Aa

Người thổi hồn quê hương đất nước vào những bức tranh

Thứ Hai, 11/02/2019 - 07:00

Nghệ nhân thêu tay Nguyễn Thị Tiệp đã hơn 30 năm gắn bó với nghề thêu tay truyền thống.

Với bà thêu tay không đơn thuần chỉ là tạo nên hình khối, màu sắc cho bức tranh mà đó còn là cái hồn của người thêu, tình cảm với quê hương, đất nước qua từng đường kim, mũi chỉ.

Hồn quê trong mỗi bức tranh

Hình ảnh người nghệ nhân với cặp kính lão vẫn ngày ngày miệt mài, tỉ mỉ xâu kim, kéo chỉ khiến chúng tôi không thể rời mắt. Từng đường kim cứ đều đều đâm lên đâm xuống, từng bông hoa, chiếc lá cũng thế dần dần hiện lên thật kì diệu và tinh tế. Người nghệ nhân ấy vẫn say sưa với công việc của mình mà không biết rằng chúng tôi – những vị khách không mời mà đến đang đứng ngắm nghía từng cử chỉ của bà.

Đến khi hết một đường chỉ, bà mới rảnh tay và nhìn ngó xung quanh, thấy chúng tôi bà nở một nụ cười tươi vui. Thấy những vị khách yêu thích những bức tranh thêu tay truyền thống bà ngưng tay, giới thiệu cho chúng tôi từng bức tranh của mình. Đằng sau mỗi bức tranh là một câu chuyện, một thông điệp bà muốn gửi gắm tới mọi người.

Nghệ nhân Trần Thị Tiệp sinh ra và lớn lên tại thôn Vĩnh Trung, xã Khai Thái, huyện Phú Xuyên (Hà Nội) đến nay đã 59 tuổi. Bà chia sẻ, mình gắn bó với nghề đã hơn 30 năm. Những ngày đầu bà đến với tranh thêu tay cũng vô cùng tình cờ. Bà kể ngày ấy học hết cấp II, thấy các bà, các chị thêu tranh cho hợp tác xã để xuất khẩu sang Liên Xô (cũ) cũng thấy thích thú rồi xin vào học thêu tại hợp tác xã. Ở đây bà được các “tiền bối” chỉ cho những kiến thức cơ bản, các kiểu thêu cho từng họa tiết. Những ngày đầu thêu tay rất khó, vì nó đòi hỏi từng đường thêu phải đều nhau, chỉ không được xoắn, hay đè lên nhau…chính vì vậy bà phải mất khá nhiều thời gian để hoàn thành được một họa tiết cho bức tranh.

Người thổi hồn quê hương đất nước vào những bức tranh

Nghệ nhân Trần Thị Tiệp với cặp kính lão vẫn ngày ngày miệt mài, tỉ mỉ xâu kim, kéo chỉ

Dần dần, cứ kiên trì rồi trình độ ngày một cao lên. Cứ thế tình yêu với tranh thêu tay truyền thống trong bà cứ lớn dần lên. Đối với người nghệ nhân này, tranh thêu tay không chỉ là “miếng cơm, manh áo” mà nó còn là tình yêu và là nơi để lưu giữ nét đẹp truyền thống của người dân Việt Nam.

Chỉ đến mỗi bức tranh bà đều dừng lại kể cho chúng tôi nghe về ý nghĩa của chúng. Các loại tranh bà thêu chủ yếu là những bức tranh phong cảnh, các bức tranh về làng quê Việt Nam xưa với cây đa, bến nước, sân đình…Các địa danh nổi tiếng như: Hà Nội với lá vàng mùa thu bên hồ Hoàn Kiếm, Quảng Ninh với hình ảnh vịnh Hạ Long khi bình minh lên đón ánh nắng ban mai dịu nhẹ, ấm áp. Những bức tranh thêu hoa sen, từng cánh hoa mỏng manh, e ấp và sống động.

Mỗi bức tranh là một tình cảm riêng của người nghệ nhân sống hết lòng với nghề. Sinh ra và lớn lên ở làng quê Việt Nam, dù cuộc sống bây giờ có nhiều đổi khác thì với bà hình ảnh làng quê xưa vẫn luôn luôn hiện hữu trong tâm trí. Bà luôn muốn mang hình ảnh đồng quê xưa yên bình đến mọi người, chính vì vậy bà đã tái hiện chúng trong mỗi bức tranh của mình. Hình ảnh làng quê hiện lên với ruộng lúa chín vàng, với lũ trẻ mục đồng ngồi trên lưng trâu thổi sáo, với những cánh diều tuổi thơ bay lượn trên nền trời trong xanh, với lũy tre, cây đa đầu làng, nơi người nông dân có thể cùng nhau nghỉ ngơi, trò chuyện, cười nói hả hê sau những giờ làm việc trên cánh đồng nắng gắt…Tất cả đều hiện nên tươi vui, sống động, khiến cho người xem như được sống trong cảnh làng quê yên bình ấy, được đắm mình trong mỗi không gian mà bức tranh mang lại.

Đối với bà cây kim, sợi chỉ là những người bạn thân thiết, cùng bà tạo nên những câu chuyện, giúp bà gửi gắm từng tâm sự, những kỉ niệm xưa cũ…

Nặng lòng với tranh thêu tay truyền thống

Trở lại với khung thêu, vừa thêu bà vừa chia sẻ, để trở thành một người thợ trong nghề thêu tay thực sự rất khó, đòi hỏi người thợ phải có lòng kiên trì, vì những bức tranh nhỏ phải mất tầm khoảng 1 tuần mới hoàn thành. Bên cạnh đó là sự tỉ mỉ, khéo léo. Thêu tay truyền thống khác với các kiểu thêu khác như thêu chữ thập, người thêu chỉ cần thêu một kiểu đơn giản với số màu đã được đánh sẵn. Đối với thêu tay, người thợ phải thêu đều tay, giữ cho chỉ thêu không bị xoắn sợi, hay bị rối chỉ, người thêu tranh phải biết cách tự phối màu sao cho thật hài hòa và sinh động. Quan trọng nhất, người thêu tay cần phải có tình yêu đối với nghề, tình yêu với cây kim, sợi chỉ có thế mới ngày đêm miệt mài bên khung thêu được, Nghệ nhân Tiệp chia sẻ.

Người thổi hồn quê hương đất nước vào những bức tranh

Hình ảnh chùa một cột được được nghệ nhân Trần Thị Tiệp tái hiện

Đang dở tay với họa tiết của một bông hoa, bà hướng dẫn chúng tôi về việc chọn kim, chọn chỉ, phối màu. Đối với thêu cánh hoa cần có sự mềm mại, vì vậy nên chọn kim nhỏ và đường thêu dài, ngắn, xen kẽ lẫn nhau tạo cảm giác tự nhiên, tinh tế. Với phần nhụy hoa, người thêu cần dùng kỹ thuật thêu sa hạt, chọn loại kim to hơn để thể hiện rõ phần nhụy hoa không bị xen lẫn với các phần khác. Phối màu được đánh giá là một công đoạn khó trong thêu tranh, người thêu tranh phải có con mắt thẩm mỹ, kết hợp màu đậm, nhạt để bức tranh có chiều sâu, tinh tế.

Khi chúng tôi hỏi về việc dạy nghề, học nghề, người nghệ nhân giọng trầm xuống, chia sẻ: giờ giới trẻ không còn mặn mà với nghề này nữa, vì thu nhập thấp và là nghề thủ công. Hiện nay, có nhiều dòng tranh xuất hiện, đơn giản, dễ làm không mất quá nhiều thời gian nổi lên như “mì ăn liền”, chính vì vậy mà tranh thêu tay truyền thống rất khó cạnh tranh được. Hiện nay, gắn bó với nghề thường là những người ở thế hệ trước, những người trẻ cũng có nhưng tỉ lệ thấp và thường chỉ thêu những lúc nông nhàn, rảnh rỗi, chứ không coi đây là nghề để nuôi sống bản thân và gia đình, chính vì vậy mà họ không dồn nhiều tâm huyết vào tranh thêu tay truyền thống.

Tuy nhiên, chỉ những người biết chơi tranh, sành chơi tranh và am hiểu về các dòng tranh mới thấy được hết những gì tinh túy nhất của tranh thêu tay. Dòng tranh này vẫn luôn có những nét riêng mà không dòng tranh nào có được. Chính những người nghệ nhân đã mang lại cho tranh cái “hồn” đặc trưng ấy.

Đối với Nghệ nhân Tiệp, thêu tay là tình yêu, là niềm hạnh phúc. Chỉ cần là mắt còn sáng thì người nghệ nhân sẽ luôn gắn bó với nghề, gìn giữ nghề. Gửi gắm tâm hồn mình vào mỗi bức tranh.

Chia tay Nghệ nhân Trần Thị Tiệp, chúng tôi chúc bà thật nhiều sức khỏe để gắn bó với nghề, đưa tranh thêu tay – văn hóa, vẻ đẹp của Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, lưu giữ và phát huy đến ngàn đời sau.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top