Rầm rộ kêu gọi khách hàng đầu tư bất động sản ngoại
Ngày 18/7, Hiệp hội Quốc gia chuyên viên địa ốc Hoa Kỳ (NAR) cho biết, năm 2017, người Việt đứng thứ 7 trong top 10 nước có công dân mua nhà ở Mỹ nhiều nhất, tăng 2 bậc so với năm 2016 (từ tháng 4/2016 đến tháng 3/2017).
Số tiền mà người Việt Nam chi để mua nhà ở Mỹ khoảng 3,06 tỷ USD (tương đương khoảng 70 nghìn tỷ đồng). Con số này khi được công bố đã khiến dư luận giật mình. Giới chuyên gia cho rằng, cần siết chặt các quy định về ngoại hối, kiểm soát chặt chẽ dòng tiền "chảy" ra nước ngoài.
Tuy nhiên trên thực tế, vẫn có những thị trường ngầm để người Việt "lách" và đổ số tiền khổng lồ ra nước ngoài mua bất động sản. Dù nói là thị trường ngầm, nhưng các hoạt động kêu gọi đầu tư bất động sản Mỹ và các nước khác trên thế giới lại không hề ngầm. Những buổi hội thảo đầu tư hình thức EB-5 vẫn được tổ chức công khai và rầm rộ.
Mới đây nhất có thể kể đến Hội thảo đầu tư EB-5 Hudson Yards do công ty IBID (trụ sở tại 155 Hai Bà Trưng, P.6, Q.3, TP.HCM) diễn ra ngày 14/12/2017. Đúng như tên gọi, buổi hội thảo là dịp để công ty IBID giới thiệu cơ hội đầu tư dự án Hudson Yards, một dự án EB-5 được cho là lớn nhất tại Thành phố New York hiện nay.
Theo thông tin từ công ty IBID, tại buổi hội thảo, chuyên gia EB-5 sẽ cập nhật những thông tin mới nhất về chương trình EB-5 với nhiều điều luật mới đang được Quốc hội Hoa Kỳ đưa ra cân nhắc thực thi trong năm 2018.
Để trấn an khách hàng trong việc Luật di trú mới của Mỹ áp dụng khi Tổng Thống Mỹ Donald Trump đưa ra, IBID đưa ra thông tin: “Theo thông tin mới nhất từ Luật sư Di Trú của Hoa Kỳ, chương trình EB-5 sẽ được tiếp tục gia hạn đến ngày 22/12/2017, tuy nhiên đây là dịp nghỉ lễ Giáng sinh và năm mới của nước Mỹ. Việc ngưng trệ do nghỉ lễ sẽ kéo theo sự trì trệ của chương trình EB-5 vì có thể các điều luật mới vẫn chưa kịp xét duyệt. Tuy chưa có thông tin chính thống, giới chuyên gia và Luật sư EB-5 cũng dự đoán được rằng, việc kết thúc chương trình EB-5 là không thể xảy ra. Mà chương trình sẽ được hoàn thiện với những điều luật khắt khe hơn để ngăn chặn gian lận, đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư EB-5, đồng thời khả năng tăng số tiền đầu tư lên gấp đôi là rất lớn. Lời khuyên dành cho các nhà đầu tư EB-5 lúc này là tiếp tục lựa chọn dự án an toàn để đầu tư khi số tiền đầu tư vẫn đang ở mức 500.000 USD và những điều luật cũ có lợi cho nhà đầu tư vẫn đang còn hiệu lực”.
Nói về dự án Hudson Yards, IBID cho biết đây là dự án EB-5 lớn nhất tại New York, thu hút giới đầu tư bởi mức rủi ro tối thiểu. Hudson Yards giai đoạn 3 có tổng vốn đầu tư 4,4 tỷ USD gồm 2 toà nhà chọc trời cao 51 tầng và 72 tầng, cùng phần nền móng rộng 5,3ha.
Đặc biệt, để kêu gọi nhà đầu tư Việt Nam “xuống tiền” mua nhà tại dự án này IBID đưa ra chính sách sẽ giảm 10.000 USD phí quản lý dự án (chỉ còn 40.000 USD) với mức đầu tư không đổi 500.000 USD. Ngoài ưu đãi hấp dẫn, việc lấy thẻ xanh cho cả gia đình và được hoàn vốn đầu tư hoàn toàn được đảm bảo.
Đây không phải lần đầu tiên IBID tổ chức hội thảo kêu gọi đầu tư mua nhà nước ngoài cho người dân Việt Nam. Theo thông tin từ lãnh đạo công ty, thì mỗi năm IBID thường tổ chức cả chục buổi hội thảo kêu gọi đầu tư EB-5 như trên. Các hội thảo này tự tổ chức mà không nhắc gì đến việc được cấp phép.
Cẩn trọng dòng vốn “chảy ngược”
Nói về việc dòng tiền “chảy ngược” từ Việt Nam ra nước ngoài theo bất kỳ hình thức nào, ông Nguyễn Huy Vũ, Tổng giám đốc Công ty CP bất động sản BV Land, cho rằng Luật pháp Việt Nam không cấm người dân mua tài sản ở nước ngoài. Tuy nhiên, vấn đề chuyển tiền ra nước ngoài lại có hạn chế, luật hiện hành chưa cho phép người dân chuyển tiền ra nước ngoài với mục đích mua nhà.
Do vậy, để chuyển tiền đầu tư bất động sản nước ngoài, những công ty tư vấn đầu tư tại Việt Nam sẽ dùng “chiêu” lách luật để chuyển tiền từ Việt Nam đi và cách lách luật này tiềm ẩn khá nhiều rủi ro.
“Thông thường, phương thức phổ biến nhất mà các công ty tư vấn áp dụng, đó là chuyển tiền cho người thân hoặc con cái đang du học và sử dụng tiền đó thanh toán tiền mua nhà. Ngoài ra, cá nhân người Việt có thể tham gia vào các dự án ở nước ngoài, để thực hiện mục đích đầu tư ra nước ngoài, và chuyển tiền ra nước ngoài. Bên cạnh đó, tại Việt Nam còn xuất hiện dịch vụ chuyển tiền ra nước ngoài không chính thống. Dịch vụ này thường có ở một số cửa hàng thu đổi ngoại tệ không chính thống, bằng cách khách hàng ở Việt Nam chuyển tiền cho các chủ cửa hàng này, sau đó người nhà ở nước ngoài sẽ nhận được khoản tiền tương đương bằng USD chỉ sau 1 - 2 tiếng qua một đối tác ở địa phương. Dịch vụ này thường có mức phí khoảng 3%”, ông Vũ nói.
Còn ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank cho rằng, ngoại tệ chuyển qua nước ngoài mua nhà có thể qua các con đường không chính thức, bởi ngân hàng chỉ nhận chuyển tiền thanh toán một số giao dịch được phép như chữa bệnh, du học... số tiền này không quá lớn.
"Có thể họ đã chuyển tiền qua kênh khác, chứ không phải qua ngân hàng. Chắc chắn Ngân hàng Nhà nước tới đây sẽ có biện pháp nhất định để kiểm soát nguồn ngoại tệ chảy ra nước ngoài này", ông Hưng nói.
Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, nhu cầu của người Việt Nam mua bất động sản ở nước ngoài đã tăng mạnh trong những năm gần đây. Bằng chứng là trong khi thị trường trong nước đóng băng những năm 2011 - 2013, nhiều người đã đổ tiền để mua nhà đất ở nước ngoài. Tuy nhiên, đây là hình thức đầu tư không chính thống.
“Nhiều người Việt Nam đổ tiền ra nước ngoài đầu tư bất động sản, trong đó có không ít là hoạt động đầu tư ngoài luồng, mang tính không hợp pháp vì pháp luật Việt Nam đang thắt chặt dòng chảy ngoại hối ra nước ngoài. Trong khi thị trường hiện nay lại ghi nhận rất nhiều người dân vẫn chuyển tiền ra nước ngoài đầu tư bằng nhiều hình thức khác nhau, cho thấy việc quản lý ngoại hối còn nhiều lỗ hổng. Câu chuyện ở Trung Quốc, dòng ngoại tệ cực lớn đã bị người dân Trung Quốc rút ra để mua bất động sản ở khắp nơi trên thế giới đang là bài học nhãn tiền”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cảnh báo.
Đặc biệt, ông Châu cho biết, hiện tại ở TP.HCM chỉ có hai công ty có giấy phép và đang thực hiện giao dịch bất động sản tại nước ngoài, đó là Công ty nhà Thủ Đức có chi nhánh tại Mỹ và Công ty Hoàng Anh Gia Lai. Nếu những công ty khác tại TP.HCM đang hoạt động trong lĩnh vực này mà chưa được Nhà nước cấp phép thì đó là hoạt động sai pháp luật.
Cũng theo ông Châu, trong khi Chính phủ đang kêu gọi kiều hối từ thế giới đổ về Việt Nam để phát triển và kêu gọi người dân mua trái phiếu Chính phủ giúp Chính phủ có tiền phát triển kinh tế đất nước thì tình trạng dòng vốn chảy ngược ra nước ngoài bằng hình thức đầu tư bất động sản là một mất mát lớn cho kinh tế Việt Nam và cho cả Chính phủ. Nếu không có biện pháp mạnh cho vấn đề này thì trong thời gian dài sẽ gây hậu quả rất lớn. Nó giống như việc chảy máu chất xám trong giáo dục.
Trong khi đó, dưới góc nhìn một chủ đầu tư bất động sản đang thu hút khách nước ngoài vào các dự án, ông Ngô Quang Phúc, Phó Tổng giám đốc Himlam Land cho rằng, việc bất động sản Việt Nam có nhu cầu hút khách ngoại và ngược lại cũng là chuyện bình thường. Tuy nhiên, người dân bằng cách này cách khác mang tiền ra nước ngoài mua nhà nên thận trọng.
“Với lãi suất ngân hàng tại nhiều nước gần như bằng 0, khả năng đầu tư sinh lời cao sẽ rất thấp. Nếu có cũng chỉ do làn sóng mua đi bán lại nhất thời. Do đó, chỉ trừ có những lý do bất khả kháng như nhu cầu định cư, còn mua nhà với mục đích đầu tư, tôi vẫn khuyên mọi người nên chọn lựa các dự án tại Việt Nam”, ông Phúc phân tích.