Người sáng lập Kyber Network: “Làm start-up phải lì”

Người sáng lập Kyber Network: “Làm start-up phải lì”

Thứ Năm, 03/10/2019 - 13:00

Đến bây giờ, Trần Huy Vũ - kỹ sư trưởng của Kyber Network vẫn luôn tự nhận mình may mắn. Với anh, con đường bước vào nghiệp start-up như một cơ duyên không thể chối bỏ. Chỉ có xây dựng những viên gạch đầu tiên của sự nghiệp, cho chính mình và mang lại giá trị cho xã hội mới mang lại cho Vũ cảm giác “được làm việc”, “được tự hào”.

Nhắc đến Trần Huy Vũ, giới công nghệ trong nước hẳn không còn xa lạ. Hơn 1 năm trước, Vũ cùng Lưu Lợi - người cộng sự đồng sáng lập Kyber Network đã được The Forbes bình chọn là một trong 30 người dưới 30 tuổi có sức ảnh hưởng ở châu Á năm 2017 trong lĩnh vực tài chính - đầu tư mạo hiểm.

Trước đó, hồi tháng 9/2017, với việc kêu gọi được 200.000 ETH (ethereum - tương đương 52 triệu USD) từ hơn 21.000 nhà đầu tư nhỏ lẻ trong đợt chào bán token (tương đương như cổ phiếu của công ty - PV), Kyber Network đã được nhắc đến như một trong những start-up thành công nhất trong lĩnh vực blockchain ở Việt Nam và Đông Nam Á. Có thời điểm, tổng giá trị token của Kyber Network lên tới 600 triệu USD.

Sau 2 năm đi vào hoạt động, đến thời điểm hiện tại, Kyber Network đã tăng nhân sự từ 5 người lên 50 người và có trụ sở tại 3 nước: Việt Nam (Hà Nội), Singapore và Israel. Hiện, Kyber Network đang chuẩn bị cho kế hoạch thiết lập chi nhánh tại TP.HCM. Với kỹ sư trưởng của Kyber Network, tất cả mới chỉ là bắt đầu cho một kế hoạch và hoài bão dài hơi.

Reatimes đã có cuộc trao đổi với Trần Huy Vũ và lắng nghe những chia sẻ của anh về những dự định của một doanh nhân, một người trẻ Việt đang ngày càng tiến gần hơn tới giấc mơ của mình.

PV: Như được biết, trước khi khởi sự với Kyber Network anh đã có cơ số kinh nghiệm và thành tích trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Điều gì khiến anh lựa chọn khởi nghiệp với sản phẩm dựa trên nền tảng công nghệ blockchain?

Trần Huy Vũ: Trước khi start-up với Kyber, tôi đã từng thất bại với “đứa con tinh thần đầu tiên” - một dự án mạng lưới kết nối các KOLs và cùng nhau chia sẻ thu nhập từ mạng xã hội. Và trong khi đang loay hoay tìm kiếm định hướng mới cho mình thì tôi đã có "duyên" gặp gỡ lại Lưu Lợi (người đồng sáng lập Kyber). Đó là thời điểm Lợi chuẩn bị tốt nghiệp tiến sĩ và muốn có một team về blockchain. 

Trước đó, tôi và Lợi đã từng hợp tác trong cùng 1 dự án, có đủ sự tin tưởng lẫn nhau. Bởi vậy mà rất dễ dàng, tôi cùng Lợi nhanh chóng bắt tay triển khai một dự án blockchain. Tôi nghĩ đơn giản đó là duyên số, bởi nếu gặp ai đó khác, có khi tôi lại nghiên cứu và khởi nghiệp bằng AI.

Khi dự án blockchain phi lợi nhuận ban đầu thành công, chúng tôi đã quyết định nghiên cứu nghiêm túc và biến ý tưởng của mình thành start-up. Quá trình nghiên cứu và tìm tòi đã khiến team phát hiện ra có rất nhiều điều hay về blockchain. Từ cơ sở dự án đó, chúng tôi chuyển sang ý tưởng khác, tạo ra sản phẩm khác. Đó chính là cơ duyên ra đời Kyber, năm 2017.

PV: Năm 2017, blockchain vẫn còn là khái niệm khá mới mẻ, ít xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng. Khởi nghiệp ở thời điểm đó liệu có quá khó khăn đối với anh?

Trần Huy Vũ: Đúng là thông tin về blockchain chưa có nhiều trong năm 2017, nhưng đó không phải là khó khăn với tôi. Lưu Lợi - người cộng sự của tôi đã có khoảng thời gian dài nghiên cứu về blockchain. Như vậy, tôi đã có người đi trước để giải đáp mọi thắc mắc. Blockchain có một điểm hay, đó là hầu hết mọi kiến thức đều được công khai dưới dạng mã nguồn mở, ngay cả các bài báo khoa học cũng rất dễ dàng để tiếp cận, do đó việc học hỏi và tiếp thu kiến thức không phải quá khó khăn nếu bạn là người chủ động.

Thiếu thông tin về blockchain không phải là khó khăn mà mấu chốt ở điểm, mình cần có tư duy logic tốt và chuyên môn kỹ thuật, đọc được những bài báo khoa học trong ngành blockchain.

Tôi cũng may mắn vì được cộng đồng phát triển blockchain hỗ trợ và giải đáp mọi khúc mắc. Nhưng thực ra cũng không phải may mắn mà là do chính mình chủ động. Ngay cả bây giờ, các bạn trẻ khi muốn giải đáp đều sẽ nhận được lời giải đáp như vậy.

PV: Cuộc gọi vốn thành công của Kyber năm 2017 khiến giới công nghệ nhắc đến start-up của các anh với sự ngưỡng mộ. Phải chăng sự thành công của Kyber đó là xuất hiện đúng thời điểm khi blockchain còn mới mẻ và đến bây giờ, nền tảng công nghệ này đã trở nên quen thuộc với nhiều người?

Trần Huy Vũ: Kyber không xuất hiện đúng thời điểm. Cuộc chơi của Kyber phải dài hơn. Chúng tôi đã lên kế hoạch để Kyber phát triển dài hạn trong 5 - 10 năm. Xã hội bây giờ chưa sẵn sàng cho các ứng dụng trên nền tảng blockchain. Nhưng có một điều, đó là Kyber gọi vốn đúng thời điểm, giai đoạn đỉnh cao của gọi vốn cho blockchain. Và ngay sau đó là giai đoạn thoái trào của phong trào gọi vốn.

Tất nhiên để gọi vốn thành công, Kyber phải có sản phẩm, chiến lược rõ ràng, ý tưởng đủ đơn giản cho mọi người hiểu. Đội ngũ nhân sự của Kyber phải được đánh giá cao và có đóng góp cho cộng đồng blockchain. Trước đó, team Kyber cũng đã xây dựng một dự án phi lợi nhuận, phục vụ cho cộng đồng blockchain và được đón nhận rất tốt. Đây là bệ đỡ góp phần giúp Kyber gọi vốn thành công.

PV: Được biết, anh và người cộng sự của mình đều từng là sinh viên công nghệ. Điều gì khiến đội ngũ của anh định hướng Kyber trở thành sản phẩm tài chính? Có phải là mạo hiểm không khi lĩnh vực tài chính vốn rất rộng lớn và phức tạp?

Trần Huy Vũ: Thực sự mà nói, blockchain phù hợp nhất với tài chính hơn là các ứng dụng khác. Blockchain có thể hiểu là một mạng lưới ngang hàng. Muốn chạy được mạng lưới ngang hàng với nhau phải có hệ thống kinh tế. Nếu không có kinh tế thì mọi người không có động lực để tham gia mạng lưới. 

Tất cả mọi thứ đều xoay quanh một bài toán kinh tế. Đó là sự kết hợp rất nghệ thuật giữa khoa học và kinh tế. Khoa học chính là các luật được đặt ra và hệ thống toán học mật mã đằng sau blockchain. Kinh tế là hệ thống lợi nhuận cũng như thưởng và phạt để đảm bảo động lực cho những người tham gia vào mạng lưới. Thành viên càng đông thì mạng lưới càng khỏe. Mạng lưới càng lớn, tính nghệ thuật càng thể hiện rõ.

Những “concept” trên blockchain đều liên quan đến tài chính. Và bản chất thiết kế của blockchain ngay từ đầu cũng đã là dành cho tài chính. Tất cả ứng dụng khác dựa trên công nghệ blockchain nhưng đằng sau đều phải có kinh tế. Đây là lý do vì sao Kyber quyết định theo đuổi lĩnh vực này.

Tất nhiên, chúng tôi, những người đứng đầu Kyber đều phải tự học thêm về tài chính, dù bây giờ công ty đã có chuyên viên về lĩnh vực này.

PV: 27 tuổi đã là đồng sáng lập một start-up hàng triệu đô. Và không chỉ có trụ sở ở Việt Nam, Kyber còn có chi nhánh tại Singapore và Israel với lượng nhân sự lên tới 50 người. Trước khi bắt tay vào biến ý tưởng trở thành một start-up mang tên Kyber, anh có từng lo lắng khi xuất phát điểm, mình không phải là dân kinh doanh?

Trần Huy Vũ: Nếu bảo không lo thì không phải nhưng tôi luôn nghĩ mình sẽ làm được. Đơn giản nghĩ mình quyết tâm thì sẽ làm được. Khi quyết tâm làm cái đó thì phải làm tốt nhất có thể. Lo không phải để sợ rồi không dám làm mà phải chuẩn bị, sẵn sàng trong đầu về sự thay đổi.

Tôi phải nghĩ tới nếu công ty lớn lên mình sẽ phải làm gì. Rồi tôi cũng xác định một điều, nếu bản thân mình không thể theo kịp sự phát triển của công ty thì buộc phải thuê người vào vị trí đó để mình xuống vị trí thấp hơn. Có thể sẽ có kịch bản mình không còn ở chức vụ cao, nhưng điều đó phải chấp nhận, để hướng tới mục tiêu rộng hơn. Mình phải chuẩn bị tất cả tình huống sẽ xảy ra, phải tự thích nghi, cố gắng nhìn nhận quá trình đó. Mình làm sai cái gì, làm tốt việc gì, mình học hỏi như thế nào.

Để có kiến thức về quản trị, tôi nghe câu chuyện của các doanh nghiệp và đối chiếu với công ty của mình. Lắp nó vào hệ thống quan điểm của mình sao cho phù hợp. Vì mỗi công ty có định hướng phát triển khác nhau, tư duy khác nhau, cách tạo động lực khác nhau.

Lưu Lợi - người đồng sáng lập của tôi chưa từng làm CEO. Còn tôi kinh nghiệm mới chỉ dừng lại ở thất bại trong doanh nghiệp đầu tiên. Tất cả đều phải vừa làm vừa học.

Nếu nói sợ thì bao giờ cũng sợ. Dù làm 1 công ty, 2 công ty hay… đến 10 công ty, cảm giác sợ vẫn sẽ có. Trong start-up có rất nhiều kiểu suy nghĩ khác nhau. Có người sợ “tôi chưa thành công bao giờ, nên không biết lần này có thành công hay không”. Có người thành công xong lại gặp thất bại ở doanh nghiệp khác và họ nghĩ, “à thành công trước là may mắn”.

Người ta luôn luôn có cảm giác sợ nhưng xác định làm start-up phải lì. Sợ nhưng mình không chùn bước. Sợ nhưng mình phải liều, phải to gan thôi! (cười)

PV: Thất bại trong khởi nghiệp tại công ty đầu tiên với anh có phải là “bệ đỡ” tốt để tiếp tục cho nghiệp start-up vốn đầy gian truân này?

Trần Huy Vũ: Trong quá trình phát triển có rất nhiều vấn đề, sự khó khăn, sự đứt gãy, stress đến nỗi không muốn nghĩ về nó, phải vượt qua và thích nghi với cái đấy. Nhưng phải làm sao để không lặp lại điều đó, nhìn vấn đề này thấy chưa tốt thì nên tránh.

Và dù có kinh nghiệm hay không thì cũng phải thay đổi và thích ứng. Một người có kinh nghiệm khi chuyển tới một công ty mới có thể nắm bắt nhanh hơn nhưng sẽ phải làm quen với môi trường khác. Bắt đầu start-up cái gì đó thì ai cũng đều sẽ phải thay đổi.

PV: Thất bại đó có khiến anh rơi vào khủng khoảng?

Trần Huy Vũ: Cũng kha khá. Cũng stress nhiều. Bởi cũng dành rất nhiều công sức, tâm huyết vào dự án đấy. Lúc thất bại, tôi đã không có chỗ để ở, không có thu nhập, không có tiền trang trải cuộc sống. Trước đó, công ty đầu tiên của tôi khởi nghiệp ở TP.HCM. Sau thất bại, tôi phải quay trở lại Hà Nội để sống, rồi tìm hiểu, mày mò hướng đi mới.

Lần khởi nghiệp đó đã mang lại cho tôi rất nhiều cảm xúc. Tiếc có tiếc. Bực cũng có bực. Tất cả những cảm xúc đó cùng với áp lực khiến tôi cảm thấy mông lung vì mình đã có rất nhiều hy vọng với nó nhưng tất cả tan thành mây khói. Mông lung còn bởi không biết tương lai phía trước là gì. Mông lung khi nghĩ tới cảnh phải đi làm việc khác hẳn với công việc trước mình làm, không phải sản phẩm của mình, không biết vì sao nó sinh ra, không biết định hướng như thế nào, tầm nhìn ra sao. Cảm giác như đang quen với thể chế này phải sang một thể chế khác. Khó chịu! Nhưng mà thôi, cũng đành phải chịu.

PV: Có không ít các doanh nhân đi trước thường đưa ra lời khuyên rằng, còn trẻ, hãy đi “làm thuê” để tích lũy kinh nghiệm rồi hãy khởi nghiệp. Có vẻ như Vũ không thích điều này khi ngay từ thời điểm ra trường đã bắt tay vào start-up và thất bại 1 lần, anh lại tiếp tục bước chân vào con đường khởi nghiệp?

Trần Huy Vũ: Nó thuộc vào lựa chọn của mỗi người. Không thể cho rằng, các bạn sinh viên mới ra trường làm start-up thì không thể lớn mạnh được. Bất kỳ ai cũng phải thích nghi theo một cách nào đó. Họ có thể thất bại nhưng mục đích cuối cùng là thích nghi để thành công.

Không phải chỉ riêng start-up mà tất cả các công ty đều như vậy. Bắt tay làm một việc gì, lớn hay nhỏ đều cần có rất nhiều kiến thức ngay từ đầu nhưng biết đến khi nào là đủ? Quan trọng nhất là phải dám làm, phải đặt nguyên tắc và làm hết sức có thể, phải thích nghi để mà làm hết sức có thể.

Quan điểm về "làm thuê" trước khi start-up không hoàn toàn đúng cũng không hoàn toàn sai. Thực ra trước khi bắt tay vào Kyber, tôi và Lợi đã có một sản phẩm tương tự như start-up. Đó là tự lên thiết kế sản phẩm, tự bán cho khách hàng, tự vận hành và nhận quả ngọt. Khi khách hàng khen và nhận được phản hồi tốt, tôi cảm thấy hạnh phúc vì sản phẩm của mình khiến họ thấy tốt hơn.

Cảm giác tạo ra một sản phẩm có giá trị, nhận được lời khen của người khác khiến tôi hạnh phúc hơn là mỗi tháng đi làm và nhận lương. Tôi cảm nhận được điều đó và thích cảm giác đấy. Tôi muốn làm và thực hiện ý tưởng của mình. Tốt nghiệp xong tôi vẫn luôn suy nghĩ phải làm một sản phẩm gì đó giúp người khác, mang lại giá trị cho xã hội.

Trước khi khởi nghiệp, tôi đã có 2 tháng đi làm thuê rồi nghỉ việc vì không hợp. Không hợp không phải là không làm được mà vì trong mình không có cảm giác tự hào. Sáng đi làm, tối lại về khiến mình cảm thấy không yêu thích. Mỗi lần về nhà, tôi lại muốn làm cái gì đó của mình, cho mình. Vậy là tôi nghỉ và đi khởi nghiệp.

Nhưng nói thì có vẻ dễ dàng, thực hiện lại không hề đơn giản. Muốn khởi nghiệp cần hội tụ rất nhiều yếu tố. Đó không phải là việc bạn mới ra trường, tự kỷ ám thị nói: “Tôi phải làm gì đó cho đời”, rồi vay mượn, thua lỗ hàng chục tỷ đồng. Bạn phải có tiền để duy trì cuộc sống, phải có đội ngũ để làm, phải tính cả sự an toàn cho mình, phải có tương lai… Start-up thì cũng cần phải có duyên thôi!

PV: Anh nhận định như thế nào về xu thế của blockchain trong thời gian tới?

Trần Huy Vũ: Blockchain sẽ không thể phát triển ngay được mà cần khoảng thời 5 - 10 năm và có thể dài hơn. Bởi nó tác động đến lợi ích trực tiếp của mọi người, nên không thể đi nhanh. Nhưng blockchain là xu hướng không thể tránh khỏi. Không ai có thể chống lại sự phát triển của công nghệ.

Blockchain lại đem lại những giá trị độc nhất vô nhị. Làm sao có thể chống lại được xu hướng khi nó đang mang lại cho xã hội giá trị tốt? Chẳng có lý do gì mà xã hội có thể “trốn” blockchain.

PV: Anh đánh giá như thế nào về những lợi thế cạnh tranh của Kyber ở thời điểm hiện tại?

Trần Huy Vũ: Kyber đang có rất nhiều lợi thế cạnh tranh. Thứ nhất, có được nguồn vốn rất ổn. Nguồn vốn đã giúp chúng tôi sống sót trong thời gian vừa rồi. Thời điểm cuối năm 2018, đầu năm 2019, 80% công ty blockchain bị chết vì thị trường đi xuống quá nhiều. Giá trị đồng tiền giảm mạnh. Ở thời điểm đỉnh cao, tổng giá trị token của Kyber được định giá là 600 triệu USD mà giảm xuống còn 30 triệu USD khi thị trường đi xuống. Chúng tôi đã vượt qua chặng đường khó khăn đó.

Thứ hai, Kyber đang tạo dựng hệ sinh thái lớn nhất trong ethereum (blockchain lớn thứ 2 thế giới).

Thứ ba, đội ngũ của Kyber có uy tín rất tốt trong cộng đồng nên những việc chúng tôi làm đều được ủng hộ.

Ở thời điểm hiện tại, số lượng người dùng của Kyber là 37.000 người. Đó không phải con số lớn nhưng cũng không tệ so với các dự án blockchain hiện nay. Khi xã hội chưa sẵn sàng với blockchain, thì đội ngũ của Kyber đã phải rất nỗ lực.

Khối lượng giao dịch hàng ngày trên Kyber trung bình tầm khoảng 700.000USD. Đây là con số rất nhỏ so với sàn giao dịch bình thường nhưng xét trên góc những đối thủ cạnh trạnh thì Kyber đang dẫn đầu.

PV: Tương lai của Kyber trong suy nghĩ của anh sẽ là gì?

Trần Huy Vũ: Khi chuyển tiền, nhận tiền, làm từ thiện, vay vốn, chơi chứng khoán… mọi người làm điều đó mà bản thân họ đang dùng Kyber mà có thể chính họ không biết. Đó là Kyber tương lai mà tôi nghĩ tới.

Cảm ơn chia sẻ của Vũ, chúc anh và Kyber Network tiếp tục thành công! 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top