Aa

Người lao động được hưởng lợi gì từ Hiệp định CPTPP?

Thứ Tư, 28/11/2018 - 15:00

Tham gia CPTPP, các luồng đầu tư vào Việt Nam sẽ tăng, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng năng suất lao động, thu hút nhiều hơn lao động có kỹ năng.

Thông tin này được các chuyên gia phân tích đưa ra tại hội thảo "Chính sách Thị trường lao động và sự cần thiết của việc nâng cao kỹ năng trong bối cảnh hội nhập quốc tế" vừa tổ chức mới đây.

CPTPP là động lực và yêu cầu để nâng cao chất lượng lao động.

CPTPP là động lực và yêu cầu để nâng cao chất lượng lao động.

Tại Hội thảo, các chuyên gia đánh giá việc tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cho thấy khả năng tăng thêm việc làm là khá tốt.

Cụ thể đối với CPTPP mặc dù mức việc làm tạo ra chỉ bằng 1 nửa so với TPP, song số việc làm được tạo ra mỗi năm theo tính toán từ năm 2020 trở đi là 17.000 - 27.000 việc làm. Còn đối với các hiệp định thương mại tự do khác, số việc làm tạo ra cũng từ 18.000-19.000 việc làm.

Ông Lê Đình Quảng - Phó Vụ trưởng Vụ Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, trong Hiệp định CPTPP Việt Nam cam kết cho phép người lao động được quyền thành lập tổ chức của người lao động tại cơ sở, doanh nghiệp hoạt động song song với tổ chức công đoàn đặt ra thách thức cho công đoàn Việt Nam về việc tập hợp, đoàn kết đoàn viên công đoàn. Đồng thời, đây cũng là cơ hội, động lực cho các tổ chức công đoàn đổi mới mạnh mẽ để hoạt động có hiệu quả hơn.

“Việc tham gia CPTPP đặt ra những yêu cầu nghiêm ngặt về các tiêu chuẩn lao động, trong đó có các quy định về điều kiện làm việc, sự minh bạch về tiền lương và các vấn đề khác. Các doanh nghiệp khi hội nhập sẽ phải đảm bảo phân chia thu nhập của người lao động hài hòa. Như vậy người lao động sẽ có cơ hội hưởng lợi nhiều hơn", ông Quảng phân tích.

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Doãn Mậu Diệp cho biết, tạo việc làm và tăng cường kỹ năng cho người lao động trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng là một trong những mục tiêu quan trọng đối với quốc gia, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển có lực lượng lao động lớn như Việt Nam.

“Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, thị trường lao động Việt Nam thời gian qua tiếp tục được phát triển theo hướng hiện đại và định hướng thị trường, khuôn khổ pháp luật, thể chế, chính sách thị trường lao động từng bước được hoàn thiện” – ông Diệp nói.

Vẫn theo ông Diệp, một số điểm sáng nổi bật của thị trường lao động Việt Nam thời gian qua cho thấy, việc chuyển dịch theo hướng tốt hơn, số người làm công ăn lương, có quan hệ lao động dần tăng lên. Hiện số lao động trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm khoảng 40% trong giai đoạn 2015-2020. Tỷ lệ người trong độ tuổi lao động tham gia lực lượng lao động duy trì ở mức cao là 76%. Chất lượng việc làm, thu nhập của người lao động đều đặn được tăng lên, mức độ phân biệt giữa việc trả công cho lao động nam và nữ cũng được thu hẹp. Số lao động đi làm ở nước ngoài theo hợp đồng lao động cũng được tăng lên.

Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu khả quan, thị trường lao động việc làm của Việt Nam vẫn tồn tại như cơ cấu lao động còn khá lạc hậu. Về cơ bản, Việt Nam vẫn là thị trường lao động trong nông thôn, thông nghiệp với chất lượng lao động thấp, phân bổ chưa hợp lý, lao động làm việc trong ngành nghề đơn giản, không đòi hỏi chuyên môn, kỹ thuật.

"Trong Bối cảnh Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, với tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, những chính sách về thị trường lao động Việt Nam cần được nhìn nhận và đánh giá lại để có thể sửa đổi, bổ sung cho phù hợp”. Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh.

Theo báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trình độ quản trị của các doanh nghiệp Việt Nam đang thấp nhất khu vực Đông Nam Á. Đáng chú ý, có đến 55% doanh nghiệp khẳng định khó tìm kiếm nguồn lao động có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu.

Còn theo số liệu điều tra của Viện Khoa học Lao động Xã hội, 2/3 số doanh nghiệp Việt Nam cho biết, phần lớn người lao động thiếu hụt kĩ năng cần thiết cả về chuyên môn và các kỹ năng nòng cốt khác. Sự thiếu hụt những kỹ năng cốt lõi ngoài kỹ năng về mặt kỹ thuật còn nghiêm trọng hơn thiếu hụt kỹ năng về kỹ thuật.

Chính vì vậy, theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố hạt nhân để thúc đẩy tăng trưởng với chất lượng cao hơn, đưa nền kinh tế Việt Nam phát triển cao hơn trong thời gian tới. Mọi cải cách đều phải bắt nguồn từ cải cách hệ thống đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Đánh giá về tác động của CPTPP tới phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam, TS Lê Kim Dung, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, CPTPP đang tạo ra cả những cơ hội và thách thức. Bà Dung phân tích, cơ hội để phát triển giáo dục nghề nghiệp được tạo ra trong quá trình hợp tác giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ hội học tập, bồi dưỡng, trao đổi nâng cao trình độ cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp. Bên cạnh đó sẽ thu hút thêm nhiều nguồn lực đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp...

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top