Aa

Người vay “khóc ròng” vì lãi suất vay tiếp tục tăng cao

Thứ Ba, 20/12/2022 - 06:49

Lãi suất cho vay đang tăng nhanh khiến cho nhiều người vay mua nhà và cả người đang có dư nợ lo lắng vì số tiền phải trả cả gốc lẫn lãi hàng tháng vượt quá khả năng.

Lãi suất ngân hàng không ngừng tăng cao

Hiện có không ít ngân hàng đã cập nhật biểu lãi suất cho vay mới với mức tăng từ 0,5 - 1,2% so với đầu tháng 10 và nhiều ngân hàng đã tăng mức lãi suất trên 10%.

Cụ thể, tại VPBank, đối với các khoản vay có tài sản bảo đảm của khách hàng cá nhân, lãi suất cơ sở thấp nhất là 8,6%/năm dành cho kỳ hạn một tháng (kỳ điều chỉnh lãi một tháng) và cao nhất là 10,6%/năm dành cho kỳ hạn trên 5 năm đến 10 năm (kỳ điều chỉnh lãi ba tháng).

Từ đầu tháng 10 đến nay, TPBank cũng đã hai lần điều chỉnh nâng lãi suất cơ sở, với lãi suất cơ sở cho vay khách hàng cá nhân thì kỳ hạn một tháng đang niêm yết ở mức 9,1%, tăng 1,1%/năm so với tháng trước; kỳ hạn ba tháng ở mức 10,1%, tăng 1,2%; các khoản vay sáu tháng đến dưới một năm lãi suất cơ sở là 10,2%, tăng 1,2%; kỳ hạn trên một năm lãi suất cơ sở đang được niêm yết 10,6%, tăng 1,1%/năm.

Ngoài ra, một số ngân hàng cũng niêm yết biểu lãi suất cơ sở cho vay mới như: ACB hiện ở mức 8%/năm; SeABank 9,6%; Eximbank hiện đang dao động trong khoảng 7,8 - 9,9%; ABBank ghi nhận lãi suất cơ sở cho vay khách hàng ở mức 9,8%/năm; Sacombank hiện đang giao động trong khoảng 6 - 8,3%/năm tùy kỳ hạn.

Đáng chú ý, ngân hàng Techcombank tiếp tục có lãi suất cho vay mua nhà cao nhất, ở mức 10,59%/năm. Tuy vậy, Ngân hàng cũng có chính sách giảm trừ lãi suất cho vay đến 1,2%/năm trong giai đoạn thả nổi đối với từng nhóm khách hàng.

Thông thường các ngân hàng sẽ tính lãi suất cho vay theo công thức lãi suất cơ sở cộng thêm biên độ 3 - 4%. Như vậy, mức lãi suất cho vay thời gian tới sẽ còn tăng cao, trừ các khoản vay theo chính sách ưu đãi dành cho các lĩnh vực ưu tiên vẫn đang áp dụng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Người vay mua nhà và doanh nghiệp đang ngồi trên đống lửa 

Anh N.C. Thiện (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, năm 2019, anh có vay ngân hàng 400 triệu đồng để mua căn hộ chung cư nhưng cách đây 1 tháng anh được nhân viên ngân hàng báo khoản vay hết hạn ưu đãi, lãi suất sẽ tăng lên 13%/năm. Nhưng mức lãi suất này chỉ áp dụng trong 3 tháng rồi tăng tiếp.

"Trước đó, mỗi tháng tôi sẽ trả gốc 8,5 triệu đồng và lãi là 2,7 triệu đồng. Lãi suất thời điểm vay là 8%/năm nhưng đến từ tháng 11 năm nay, tiền trả lãi vay cộng với tiền gốc quá cao so với thu nhập của tôi nên không gồng gánh nổi. Gia đình cũng đang tính đi vay bạn bè, người thân mỗi người một ít để trả ngân hàng cho đỡ phải trả lãi” anh Thiện chia sẻ.

Chị Minh Thư (quận 9, TP.HCM) cũng cho hay, giữa năm nay, khi lãi suất còn rẻ, chị đã thế chấp căn nhà đang ở để vay 2 tỷ đồng mua lô đất ở Bình Dương. Vào tháng trước, lãi suất cho vay lên trên 13%/năm. Nhưng mới đây nhân viên tín dụng báo khả năng có thể lên 15%/năm khi đến kỳ điều chỉnh lãi suất tiếp theo, trong khi đó đất ở tỉnh đang không thanh khoản được, rao bán không ai mua.

Theo chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên Học viện Tài chính cho biết, trong bối cảnh thu nhập của người lao động vẫn còn hạn chế nên nhu cầu vay vốn mua nhà vẫn rất lớn. Hiện nay, nhu cầu về vốn đang tăng mạnh khiến các ngân hàng buộc phải tăng lãi suất huy động để hút dòng tiền và kéo theo lãi suất cho vay cũng tăng. Vì vậy, người dân muốn vay ngân hàng cũng nên cân nhắc khả năng chi trả cả gốc lẫn lãi cho phù hợp.

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên Học viện Tài chính

Không chỉ người dân đang bị áp lực mà hiện đa số doanh nghiệp bất động sản cũng đang rơi vào tình trạng khó khăn, kinh doanh không thuận lợi do thị trường đang có nhiều yếu tố bất định. Không ít doanh nghiệp đã phải thực hiện các biện pháp cắt lỗ để tồn tại, thậm chí tung ra nhiều chính sách hạ giá bán nhằm kích cầu người mua và huy động vốn.

Chia sẻ về vấn đề này, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, ở thời điểm hiện tại các doanh nghiệp buộc phải chấp nhận thực tế đối mặt với khó khăn bởi lãi suất đầu vào tăng, đương nhiên lãi suất cho vay được đẩy lên theo. Lãi suất tăng không phải là mong muốn của cơ quan quản lý nhưng trong bối cảnh sức ép kiểm soát lạm phát, việc giải bài toán tỷ giá không hề đơn giản. Doanh nghiệp cần phải tính toán khi lãi suất tăng lên, quy trình từ lúc bỏ tiền ra cho đến khi thu tiền về rất quan trọng, phải tìm giải pháp làm sao thu tiền nhanh hơn và kiểm soát được dòng tiền./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top