Aa

Người mua nhà cần lưu ý gì về phí quản lý vận hành nhà chung cư?

Thứ Tư, 25/08/2021 - 16:40

Giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư được xác định bằng VND và tính trên mỗi m2 diện tích sử dụng căn hộ, hoặc phần diện tích khác trong nhà chung cư xác định theo diện tích thông thủy.

Theo phản ánh của cơ quan truyền thông cũng như người tiêu dùng, tranh chấp về phí quản lý vận hành nhà chung cư đang là một trong những vấn đề nổi cộm. Do vậy, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đã đưa ra một số khuyến cáo người tiêu dùng cần lưu ý để tránh những đáng tiếc xảy ra.

Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, giai đoạn ký kết hợp đồng mua bán căn hộ với chủ đầu tư, vấn đề phí quản lý vận hành nhà chung cư cần được quy định rõ trong hợp đồng mua bán căn hộ chung cư để các bên cùng thực hiện. Vì thế, cần có thông tin cụ thể về giá dịch vụ như đơn giá, mức phí quản lý vận hành nhà chung cư trong hợp đồng mua bán căn hộ chung cư.

Bởi, theo quy định tại Điều 30, Quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư ban hành kèm theo Thông tư số 02/2016/TT-BXD được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 06/2019/TT-BXD của Bộ Xây dựng, trường hợp nhà chung cư đã được bàn giao đưa vào sử dụng nhưng chưa tổ chức được hội nghị nhà chung cư lần đầu thì giá dịch vụ quản lý vận hành do chủ đầu tư quyết định và được ghi rõ trong hợp đồng mua bán, thuê mua căn hộ.

Cũng theo quy định tại điều này, giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư được xác định bằng VND và tính trên mỗi m2 diện tích sử dụng căn hộ, hoặc phần diện tích khác trong nhà chung cư xác định theo diện tích thông thủy.

Do vậy, khi ký kết hợp đồng mua bán căn hộ chung cư, chủ đầu tư cần quy định rõ trong hợp đồng mức phí quản lý vận hành nhà chung cư phù hợp với quy định trên, để các bên cùng thực hiện trong thời gian kể từ thời điểm bàn giao đưa vào sử dụng đến khi tổ chức được hội nghị nhà chung cư lần đầu.

Người tiêu dùng cần luu ý về phí quản lý vận hành nhà chung cư. Ảnh minh họa: TTXVN

Ngoài ra, đối với quy định về việc thay đổi mức phí quản lý vận hành, theo quy định tại Điều 16, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, điều khoản của hợp đồng giao kết với người tiêu dùng không có hiệu lực trong trường hợp, điều khoản đó cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ quy định hoặc thay đổi giá tại thời điểm giao hàng hóa, cung ứng dịch vụ.

Vì thế, điều khoản về việc thay đổi mức phí quản lý vận hành trong hợp đồng mua bán căn hộ chung cư cần phải có quy định về việc thoả thuận trước với người tiêu dùng trước khi áp dụng mức phí mới.

Ngoài ra, theo quy định tại  Điều 30, Quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư ban hành kèm theo Thông tư số 02/2016/TT-BXD được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 06/2019/TT-BXD, giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư được xác định theo quy định tại Điều 106 của Luật Nhà ở, được căn cứ vào từng nhà chung cư và trên cơ sở thỏa thuận với đơn vị quản lý vận hành.

Do vậy, việc thay đổi giá dịch vụ quản lý vận hành phải đảm bảo phù hợp với quy định tại Điều 106 Luật Nhà ở; căn cứ vào thực tế, đặc điểm riêng của từng nhà chung cư và trên cơ sở thỏa thuận với đơn vị quản lý vận hành.

Mặt khác, trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành quy định về mức trần đối với giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư, mức giá mới không được vượt quá mức giá trần theo quy định.

Bên cạnh đó, danh mục công việc, dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư phải phù hợp với quy định tại khoản 1, Điều 10, Quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư ban hành kèm theo Thông tư 02/2016/TT-BXD.

Cụ thể, Khoản 1, Điều 10, Quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư ban hành kèm theo Thông tư 02/2016/TT-BXD quy định: “Hoạt động quản lý vận hành nhà chung cư bao gồm điều khiển, duy trì hoạt động, bảo dưỡng thường xuyên hệ thống thang máy, máy bơm nước, máy phát điện, hệ thống báo cháy tự động, hệ thống chữa cháy, dụng cụ chữa cháy, các thiết bị dự phòng và các thiết bị khác thuộc phần sở hữu chung, sử dụng chung của tòa nhà chung cư, cụm nhà chung cư....".

Khi chưa tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu, chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức quản lý vận hành nhà chung cư. Trường hợp nhà chung cư có thang máy mà chủ đầu tư không đủ điều kiện về chức năng, năng lực thì phải thuê đơn vị có đủ điều kiện về chức năng, năng lực theo quy định để thực hiện việc quản lý vận hành.

Cũng theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, giai đoạn kể từ khi tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu, người tiêu dùng cần lưu ý việc lựa chọn đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư được thực hiện theo quy định tại khoản 3, Điều 27, Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư ban hành kèm theo Thông tư 02/2016/TT-BXD được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 06/2019/TT-BXD.

Theo đó, trường hợp nhà chung cư không có thang máy, hội nghị nhà chung cư tự quyết định việc quản lý vận hành theo hình thức tự quản hoặc thuê đơn vị có đủ điều kiện về chức năng, năng lực thực hiện quản lý vận hành.

Hơn nữa, với nhà chung cư có thang máy mà chủ đầu tư có đủ điều kiện về chức năng, năng lực theo quy định tại Khoản 2 Điều 105 của Luật Nhà ở và có nhu cầu tham gia quản lý vận hành Ban quản trị nhà chung cư và chủ đầu tư thương thảo để chủ đầu tư tiếp tục ký hợp đồng dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư....

Đặc biệt, mức phí quản lý vận hành nhà chung cư do hội nghị nhà chung cư quyết định trên cơ sở thống nhất với đơn vị quản lý vận hành theo quy định tại khoản 1, Điều 30, Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư ban hành kèm theo Thông tư 02/2016/TT-BXD được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 06/2019/TT-BXD./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top