Năm, 01/11/2018 - 06:00

Có người lựa chọn và quyết tâm khởi nghiệp. Có người vì yêu một góc vườn dừa mà ở lại. Có người định đi một tháng vì công chuyện đến đây, nay ở lại, có thể cả đời...

Sau mấy giờ đồng hồ đạp xe dưới nắng gắt, tôi chọn tìm chỗ nghỉ ăn trưa ở Bãi Thơm của Phú Quốc. Có một ngôi nhà xinh xắn, dãy lán tre dọc mép nước biển và điều quan trọng nhất là thấp thoáng có bóng vài cái võng. Nhìn thẳng sang, rất gần, là đất Campuchia. Chỉ có điều không có dấu hiệu đây là quán ăn. Nhưng cứ xuống thử xem.

Thì ra, đó là nơi một gia đình ở, và dãy lán tre với những bàn ghế, võng là dành cho du khách. Nếu muốn ăn uống, chủ nhà sẽ phục vụ. Tôi đặt một bát canh cá và cơm. Khi đồ ăn được bê ra, tôi nhận ra cô chủ nhà nói tiếng Bắc. Và tiếng mấy bà cháu từ trong nhà ra cũng là tiếng Hà Nội.

Nhà báo Trần Đăng Tuấn và bạn trên hành trình xuyên Việt.

Nhà báo Trần Đăng Tuấn và bạn trên hành trình xuyên Việt.

Hỏi chuyện thì biết là gia đình này ở mạn Đại Mỗ. Có người cháu công tác tại Kiên Giang nên chục năm trước vào chơi. Thấy Phú Quốc trong lành quá, bà cụ chỉ muốn ở để hít khí trời ở đây những năm cuối đời cho khoẻ. Thế là cả nhà tìm cách di dời. Đất ven biển ở Bãi Thơm khi đó rất xa trung tâm đảo, nên rẻ như cho. Bán nhà Hà Nội làm nhà trong này. Bãi đất rộng trước nhà có vườn dừa, trồng thêm hoa, mở cái quán, làm chỗ các nhóm phượt cắm trại. Có khách thì phục vụ, không có thì thuê hái dừa bán. Cũng đủ sống. Hưởng lợi lớn nhất là không khí trong lành và tiếng sóng biển.

Có hàng vạn kiểu người xứ Bắc vào Nam sinh sống. Chỉ những lần tình cờ gặp dọc đường thôi cũng thấy nhiều con đường, có khi chỉ là tình cờ, có khi là mưu sinh, có khi do thời thế xô đẩy, và giờ nhiều hơn là khai cơ lập nghiệp.

Mấy năm trước, tôi lang thang vào An Giang tìm mộ người chú hy sinh năm 1973 tại Núi Tô. Cứ người này chỉ người kia, cuối cùng dẫn tôi đến tận nơi là hai chú từng cùng ở hang đá tại núi Tô với chú tôi. Một người là y sỹ trong hang phẫu Núi Tô. Ông nói có thể chính ông đã chứng kiến chú tôi hy sinh. Nhưng thời gian đã quá lâu và nhiều đồng đội hy sinh quá, nên khó mà nhớ tên.

Người chiến sỹ từ Bắc vào đây, sau năm 1975 đơn vị vẫn tiếp tục ở lại làm nhiệm vụ. Đó là trong hình dung của chúng ta thôi, hoặc trong phim ảnh, cái cảnh sau ngày chiến thắng đoàn quân trở về với bố mẹ, vợ con, người yêu… Thực tế thì khác. Một lữ đoàn hải quân được lập để ra Côn Đảo trấn giữ. Vậy là người chiến sỹ này ở Côn Đảo ít năm, sau đó lại chuyển về Cần Thơ. Thế rồi lấy vợ, sinh con. Nghề y sỹ quân y không theo kịp sự đòi hỏi của dịch vụ y tế hiện đại.

Nhưng ở trời Nam việc tự tìm người. Ông phát hiện ra mình có thể đóng đồ gỗ bán được. Giờ cùng con trai, con rể lập xưởng gỗ. Nhưng cứ nghe nói có ai đó đến Núi Tô tìm mộ là bỏ việc dẫn đi suốt nhiều ngày. Dọc đường lại gọi đồng đội cũng ở lại như ông – nhiều lắm. Cứ thế giờ đây tóc đã bạc hết. Ông nói: Cứ nghĩ lúc nào đó về Bắc nhưng hoá ra cuộc đời trôi nhanh quá.

Tại Bạc Liêu, chúng tôi gặp người giáo viên già đã về hưu. Từng tốt nghiệp Đại học tổng hợp Hà Nội, ngành Vật lý. Sau năm 1975, hàng vạn người như ông được phân công vào Nam làm giáo viên. Rồi bao cam go thời chuyển đổi cơ chế. Cuối cùng nhà Vật lý lý thuyết làm nghề xuất nhập khẩu. Hai thế hệ con và cháu sinh ra ở Bạc Liêu. Ở nhà người già nói tiếng Bắc, con cháu đặc giọng miền Tây. Người đến chơi nghĩ ông già là khách từ Bắc vào chơi. Còn ra Bắc thăm quê thì người ta nghĩ là đám trẻ là khách đi chơi.

Sau khi đạp xe 2.400 km, một chiều xẩm tối chúng tôi đến Đất Mũi, kết thúc chuyến xuyên Việt bằng xe đạp. Tìm một quán ăn để kết thúc chuyến đi. Vào quán Rừng Đước. Tình cờ gặp cả nhà chủ quán là đồng hương đất Nam Định. Từ Liễu Đề họ vào đây mở quán. Cô vợ và đứa con tíu tít nấu cơm cho các chú các bác. Một lúc anh chồng từ trong xóm nhậu xong về, đãi luôn khách thịt con chồn anh mang về từ bữa nhậu với bạn bè Đất Mũi.

Họ kể sống ở đây một thời gian cả nhà, rồi bà cụ mẹ chồng nhớ quê lại quay ra. Để bà không cô đơn, đứa con gái lớn gửi theo bà ra Nam Định. Hai vợ chồng quyết chí ở lại làm ăn, gây cơ nghiệp cho vững. Nhà hàng Cây Đước ngay ven km cuối của đường Hồ Chí Minh, cách cột mốc cực Nam chỉ một đoạn. Khu vực này đang xây dựng ào ạt để thành quần thể du lịch. Quán Cây Đước này đón khách phượt từ Bắc vào như đón người nhà. Ăn uống cũng như cơm nhà. Có chỗ ngủ tạm còn đơn sơ nhưng với dân phượt cũng là ổn. Xung quanh là rừng đước. Chia tay, vợ chồng chủ quán đi theo giúp buộc đồ, lưu luyến như thể tiễn khách ở quê ra chơi.

Tại Phú Quốc, riêng đồng hương Nam Định của tôi nghe nói tới trên hai trăm người. Có người tuổi hưu rồi, sống yên bình hít thở không khí biển. Nhiều người trẻ hơn – là các doanh nhân hừng hực khát vọng dựng cơ nghiệp lớn ở nơi đang phát triển chóng mặt. Mỗi người một lý do để đến đây sinh sống. Có người lựa chọn và quyết tâm khởi nghiệp. Có người vì yêu một góc vườn dừa mà ở lại. Có người định đi một tháng vì công chuyện đến đây, nay ở lại, có thể cả đời.

Nhân quần như bể. Phận mỗi người như một lạch nước nhỏ chảy vào. Mấy ai biết trước sẽ chảy thế nào, sẽ dừng ở đâu…

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top