Người đưa “tinh hoa xứ Huế” vượt lũy tre làng, vươn ra thế giới

Người đưa “tinh hoa xứ Huế” vượt lũy tre làng, vươn ra thế giới

Thứ Hai, 28/03/2022 - 06:09

Tác giả đưa các sản phẩm nghệ thuật có gốc gác từ làng nghề làm hoa giấy hơn 300 năm tuổi vượt lũy tre làng vươn ra thế giới là nữ doanh nhân trẻ Phan Ngọc Hiếu – một người con xứ Huế.

LTS: Ngày 13/10/1945, trong bức thư động viên, đặt niềm tin và khẳng định vai trò, sứ mệnh của các doanh nhân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi các doanh nghiệp và doanh nhân cùng chung sức phát triển nền kinh tế đất nước, từ đó tạo được lòng tin và những làn sóng tích cực cho phong trào thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Gần 8 thập kỷ đã trôi qua, những khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân là người làm giàu cho đất nước vẫn còn nguyên giá trị. Ngày nay, Đảng, Nhà nước, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân vẫn đang tiếp tục nỗ lực thực hiện lời căn dặn này của Người.

Sức mạnh và vị thế của mỗi quốc gia phụ thuộc trước hết vào sức mạnh kinh tế, nòng cốt là doanh nghiệp và doanh nhân. Doanh nghiệp là tài sản quốc gia, doanh nhân là hiền tài của đất nước. Sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã có lực lượng doanh nhân hùng hậu, trong đó có nhiều doanh nhân đã trở thành niềm kiêu hãnh, phát triển bền vững, kinh doanh sáng tạo và có trách nhiệm với dân tộc. Đó là nền tảng vô cùng quan trọng để xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.

Trên tinh thần đồng hành cùng các doanh nhân, doanh nghiệp nỗ lực vượt khó, tiếp tục có những đóng góp quan trọng vào hành trình xây dựng đất nước, Reatimes khởi đăng tuyến bài "Doanh nhân và khát vọng Việt Nam khởi nghiệp".

Bài 12: Người đưa “tinh hoa xứ Huế” vượt lũy tre làng, vươn ra thế giới  

Trân trọng gửi tới quý độc giả!

TỪ BỎ VỊ TRÍ QUẢN LÝ Ở NGÂN HÀNG ĐỂ KHỞI NGHIỆP

Ở cố đô Huế, có một làng nghề đã hơn 300 năm tuổi, người dân nơi đây vẫn đang gìn giữ và phát huy tinh hoa những sản phẩm hoa giấy thủ công truyền thống. Đó là làng Thanh Tiên, xã Phú Mậu, TP. Huế (trước đây thuộc huyện Phú Vang), nằm ở hạ nguồn sông Hương.

Để làm được cành hoa, người thợ chọn những cây tre tốt trong làng đem chẻ nhỏ, vót mỏng rồi phơi khô làm cuống hoa. Đặc biệt, để tạo ra nhiều sắc màu cho hoa, các nghệ nhân không dùng hóa chất công nghiệp, mà dùng các nhựa cây và lá cây để chế tạo thuốc nhuộm cho giấy nguyên liệu, an toàn cho người sử dụng và thân thiện với môi trường.

Nghề làm hoa giấy thủ công truyền thống ở làng Thanh Tiên gắn chặt với tín ngưỡng dân gian thờ cúng ông Công, ông Táo và trang Bà (thờ thần bổn mạng cho người phụ nữ trong gia đình) của người dân miền Trung. Hàng năm, khoảng từ tháng 10 âm lịch là vào “vụ” hoa giấy của làng Thanh Tiên. Tận dụng những nguyên liệu sẵn có, người làng Thanh Tiên làm ra sản phẩm hoa giấy chủ yếu là mô phỏng những loài hoa quen thuộc trên quê hương như hoa cúc đơn, hoa cúc kép, hoa tường vi... và sau này là hoa sen.

Cùng với gương, lược, trên trang bếp thờ và trang Bà thì hoa giấy là vật không thể thiếu để người dân Huế và một số tỉnh, thành ở miền Trung chọn làm vật tôn trí, thờ cúng trong mỗi dịp tết Nguyên đán. Vật phẩm này được tôn trí cho đến hết năm, chỉ thay thế khi sang năm mới.

"Xanh xanh, đỏ đỏ, vàng vàng

Cứ đến tháng Chạp cả làng nở hoa”

Đó là câu ca xưa còn truyền lại đến ngày nay khi nhắc đến nghề làm hoa giấy truyền thống ở làng Thanh Tiên. 

Có lẽ cũng chính vì đến tháng Chạp cả làng mới “nở hoa” nên nhiều gia đình đã không còn theo nghề truyền thống nữa mà lựa chọn những công việc khác mang lại lợi ích kinh tế tốt hơn. Dẫu có những tinh hoa và sự độc đáo của đôi bàn tay thợ làng Thanh Tiên, nhưng sản phẩm hoa giấy làm ra tiêu thụ không nhiều và chủ yếu tập trung “mùa vụ” vào vài tháng cuối năm phục cho tết cổ truyền. Đây là lý do khiến kinh tế, thu nhập luôn là bài toán khó để các nghệ nhân, con em làng Thanh Tiên quyến luyến với nghề của ông cha. Dẫu rằng, khi du lịch cộng đồng phát triển, nhiều du khách tìm về làng Thanh Tiên để thưởng lãm tài nghệ của các nghệ nhân làm hoa giấy, nhưng điều đó cũng không cải thiện nhiều cho vấn đề tiêu thụ sản phẩm hoa giấy của bà con.

Nhiều năm trước, trong vô số du khách tìm về làng Thanh Tiên thưởng lãm, trải nghiệm nghề làm hoa giấy thủ công truyền thống có một cô gái Huế vốn đang là nữ nhân viên ngân hàng. Sau chuyến đi ấy, Phan Ngọc Hiếu đã góp công làm cho hoa giấy Thanh Tiên có thêm một hướng đi đầy sáng tạo, thực tế và hiệu quả trên cả lĩnh vực văn hóa lẫn thương mại. 

“Đấy hầu như là cơ duyên, Một sự tình cờ để rồi làm thay đổi nhiều thứ với mình, cũng như đưa mình đến công việc như hiện nay. Mình vốn rất yêu nghệ thuật, thích ngắm hoa, tìm hiểu về các loài hoa từ bé. Sau lần về tham quan ở làng Thanh Tiên, mình bị hấp dẫn bởi tay nghề, sự khéo léo, độc đáo của các nghệ nhân nơi đây khi họ tạo những chiếc hoa giấy rất xinh xắn, nhiều sắc màu vui mắt.

Đặc biệt sản phẩm hoa giấy Thanh Tiên rất thân thiện với môi trường. Mọi thứ lôi cuốn mình và cũng đặt ra cho mình nhiều câu hỏi làm thế nào để lan tỏa, phát triển nghề làm hoa này vươn xa hơn”, Ngọc Hiếu kể.

Sau lần tham quan ấy, Hiếu về tập làm hoa giấy theo cách kế thừa và sáng tạo riêng của mình. Cô tỉ mẩn tạo hình, cắt ghép và tạo ra một số cành hoa theo mẫu mã riêng, lấy cảm hứng nghệ thuật từ làng hoa giấy Thanh Tiên. Thoạt đầu làm chơi, chủ yếu để khám phá mang tính trải nghiệm.

Năm 2020, vào dịp sinh nhật cô con gái bé bỏng tên May của vợ chồng Ngọc Hiếu, cô đã tự tay làm những cánh hoa xinh xắn tặng cho con và cũng để trang trí trong không gian ngôi nhà trong một chung cư ở quận 7, TP.HCM.

Khi nhìn thấy những cành hoa giấy xinh xắn ấy, bạn bè không tiếc lời khen và nhờ Hiếu làm giúp một số mẫu để họ mang về trưng bày cho ngôi nhà, không gian sinh hoạt, làm việc của mình. Những “khách hàng” này còn động viên Hiếu nên làm số lượng nhiều hơn để bán cho nhiều người.

“Khi dịch Covid-19 xảy ra ở TP.HCM năm 2020, mình quyết định cùng con gái trở về quê ở Huế vừa lánh dịch, vừa để chuyên tâm hơn cho việc nghiên cứu, sản xuất hoa giấy nghệ thuật. Sau đó thì mình quyết định lựa chọn nghỉ việc hẳn ở ngân hàng để chuyên tâm làm hoa giấy.

Quyết định ấy không dễ vì đúng thời điểm ấy mình cũng vừa... được thăng chức. Và thật tuyệt vời là lựa chọn ấy được người thân, nhất là ông xã động viên, chia sẻ và hỗ trợ hết mình”, Ngọc Hiếu nhớ lại. 

THƯƠNG HIỆU “THÁNG NĂM”

Để lưu dấu kỷ niệm ngày sinh nhật con gái yêu, vợ chồng Ngọc Hiếu quyết định lấy tên thương mại của dòng sản phẩm hoa giấy nghệ thuật có nguồn gốc từ làng nghề Thanh Tiên là Maypaperflower.

“May tiếng Anh là tháng Năm, là tên con gái của vợ chồng em. Khi làm hoa giấy và xây dựng thương hiệu, tụi em quyết định lấy tên con gái đặt cho dòng hoa này luôn”, Ngọc Hiếu chia sẻ.

Vậy là lần đầu tiên Việt Nam có một nơi chuyên làm hoa giấy nghệ thuật thương phẩm, đặt ở số 3 đường Hùng Vương, phường Phú Hội, tuyến đường sầm uất bậc nhất TP. Huế. Địa chỉ làm cơ sở kinh doanh, sản xuất này vốn là nhà ở của ba mẹ, một phần diện tích của ngôi nhà được ông bà dành cho chị Phan Ngọc Hương (chị gái của Hiếu) kinh doanh hoa tươi.

Khi Hiếu quyết định “khởi nghiệp” với nghề hoa giấy nghệ thuật, chị Hương đã ủng hộ và đồng hành cùng em, chuyển từ kinh doanh hoa tươi sang hoa giấy, cùng nghiên cứu, sáng tạo các mẫu sản phẩm rồi sản xuất, đào tạo nhân viên.

Năm 2020, hai chị em Phan Ngọc Hiếu và Phan Ngọc Hương mang sản phẩm hoa giấy nghệ thuật thương hiệu Maypaperflower tham dự cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh Thừa Thiên – Huế và được trao giải A.

Để chuẩn bị cho nền tảng phát triển bền vững, năm 2021, Phan Ngọc Hiếu quyết định mở doanh nghiệp có tên là Công ty TNHH thương mại và dịch vụ INNODIR với ngành nghề chủ lực là sản xuất và kinh doanh hoa giấy nghệ thuật truyền thống.

Ngọc Hiếu quay trở lại làng Thanh Tiên gặp một số nghệ nhân, vừa xin góp ý thêm cho các sản phẩm hoàn hảo hơn, vừa ngỏ ý hợp tác thực hiện một số công đoạn của từng loại sản phẩm, cũng như đồng hành chinh phục các thị trường lớn.

Cùng với đó, Ngọc Hiếu tuyển thêm nhân viên về đào tạo, trở thành thợ làm việc cho công ty. Hiếu đóng bảo hiểm, ký hợp đồng lao động dài hạn cho một số nhân viên làm việc lâu dài và hợp đồng thời vụ với một số nhân viên khác; mua thiết bị máy móc về gia công, hỗ trợ những công đoạn sản phẩm không dùng tay để đảm bảo đáp ứng cho các đơn hàng.

Do đặc thù của công việc nên nhân viên, thợ làm hoa giấy phải là những người khéo tay, kiên trì, tỉ mỉ và đặt biệt là yêu nghệ thuật và đam mê làm hoa. Trong 10 người thợ làm hoa giấy được Hiếu tuyển chọn, đào tạo và đang làm việc cho công ty của cô hầu hết là những người đảm bảo các tố chất như vậy. 

“Cũng như nhiều “Starup” khác, mình cũng phải mang từng sản phẩm của mình đi các cửa hàng để giới thiệu. Cũng may là ngay từ khi ra đời Maypaperflower đã được đón nhận, trong đó có nhà sách Phương Nam.

Rồi sau này một số trung tâm thương mại lớn ở TP.HCM, nhiều khách sạn, văn phòng, công sở cũng đặt mua sản phẩm hoa giấy để làm quà tặng hay trưng bày, trang trí. Đó cũng là những động lực để mình tiếp tục theo đuổi, sáng tạo, mở rộng thị trường, tuyển nhân sự, thợ thầy và gia tăng sản xuất”, Hiếu nói thêm.

Ông Phan Ngọc Thọ - Phó Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế thăm gian hàng của Maypaperflower tại sự kiện "Ngày hội Cố đô Khởi nghiệp" (Ảnh: NVCC)

GẠCH NỐI GIỮA GIÁ TRỊ CỔ XƯA VÀ NGHỆ THUẬT ĐƯƠNG ĐẠI

Giữa tháng 3/2022, người ta thấy trên truyền thông, báo chí, mạng xã hội nhiều tổ chức, cá nhân được chọn để trao giải Giải thưởng Quan hệ công chúng và Truyền thông xuất sắc năm 2021 (The Vietnam Public Relations & Communications Excellence Awards 2021 – VNPR Awards 2021). Điều thú vị là biểu trưng được chọn để trao giải cho giải thưởng này là tranh hoa sen giấy của Maypaperflower vốn có gốc gác từ làng nghề hoa giấy thủ công truyền thống xứ Huế hơn 300 năm tuổi – hoa giấy Thanh Tiên. Ông Nguyễn Khoa Mỹ, Chủ tịch của Mạng lưới Quan hệ công chúng Việt Nam, đơn vị chủ trì giải thưởng này đã đúc kết lý do chọn dòng sản phẩm này là biểu trưng cho giải, đó là “sự kinh ngạc trước vẻ đẹp và sức sáng tạo” trong lần đầu ông bắt gặp một số sản phẩm của Maypaperflower trong một sự kiện diễn ra tại TP. Huế năm 2020.

Nói về sự bén duyên, để rồi cùng các bên tham gia quyết định lựa chọn sản phẩm của Maypaperflower làm biểu trưng cho sự kiện truyền thông này, ông Nguyễn Khoa Mỹ, cho biết: “Những gì chúng ta nhìn thấy là kết quả của quá trình sáng tạo, đó biểu tượng quốc hoa, cái hồn của quê hương, tình yêu nghề nghiệp và không thể thiếu sự lãng mạn - để tình yêu và sức sống luôn tồn tại trước mọi khắc nghiệt của thời cuộc”.

Những nhận xét trên là ghi nhận xứng đáng cho sự nỗ lực của Phan Ngọc Hiếu khi mà tính kế thừa và sự sáng tạo là hai yếu tố luôn song hành trong các dòng sản phẩm của Maypaperflower. Để đa dạng hóa các sản phẩm, ngoài hoa giấy, Phan Ngọc Hiếu sáng tạo thêm dòng tranh hoa giấy bằng thủ pháp kết hợp giữa tranh sơn dầu nghệ thuật với hoa giấy. Vốn yêu thích và có năng khiếu hội họa nên ngoài việc thiết kế các mẫu hoa để cắt làm hoa giấy, Ngọc Hiếu tự vẽ các bức tranh sơn dầu rồi đính hoa giấy thủ công lên để tạo thành những bức tranh với nghệ thuật tạo hình lạ lẫm. Hiếu cũng nhờ bạn bè, người quen là họa sĩ hướng dẫn thêm về các thủ pháp vẽ tranh, rồi tự đó luyện tập để cho ra đời những sản phẩm ưng ý.

Gần đây, Ngọc Hiếu cũng tạo thêm thu nhập cho một số họa sĩ khi đặt hàng họ vẽ theo những ý tưởng được phác thảo trước hoặc theo yêu cầu của khách hàng. Dòng tranh hoa giấy của Hiếu được xem sản phẩm của cuộc “hôn phối” giữa hội họa và hoa giấy thủ công, rồi nhanh chóng được thị trường và những vị khách khó tính lựa chọn cho không gian trong ngôi nhà trở nên thi vị, lãng mạn hơn.

Đặc biệt, nguyên liệu làm ra các sản phẩm mang thương hiệu Maypaperflower là tre, giấy, màu nhuộm... đều rất thân thiện với môi trường, lấy tiêu chí “xanh” làm thế mạnh khi chinh phục những thị trường khó tính.

Cho đến nay, Maypaperflower có 107 mã sản phẩm đáp ứng được hầu hết sở thích của khách hàng ở từng lứa tuổi và vùng miền như: Hoa hồng, hoa cúc, thược dược, mẫu đơn, thủy tiên, hướng dương, linh lan, cúc châu Phi, cúc Mỹ, hoa nghệ tây, hoa oải hương, cẩm chướng, sen trắng, sen hồng... Các sản phẩm mang thương hiệu Maypaperflower cũng đã nhận được sự phản hồi tích cực từ khách hàng trong nước và quốc tế.

Ở từng sản phẩm Maypaperflower, người ta thấy được sự tinh tế trong từng chi tiết qua từng cành, lá, nhụy hoa... bị hấp dẫn bởi sự sáng tạo, dung hợp và lồng ghép các nét truyền thống kết hợp với mỹ thuật đương đại. Điều đó không chỉ khiến Maypaperflower là gạch nối giữa quá khứ và hiện tại, của những giá trị cổ xưa và sắc màu, sự lãng mạn, thi vị của một sản phẩm thủ công mang những yếu tố nghệ thuật đương đại. Cùng với yếu tố “xanh”, tuổi thọ mỗi sản phẩm Maypaperflower có thể kéo dài trong nhiều năm, những giá trị thẩm mỹ, nét đẹp văn hóa về giá trị truyền thống đến với thế giới nghệ thuật, trang trí nội thất trong một hình hài hợp lý, sáng tạo, hấp dẫn... là những lợi thế và lý do để Maypaperflower thuyết phục thị trường.

Không chỉ chinh phục thị trường nội địa mà sản phẩm của Maypaperflower đã bắt đầu vượt đại dương tiếp cận thị trường Mỹ, châu Âu và Đông Nam Á. Ngoài một số sản phẩm khách hàng người Việt ở Mỹ đặt, sản phẩm Maypaperflower cũng đang được trưng bày trong không gian của Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan. Để mở rộng hệ thống, đáp ứng yêu cầu các đơn hàng, Phan Ngọc Hiếu sắp mở không gian trưng bày sản phẩm và cơ sở tại TP.HCM và ở Malaysia; thường xuyên quảng bá và thông tin về Maypaperflower trên các sàn thương mại điện tử bằng tiếng Anh ở nước ngoài.

SỨ MỆNH LAN TỎA VĂN HÓA XỨ HUẾ

Ngọc Hiếu tâm sự: “Không chỉ là các hợp đồng kinh tế, hay bán bao nhiêu sản phẩm mà mình xem việc đưa Maypaperflower vốn có nguồn gốc từ hoa giấy Thanh Tiên đầy tự hào của xứ Huế ra thế giới là sứ mệnh văn hóa. Maypaperflower có trách nhiệm làm sứ giả lan tỏa những nét đẹp văn hóa của quê hương đến với bạn bè muôn nơi. Đấy cũng là ước mơ và kế hoạch của mình!”.

Trong lúc trò chuyện với phóng viên Reatimes, Hiếu liên tục nhận các cuộc điện thoại mời tham dự, làm gian hàng trưng bày ở các sự kiện sắp diễn ra, hay các đơn hàng từ các đối tác. Đáng chú ý, nữ doanh nhân trẻ cũng liên tục tham dự các buổi hội thảo, tọa đàm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo hay đào tạo trẻ.

Phan Ngọc Hiếu tiết lộ, sau hai năm, doanh thu của công ty khá tốt và tiếp tục nhận được nhiều đơn hàng lớn từ đối tác, khách hàng trong và ngoài nước, chỉ tiếc là chưa thể mang lại nhiều thu nhập cho các nghệ nhân, những người thợ làng nghề hoa giấy Thanh Tiên bởi tính phức tạp của mỗi sản phẩm, cũng như yêu cầu đáp ứng về mặt thời gian của thời đại công nghệ, công nghiệp.

“Bước đầu có doanh số ổn và có công việc ổn định cho thợ, nhân viên là mình thấy hài lòng rồi. Sắp tới, mình cũng sẽ đào tạo nghề cho các bạn trẻ có hoàn cảnh đặc biệt tại một trung tâm trong TP. Huế. Trên hành trình phát triển, Hiếu luôn tâm niệm các sản phẩm phải giữ được tiêu chí “xanh” và trách nhiệm cộng đồng”, Ngọc Hiếu, chia sẻ thêm.

Là một trong những người hỗ trợ, động viên nữ doanh nhân Phan Ngọc Hiếu từ những ngày đầu khởi nghiệp, TS. Cung Trọng Cường - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển (thuộc UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế) luôn lấy câu chuyện của Ngọc Hiếu là bài học khích lệ các bạn trẻ khởi nghiệp.

TS. Cung Trọng Cường cho biết, điều mà một số nhà quản lý, lãnh đạo đánh giá cao là Phan Ngọc Hiếu luôn giữ quan điểm mang hình ảnh, sản phẩm của Huế đi xa với những thay đổi sáng tạo từ hoa giấy Thanh Tiên và sẵn sàng đối diện với thử thách.

Sau khi được trao giải A cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Thừa Thiên - Huế năm 2020, Phan Ngọc Hiếu tiếp tục tìm tòi, học tập để chuẩn hóa sản phẩm, từng bước tiếp cận thị trường trong nước và quốc tế, đến nay sản phẩm đã được xuất khẩu sang nhiều nước như Nhật, Mỹ, châu Âu… Điều đó cho thấy nỗ lực, thái độ học tập nghiêm túc và kiên trì theo đuổi ý tưởng, mô hình kinh doanh mà Phan Ngọc Hiếu đã lựa chọn.

Bên cạnh đó, Phan Ngọc Hiếu còn tham gia nhiều hoạt động cộng đồng, đào tạo, kết nối, hỗ trợ giúp các nhóm bạn trẻ tham gia Chương trình khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp tại Thừa Thiên - Huế.

Theo TS. Cung Trọng Cường: “Với bối cảnh như hiện này thì nhiều việc rất khó đoán định trước nên nền tảng con người là quan trọng đối với doanh nghiệp/nhóm khởi nghiệp và điều này thể hiện ở những nhóm thành công hiện nay do các bạn sáng lập/nhóm lãnh đạo quyết tâm và theo đuổi ý tưởng và mô hình của mình.

Thứ hai, nhiều sáng tạo từ những nền tảng/sản phẩm địa phương đã có sự thành công sau khi đưa vào mô hình kinh doanh mới cùng với sáng tạo sản phẩm phù hợp với đương đại, đó cũng là giá trị của nền tảng văn hóa Huế và giá trị địa phương, yếu tố bản địa.

Thứ ba là cần có môi trường phát triển, nghĩa là phải có hệ sinh thái khởi nghiệp thực chất đúng với mô hình phát triển theo quy luật của doanh nghiệp, hỗ trợ họ về pháp lý, các xu hướng phát triển sản phẩm, các giải pháp tiếp cận thị trường trong và ngoài nước”.

28/03/2022 06:09
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top