Siết trong, mở ngoài
UBND TP.HCM vừa ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch phát triển nhà ở TP.HCM giai đoạn 2016 - 2020 nhằm cụ thể hóa các định hướng, mục tiêu, chỉ tiêu phát triển nhà ở của Chương trình phát triển nhà ở TP.HCM giai đoạn 2016 - 2025 đã được HĐND Thành phố thông qua.
Chủ trương của TP.HCM là đưa ra giải pháp phát triển nhà sắp tới ở theo từng khu vực. Theo đó, đối với khu vực trung tâm hiện hữu (gồm quận 1, quận 3) ưu tiên tăng chỉ tiêu quy hoạch dân số, hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng cho các dự án cải tạo xây dựng mới thay thế chung cư cũ trước năm 1975. Như vậy, có thể hiểu, trong thời gian tới, nguồn cung dự án mới tại khu vực trung tâm này sẽ không nhiều, có chăng là các dự án đã được công nhận chủ đầu tư và chấp thuận đầu tư đang triển khai thi công xây dựng.
Đối với khu vực nội thành hiện hữu (gồm 11 quận: 4, 5, 6, 8, 10, 11, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú), chủ trương của Thành phố cũng chỉ tập trung hoàn thiện các dự án dở dang; hạn chế phát triển các dự án nhà ở mới nếu chưa có kế hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tương ứng đảm bảo và phù hợp. Đồng thời, chỉ xem xét, chấp thuận chủ trương để triển khai thực hiện các dự án nhà ở mới khi đã có kế hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tương ứng đảm bảo và phù hợp.
Trong khi “siết“ việc phát triển các dự án mới ở khu vực trung tâm, Thành phố lại có chủ trương mở rộng việc phát triển các dự án “bám” theo các công trình hạ tầng giao thông kết nối. Cụ thể, theo định hướng nhà ở của TP.HCM đến năm 2025, phát triển nhà ở gắn với phát triển đô thị Thành phố trên quan điểm phát triển Vùng TP.HCM với hệ thống giao thông hiện đại (đường sắt trên cao, metro, xe buýt nhanh…).
Đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hoàn chỉnh, chú trọng liên kết vùng. Phát triển nhà ở đảm đảm bảo với quy hoạch xây dựng Thành phố theo hướng đô thị thông minh, phát triển nhà ở theo hướng văn minh hiện đại, có bản sắc, tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững.
Trước mắt, từ đây đến năm 2020, tổ chức đấu thầu lựa chọn các nhà đầu tư, ưu tiên triển khai các dự án nhà ở chung cư cao tầng dọc các trục giao thông công cộng lớn nằm trên 6 quận nội thành phát triển (quận 2, 7, 9, 12 , quận Thủ Đức và Bình Tân) theo quy hoạch để thay thế các khu nhà ở cũ, xuống cấp.
Giãn dân ra ngoài trung tâm
Dù chủ trương phát triển các dự án nhà ở bám vào các trục giao thông lớn vừa được TP.HCM ban hành, nhưng trên thực tế, việc dự án “ăn theo” hạ tầng đã được các doanh nghiệp địa ốc ráo riết thực hiện thời gian qua.
Xu hướng đón lõng hạ tầng rõ nét nhất thời gian qua tập trung ở khu Đông của TP.HCM, nơi có hàng loạt công trình giao thông công cộng như Metro số 1, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, hầm Thủ Thiêm và trục đường Mai Chí Thọ, Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM cơ sở 2, Bến xe miền Đông mới.
Theo khảo sát của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, kể từ khi tuyến metro đầu tiên tại TP.HCM (Bến Thành - Suối Tiên) được đầu tư, dù chưa chính thức đi vào hoạt động, nhưng dọc theo cung đường này, đã có xuất hiện hàng loạt dự án bất động sản lớn. Theo tìm hiểu của phóng viên, dọc hai bên tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên hiện có hàng chục dự án mới, cung ứng cho thị trường hơn 77.200 căn hộ, chiếm hơn 40% tổng lượng căn hộ của thị trường TP.HCM.
Tương tự, dọc theo trục đường Mai Chí Thọ và cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây thuộc địa bàn quận 2 và quận 9, sau khi các tuyến đường này đưa vào hoạt động, đã kéo theo làn sóng đầu tư của hàng loạt dự án mới như Khu đô thị Sala của Đại Quang Minh, Dự án The Sun Avenue, Khu đô thị Lake View của Novaland, Gem Center của Đất Xanh, hay hàng loạt dự án của Khang Điền… Đặc biệt, khu Đông còn sôi động hơn với sự xuất hiện của siêu dự án VinCity.
Theo phân tích của giới chuyên môn, mặc dù có sự phát triển khá mạnh thời gian qua, song dư địa về quỹ đất để phát triển dự án mới dọc các trục giao thông lớn vẫn còn nhiều, cùng với chủ trương mới về phát triển thị trường của Thành phố, dự báo xu hướng phát triền của thị trường bất động sản TP.HCM thời gian tới vẫn tập trung mạnh dọc các công trình giao thông, trong đó khu Đông sẽ dẫn đầu cho xu thế này.
Trước đó, tại một hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về phát triển đô thị được tổ chức tại TP.HCM, ông Honino, Giám đốc cao cấp Tập đoàn Tokyu (Nhật Bản) cho biết, tập đoàn này có kinh nghiệm 100 năm phát triển các đô thị về phía Tây Nam Tokyo (Nhật Bản). Từ Tokyo đi về các khu đô thị hướng Tây Nam, hệ thống metro phát triển khá mạnh. Theo đó, dọc các tuyến metro này là các khu đô thị “hạt nhân”, Tập đoàn Tokyu đã thu hút khoảng 5 triệu dân đến sinh sống, làm ăn tại đây.
Theo các chuyên gia Nhật Bản, thông thường, khi phát triển các tuyến metro nối từ khu trung tâm ra vùng ngoại ô, các nhà hoạch định chiến lược mong muốn cư dân ở vùng ven mỗi buổi sáng đi vào khu trung tâm làm việc rồi vào buổi chiều trở về nhà, hay từ ngoại ô thành phố vào trung tâm mua sắm, vui chơi sau đó lại trở về căn nhà ở ngoại ô. Tuy nhiên, các chuyên gia từ Tập đoàn Tokyu cho rằng, cần phát triển các trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí cạnh các tuyến metro ở ngoại ô đủ sức thu hút, để cư dân từ khu trung tâm ra ngoại ô mua sắm, vui chơi.
Nếu làm được như vậy, các tuyến metro sẽ khai thác được 2 chiều một cách hiệu quả. Thậm chí, các bệnh viện, trường học tại các vùng ven, cạnh tuyến metro phải thu hút cho được cư dân nội ô đến sử dụng các dịch vụ đó thông qua tuyến metro.
“Các tuyến metro tại Tokyo nối với phía Tây Nam, nơi Tập đoàn Tokyu phát triển các đô thị vệ tinh thu hút khoảng 3 triệu lượt khách đi về mỗi ngày. Tầm quan trọng của việc phát triển đô thị dọc tuyến metro góp phần tạo nên sự vận chuyển 2 chiều, giúp khai thác tuyến metro hiệu quả”, ông Honino nói.
Tại TP.HCM, qua khảo sát của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), khu vực dọc theo tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên là điểm phù hợp, hội đủ các điều kiện để phát triển trung tâm thương mại, về lâu dài là phát triển khu dân cư.