Aa

Người nghèo lao đao với giấc mơ mua nhà xã hội

Chủ Nhật, 21/08/2016 - 08:31

Nhà ở xã hội từ lâu đã trở thành một giấc mơ đối với phần lớn người lao động có thu nhập thấp ở các đô thị, nhất là TP. HCM và Hà Nội. Chính sách này như đã thắp lên hi vọng cho đa số người lao động về tương lai “an cư lạc nghiệp”, song trên thực tế, để mua được nhà xã hội, người thu nhập thấp phải trải qua bao phen khốn đốn.

Còn lâu mới đến lượt

Người lao động có thu nhập thấp muốn mua nhà ở xã hội phải nằm trong diện được mua và trải qua rất nhiều thủ tục. Tuy nhiên không đơn giản để có thể vay gói 30.000 tỷ đồng từng được xem là giải pháp tối ưu hay vay gói mua nhà xã hội với lãi suất 4,8%/năm.

Thực sự khi bước chân vào "cuộc hành trình mua nhà xã hội", người thu nhập thấp vấp phải nhiều trở ngại khiến con đường đến với giấc mơ có nhà rất xa xôi, trắc trở. 

Anh Trần Văn Linh (SN 1986, Hà Nam) cho biết, vợ chồng anh làm công nhân, thuê trọ tại quận Bắc Từ Liêm. Hàng tháng, thu nhập của vợ chồng anh Linh khoảng 8 triệu đồng cộng thêm thu nhập của vợ làm nghề tự do. Tằn tiện nhiều năm, hai vợ chồng có được khoản tiền gần 200 triệu đồng, muốn mua một căn chung cư giá rẻ dưới 800 triệu đồng. Tuy nhiên nhiều lần đến ngân hàng hỏi thủ tục vay gói 30.000 tỷ đồng đều nhận được thông báo là không đủ điều kiện.

Nhà ở xã hội được xem là hi vọng cho tương lai

Nhà ở xã hội được xem là hi vọng cho tương lai "an cư lạc nghiệp" đối với người lao động nghèo nhưng trên thực tế, để mua được 1 căn hộ, người mua phải vượt qua rất nhiều thủ tục.

Anh Linh chia sẻ: “Thu nhập của 2 vợ chồng đủ khả năng trả nợ, khổ nỗi chúng tôi lại không chứng minh được vì vợ tôi làm nghề tự do, không có bảng lương hàng tháng trong khi thu nhập của tôi lại dưới 8 triệu đồng”. Nói đoạn anh Linh thở dài: “Nếu cứ đà này, chắc vợ chồng tôi ở trọ suốt đời”.

Chưa kể, khi những người thực sự có nhu cầu về nhà ở vì thủ tục rườm rà không có cơ hội sở hữu được căn hộ thì những bất cập trong thủ tục, quy trình xét duyệt lại tạo ra nghịch lý là người đi ô tô mua nhà ở xã hội. Thậm chí, có người tìm cách mua rồi bán lại với giá cao hơn để ăn chênh lệch. Đơn cử như câu chuyện người nhà của Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần BIC Việt Nam (Chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội Rice City, Hà Nội) có tên trong danh sách được xét duyệt mua nhà tại dự án này.

Sốc vì tỉ lệ “chọi”

Trong khi phân khúc căn hộ bán đang gặp nhiều khó khăn thì nhu cầu của thị trường cho thuê cũng đang “nóng” lên từng ngày.

Ngay sau khi Công ty CP Đầu tư phát triển nhà Hà Nội số 5 công bố tiếp nhận hồ sơ đăng ký thuê căn hộ tại dự án NƠXH Đại Kim, những người thu nhập thấp hết sức hứng khởi, hân hoan. Tuy nhiên, niềm vui ngắn chẳng tày gang khi chỉ tiêu cho thuê chỉ có 136 căn trên tổng số 630 căn hộ.

Phân khúc nhà ở xã hội cho thuê cũng đang nóng lên từng ngày khi một khách hàng phải

Phân khúc nhà ở xã hội cho thuê cũng đang nóng lên từng ngày khi một khách hàng phải "đấu" với 20 người trong vòng xét hồ sơ.

Liên quan đến vấn đề này, chị Nguyễn Thị Bích (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: “Ngày đầu đến nộp hồ sơ, tôi đã hoang mang khi thấy có gần 300 người nộp và vài trăm hồ sơ trước đó. Như vậy, để có được một suất thuê phải "đấu" với gần 20 người. Ở vòng chấm điểm, nếu gia đình tôi không đạt điểm cao sẽ khó lòng được tham gia bốc thăm quyền thuê căn hộ”.

Chuyên gia bất động sản Nguyễn Thành Tiến cho biết, hiện tại, dù có nhiều chính sách hỗ trợ cho người dân mua nhà ở xã hội nhưng vẫn còn rất nhiều người lao động ngoại tỉnh không thể với tới gói này do tổng thu nhập không thuộc diện được hỗ trợ. Ngay cả trong bối cảnh các ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản ra sức ưu đãi về giá cả thì người dân cũng còn đắn đo khi sở hữu một căn hộ. 

Do đó, Nhà nước cần có hành lang pháp lý cụ thể, chính sách ưu đãi linh hoạt để giúp DN tháo gỡ khó khăn đồng thời có thể giúp người dân có nhà ở giá rẻ trong thời gian dài.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top