Là một trong những người được tôn trọng nhất trong lĩnh vực này, GS. Ahmad - trưởng khoa Môi trường Xây dựng - đã có rất nhiều công trình ấn tượng. Ông nhận được vô số giải thưởng và danh hiệu. Ông cũng là người Malaysia đầu tiên được bổ nhiệm làm thành viên hội đồng Trung tâm Quốc tế về Nghiên cứu và Bảo tồn, Phục hồi Tài sản Văn hóa (ICCROM). Đây là tổ chức giữ vai trò hàng đầu trong việc bảo tồn các di sản thế giới của UNESCO cho Melaka và George Town.
GS. Ahmad cũng là bằng chứng cho thấy thế hệ kế tiếp của các kiến trúc sư hàng đầu Malaysia đang được dẫn dắt bởi một người có niềm đam mê và sự nhạy cảm thực sự với kiến trúc.
Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với GS. Ahmad về câu chuyện nghề nghiệp và đam mê với kiến trúc di sản của ông.
PV: Vì sao ông lại quyết định đi theo nghề kiến trúc, thưa TS?
GS. Ahmad: Cha tôi là thợ mộc. Ông đã xây lên những ngôi nhà Malay đẹp đẽ ở các vùng nông thôn, một số trong đó thậm chí còn được chạm khắc gỗ rất phức tạp và tinh tế. Tôi vẫn còn nhớ những súc gỗ với đủ loại kích thước và màu sắc khác nhau được xếp rải rác quanh nhà khi tôi còn nhỏ. Chính những ký ức đó đã ảnh hưởng trực tiếp và khiến tôi dành mối quan tâm của mình cho kiến trúc và đặc biệt là kiến trúc di sản.
Trong thời gian đi học, tôi đã học về cách xây dựng các ngôi nhà truyền thống của người Malaysia, học về không gian, cấu trúc, kích thước, hình thức cũng như các nghi lễ và thực hành. Sau khi trở về nhà sau thời gian học tập tại Mỹ, tôi ngay lập tức trở thành giảng viên tại Học viện Công nghệ Mara và làm việc ở đó trong suốt nhiều năm, cho đến khi tôi được mời về làm việc tại Đại học Malaya.
PV: Tại sao lại cần phải thành lập Khoa Kiến trúc tại Đại học Malaya thưa thầy?
GS. Ahmad: Vào lúc đó, không có trường đại học nào trong khu vực miền Trung cung cấp bất kỳ chương trình giảng dạy về kiến trúc. Trong khi đó, nói về khía cạnh vĩ mô, cựu Thủ tướng Mahathir Mohamed đã khẳng định rằng muốn Malaysia trở thành một quốc gia tự túc, công nghiệp vào năm 2020. Chính vì vậy, tôi nghĩ rằng, Đại học Malaya, trường đại học công lập duy nhất ở Kuala Lumpur, phải đáp ứng được thách thức đó.
Chúng tôi đã vạch ra tầm nhìn rõ ràng ngay từ đầu. Thứ nhất, không một sinh viên nào bước ra khỏi trường đại học mà không có sự công nhận từ một cơ chế chuyên nghiệp. Thứ hai, trường phải cung cấp nền giáo dục chất lượng tốt nhất trên toàn quốc và phải đạt được những tác động đáng kể trong bối cảnh toàn cầu.
PV: Vậy trường kiến trúc đã phát triển thế nào qua nhiều năm?
GS. Ahmad: Chúng tôi đã đạt được những tiến bộ đáng kể. Chương trình kiến trúc ba năm vẫn được giữ nguyên nhưng thay vì lấy bằng cử nhân, các sinh viên được đào tạo để đạt được trình độ thạc sỹ. Chúng tôi bắt đầu chương trình thạc sỹ từ năm 2012, yêu cầu sinh viên phải khám phá được các câu chuyện về thiết kế thực tế và thực sự làm việc với cộng đồng cho luận án cuối cùng của họ. Chương trình cũng tập trung vào hiệu quả năng lượng trong các tòa nhà hơn bao giờ hết.
Môi trường cho các sinh viên học tập cũng được cải tiến. Khu phức hợp 10 tầng rộng 220.000 foot vuông đã được đưa vào sử dụng từ năm 2013, đầy đủ tiện nghi, hiện đại. Bao gồm thư viện và trung tâm tài nguyên. Các studio cũng được thiết lập như các văn phòng thực tế, nơi mỗi sinh viên được phân cho một khu vực thiết kế, đồng thời vẫn có thể thảo luận nhóm.
PV: Ông có cố gắng truyền tải các thông điệp về việc tôn trọng các kiến trúc truyền thống trong các chương trình giảng dạy không? Và kiến trúc truyền thống đang có vị thế như thế nào so với kiến trúc hiện đại?
GS. Ahmad: Một số môn học được tập trung cho sinh viên có cơ hội tiếp xúc với kiến trúc truyền thống bản địa. Trong năm đầu tiên, sinh viên được tiếp xúc với lịch sử của kiến trúc bản địa trước khi họ được dạy về các công trình kiến trúc phương Tây. Trong năm thứ 2, học sinh sẽ được tiếp cận các bản vẽ đo đạc và nắm bắt được ý nghĩa lịch sử, văn hóa và kiến trúc của các tòa nhà di sản cụ thể. Hơn 120 tòa nhà di sản đã được đo đạc, vẽ và lưu trữ trong khóa học này.
Hai năm trước, chúng tôi đã giới thiệu một khóa học tự chọn, Văn hóa và Bối cảnh, cung cấp cho sinh viên quốc tế cơ hội thực hiện các nghiên cứu về lịch sử, văn hóa và công trình kiến trúc liên quan. Khóa học này thực sự thách thức các sinh viên phải tích hợp cả thiết kế hiện đại và sáng tạo trong bối cảnh lịch sử.
PV: Ông đánh giá thế nào về những thay đổi trong các công trình kiến trúc lớn của Malaysia hiện nay?
GS. Ahmad: Các kiến trúc sư đã phải vật lộn giữa hình ảnh và bản sắc của kiến trúc Malaysia trong một vài năm. Phân vân giữa câu hỏi nên tập trung vào hình ảnh, nguyên tắc hay kết hợp cả hai.
Trong thập kỷ qua, chúng tôi đã chứng kiến những thay đổi ở các công trình, đặc biệt là trong thiết kế và xây dựng các tòa nhà văn phòng và nhà ở. Chúng không chỉ cao hơn, nhờ công nghệ mới, mà các tòa nhà này còn phản ứng nhanh hơn với các bối cảnh nhiệt đới về mặt định hướng xây dựng, phương pháp xử lý mặt tiền, vật liệu, hình thức, đường nét và mảng xanh.
Các khái niệm như xây dựng xanh, xây dựng thông minh và không carbon đang thực sự phát huy hiệu quả và đạt được chỗ đứng nhất định. Không gian công cộng và lối đi bộ dành cho cư dân được chú trọng nhiều hơn trước đây. Cấc mảng xanh, công viên công cộng và không gian giữa các tòa nhà đang được thiết kế dành cho người dùng.
PV: Malaysia đang làm gì để bảo tồn các di sản kiến trúc, thưa ông?
GS. Ahmad: Ghi nhận của UNESCO tại George Town và Melaka thực sự đã mở ra những mô hình mới trong quản lý di sản của Malaysia. Các văn bản pháp lý hiện đang được củng cố ở cả cấp địa phương và trung ương. Trong khi đó, cơ cấu quản lý ở tất cả các cấp cũng được tăng cường. Kế hoạch quản lý được rút ra, thắt chặt quá trình phê duyệt cho các công trình xây dựng mới và phục hồi. Việc tài trợ dễ dàng có sẵn và có sự tham gia mạnh mẽ hơn của các bên liên quan trong các chương trình di sản.
Tôi cho rằng, con đường phía trước cho Malaysia trong việc bảo tồn di sản đang được xây dựng và không chỉ dừng lại ở câu chuyện nội bộ nữa. Chúng phải được chia sẻ với thế giới rộng lớn. Được ghi vào Danh sách Di sản Thế giới có nghĩa là tài sản phải được quản lý chuyên nghiệp và được tổ chức theo tiêu chuẩn quốc tế.