Nhìn từ bên ngoài, những mảng tường đã bong tróc gần hết, mái nhà đổ vỡ, cheo leo, những tấm vải bạt được căng lên che mưa nắng qua ngày.
Những căn nhà chắp vá
Cô Thu - một người dân sống trong ngôi nhà đầu phố Đông Thái cho biết, gia đình cô chuyển đến căn nhà này từ năm 1982 theo diện phân nhà ở của công ty cũ. Ở đây vốn dĩ là một nhà, chung mái chung tường nhưng có nhiều hộ dân ở. Nhà cửa xuống cấp, người dân cũng lo sợ và muốn xây lại hoặc cải tạo nhưng chẳng thể làm gì vì không tìm được tiếng nói chung giữa các hộ.
Bác Nhuận, chồng cô Thu kể, căn nhà này đã có tuổi thọ cả trăm năm, vốn là nhà của tư sản cũ, nhà nước thu hồi và phân cho cán bộ nhân viên. Gia đình tư sản cũ được phân cho một lối nhỏ đi lên và phần gác tầng 2, còn mặt đất được phân cho cán bộ nhân viên xí nghiệp. Nhưng sau này xí nghiệp giải thể gây thiệt thòi cho người dân ở đây do không có sổ đỏ, người dân bây giờ chỉ biết chờ đợi.
Theo phản ánh của một số người dân sống trên phố Đông Thái, nhiều căn ở phố này thật ra là nhà tự quản, thuê của nhà nước, vướng mắc từ thời cải tạo công thương nên nhiều người muốn mua lại để làm khách sạn cũng không được.
Trong những căn nhà đã xập xệ, mỗi căn phòng chỉ tầm 13m2 nhưng có tới cả chục người sinh sống, điều kiện sống cực kỳ khó khăn nhưng cũng chẳng biết chuyển đi đâu vì họ không có tiền.
Ông Đảng, một cư dân sống trên phố Đông Thái cho biết, trước đây chính quyền đã phát cho các hộ dân phiếu đăng ký để di dời, hứa hẹn đưa người dân đến thăm nơi ở mới nhưng đến nay vẫn không thấy đâu. Về phía nhiều hộ dân họ muốn di dời, chỉ là chưa thể, bởi chẳng ai muốn sống trong cảnh nguy hiểm này.
Đáng báo động
Trên thực tế, nhiều năm nay không ít những căn nhà có tuổi thọ lâu đời trong phố cổ đã sập xuống gây thiệt hại về người và tài sản. Đơn cử như năm 2015, căn nhà cổ ở số 107 Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm), Hà Nội bất ngờ đổ sập gần như hoàn toàn, khiến 2 người tử vong và nhiều người bị thương. Nguyên nhân được xác định do căn nhà được xây dựng từ thời Pháp thuộc, đã quá cũ kỹ, tường chịu lực kém nên quá tải.
Năm 2016, ngôi nhà ở số 46 Cửa Bắc bất ngờ sụp đổ trong khi mọi người đang ngủ say, vùi lấp tổng cộng 5 người và khiến 2 người tử vong. Nguyên nhân được xác định do ngôi nhà quá cũ nát, phần móng hầu như không có. Đồng thời, một ngôi nhà khác đang được xây dựng đã ảnh hưởng tới ngôi nhà này.
Hay mới đây, căn nhà số 56 Hàng Bông (phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) bỗng nhiên bị đổ sập phần mái và tường mặt tiền tầng 2. May mắn không có thiệt hại về người nhưng đây cũng là hồi chuông cảnh báo cho thực tế nhiều căn nhà xuống cấp đáng báo động trong khu vực phố cổ.
Ông Vũ Tuấn Trung - Đội trưởng đội Quản lý Trật tự xây dựng quận Hoàn Kiếm cho biết, hiện nay trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, về vấn đề nhà cũ nhà cổ phải thực hiện theo quyết định 6398 của UBND thành phố, đội Quản lý trật tự xây dựng đang kết hợp cùng với chính quyền địa phương của các phường để kiểm tra rà soát các ngôi nhà đã xuống cấp, đặc biệt là chuẩn bị đến mùa mưa bão.
“Tuy nhiên, thực tế việc cải tạo nhà trong phố cổ còn gặp nhiều vướng mắc do việc di dời cũng như khó khăn trong khâu cải tạo đồng bộ, thống nhất” – ông Trung cho biết.
Ông Đào Ngọc Nghiêm - Hội Quy hoạch kiến trúc đô thị Hà Nội thừa nhận trên địa bàn Hà Nội, số lượng nhà cũ xây bằng gạch, vữa bata, không có bê tông cốt thép còn rất nhiều và chưa có thống kê cụ thể. Đa số những nhà này được xây dựng từ những năm 1990 trở về trước không ít nhà đã cơi nới, xuống cấp.
“Về phía chính quyền cần có những biện pháp thiết thực hơn nữa, bởi lẽ nhiều ngôi nhà nằm trong “danh sách đỏ” đã không chờ được, trong khi tính mạng và tài sản của người dân cần được đảm bảo” – ông Nghiêm nhấn mạnh.