Dưới đây là một số câu chuyện người mua nhà chia sẻ về những thiệt thòi do chủ quan không xem kỹ pháp lý khi mua bán nhà đất:
1. Ham đất giá rẻ, sở hữu chung
Chị Nguyễn Thị Thanh, ngụ tại quận 6 kể, năm 2015, chị mua được một lô đất ở quận 9 qua một môi giới. Cả khu đất đều là đất nông nghiệp, khi đó chủ đầu tư đang trong quá trình xin chuyển đổi lên thổ cư nhưng đã phân lô bán cho nhiều người. Khu đất chỉ do một người đứng tên, những người mua đều kí giấy tờ cam kết phân chia đất rõ ràng. Theo lời hứa của chủ đất, người mua sẽ được cấp sổ hồng riêng sau 10 - 15 tháng và được phép sang nhượng cho bên mua thứ 3.
Thấy đất đẹp, cam kết chắc ăn, giá lại rẻ hơn so với xung quanh nên chị Thanh chấp nhận đóng tiền mua và cho người khác tạm đứng tên để lên thổ cư. Tuy nhiên, mãi đến năm 2018, không thấy người bán đả động chuyện tách sổ, chị Thanh liên hệ mới tá hỏa vì họ đã chuyển ra Bắc sinh sống và nhượng toàn quyền cho người mua đứng tên đất trước đó. Hỏi thăm người này thì được biết đất đã lên xong thổ cư nhưng không được phép tách thửa, họ viện đủ lý do thoái thác việc ra sổ riêng cho chị.
“Khi tôi đòi đất thì họ chây ỳ, chấp nhận trả lại tiền với giá mua ban đầu cộng thêm lãi suất ngân hàng 2 năm, trong khi đất quận 9 giờ tăng gấp đôi gấp 3 lần so với giá 2016”. Tréo ngoe là ngay cả lúc đóng tiền chị Thanh cũng không làm giấy xác nhận với người bán, không đi công chứng vì nghĩ không quan trọng. Hiện giờ, chị Thanh rất khó có thể đòi lại được đất, còn nếu chấp nhận hoàn tiền thì phải chịu thiệt thòi lớn. Chị Thanh cũng không thể kiện chủ đất vì thiếu cơ sở pháp lý khi mà HĐ chỉ ghi chú sơ sài, không có điều kiện cam kết cụ thể.
2. Mua đất không có giấy tờ riêng
Một trường hợp khác là ông Nguyễn Xuân Bách sinh sống ở quận Bình Tân, Tp.HCM. Ông Bách mua một căn nhà có diện tích nhỏ, không thể tách sổ, phải chung sổ đỏ với ba ngôi nhà khác nằm trên một thửa đất. Nhà không có giấy tờ riêng, cho nên khi mua bán, bên bán và bên mua không thể thực hiện thủ tục làm hợp đồng công chứng cũng như sang tên, đổi chủ tại văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất mà chỉ lập được vi bằng về giao dịch. Sau đó, ông Bách còn phát hiện ra chủ nhà đã đem thế chấp toàn bộ khu nhà tại ngân hàng nhưng không thể làm gì vì vụ giao dịch của ông không có hợp đồng mua bán công chứng.
3. Mua nhà đất khi chỉ có hợp đồng góp vốn
Tuy không mất đất nhưng do thiếu tìm hiểu mà anh Nguyễn Văn Tuấn, (Dĩ An, Bình Dương) rơi vào cảnh không thể bán cũng không thể ở trên miếng đất 200m2 tại Bình Chánh, Tp.HCM. Miếng đất này được anh mua vào năm 2014, nằm trong dự án phân lô do một công ty ở Tp.HCM làm chủ đầu tư.
Khi anh mua, đất chưa xong pháp lý nên chỉ ký hợp đồng hợp tác đầu tư. Theo hợp đồng, anh Tuấn đặt cọc 10%, sau đó thanh toán tiếp 85%, giữ lại 5% đến khi có giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất thì trả hết. Công ty cam kết cuối năm 2015 sẽ giao đất và trong vòng 18 tháng sau đó sẽ hoàn tất giấy tờ. Nếu giao đất muộn so với thời hạn cam kết công ty sẽ phải trả lãi sooa tiền người mua đóng theo lãi suất cho vay của ngân hàng. Tuy nhiên, đến thời hạn nhận giấy tờ đất, anh chỉ nhận được thông báo rằng công ty chưa thể tách sổ. Đến nay đã 4 năm, giá đất tăng cao, anh Tuấn muốn bán ra nhưng không được vì chưa có giấy tờ, thậm chí còn không thể xây nhà ở vì mới chỉ có một tờ hợp đồng góp vốn.
Người mua chịu thiệt vì chủ quan, thiếu hiểu biết
Theo một khảo sát của Batdongsan.com.vn gần đây, với các đối tượng người mua không phải dân đầu tư chuyên nghiệp, yếu tố pháp lý thường bị xem nhẹ và hầu như được hiểu khá mù mờ. Nhóm người mua trẻ dưới 30 tuổi thường chỉ quan tâm các yếu tố về giá bán, vị trí, tiện ích. Khi được hỏi về pháp lý, hầu hết họ đều cho là rất quan trọng nhưng lại không nắm được các loại hợp đồng hay giấy tờ gì cần làm khi mua nhà.
Với nhóm người mua từ 30 - 40 tuổi, tuy có quan tâm đến pháp lý nhưng hầu hết không biết các cơ quan nào sẽ cung cấp thông tin về dự án cũng như các vấn đề pháp lý của dự án phải tìm kiếm ở đâu. Họ đều chọn cách mua sản phẩm từ các CĐT lớn hoặc chấp nhận liều lĩnh làm giàu.
Nhiều người mua khác thì chia sẻ, họ có quan tâm đến pháp lý nhưng lại không hiểu rõ các thủ tục cần thiết và ngại giao tiếp với bên công quyền. Trong khi đó, bên môi giới luôn cố tình dùng các thuật ngữ chuyên ngành, gây khó khăn và hoang mang cho người mua. Sau khi đưa người mua nhà vào mớ bòng bong, họ sẽ tung chiêu hứa bao thầu trọn gói, giúp người mua khỏi đau đầu về pháp lý. Chủ quan tin tưởng và một phần sợ phiền hà với thủ tục hành chính, nhiều người mua phó thác hoàn toàn vào bên bán và dễ rơi vào bẫy lừa của đối tượng này.