Trong một hội thảo với chủ đề về Bài toán an cư cho người trẻ, đại diện của Công ty Cổ phần DKRA Việt Nam nói rằng: Một vấn đề hết sức nghịch lý nhưng lại đã và đang nghiễm nhiên xảy ra trên thị trường. Đó là với mức thu nhập, tích lũy của người trẻ mới ra trường đi làm như hiện tại - với mức giá nhà phổ thông ở đại đô thị TP.HCM, phần đông người trẻ sẽ rất khó tiếp cận, thực hiện ước mơ sở hữu một căn nhà.
Giá nhà “cao, cao mãi...!”
Gần hơn, qua một chủ đề liên quan đến nhà ở chung cư cũng được đại diện của Công ty này đưa ra nhận định không hề chủ quan: Tại TP.HCM, ngày càng mất hút nhưng dự án có giá thành dưới 1,5 tỷ đồng/ căn hộ.
Thực tế, dù thị trường bất động sản ở nhiều phân khúc tại TP.HCM nói riêng, các địa phương phía Nam nói chung thời gian qua gặp khó khăn vì COVID-19 thì giá thành điều chỉnh tăng ở nhiều dự án nhà ở từ thấp - lên mức trung và trung cao, từ trung cao lên hẳn mức cao, vẫn diễn ra.
Một dự án tái định cư - thương mại tại phường 17, quận Bình Thạnh có số lượng căn hộ ít ỏi chưa chào bán, đã hết suất ngay từ khi còn trong giỏ hàng không công khai. Giá bán của một căn hộ diện tích 60m2 tại dự án này là 3,3 tỷ đồng, tức tương đương 55 triệu đồng/m2, bằng giá thành tính trên mét vuông, giao thô tại các dự án căn hộ cao cấp rải dọc sông Sài Gòn trung tâm quận 1, quận 4 (TP.HCM) của các đại gia như Novaland…
Và thời buổi thắt lưng buộc bụng, thu nhập của nhiều người kém đi vì COVID-19, cũng không hề làm giá của những dự án “của hiếm” này điều chỉnh chiều xuống.
Bài ca “lệch cung”
Báo cáo về thị trường bất động sản TP.HCM mới đây của HoREA cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2020, Sở Xây dựng đã xác nhận đủ điều kiện để huy động vốn sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai của 20 dự án (giảm 12 dự án, giảm 37,5% so với cùng kỳ năm 2019), với tổng số 6.722 căn nhà, giảm 65,8% so với cùng kỳ năm 2019 (trong đó có 5.338 căn hộ (467.051m2 sàn xây dựng) + 1.381 căn nhà thấp tầng (482.499m2 sàn xây dựng) và 03 căn biệt thự (1.589m2 sàn xây dựng)), tổng giá trị huy động vốn là 41.138 tỷ đồng (đã bao gồm VAT, chưa bao gồm 2% phí bảo trì).
Lưu ý là trong đó có tới 4.876 căn nhà thuộc phân khúc cao cấp, chiếm tỷ lệ 72,5%, tăng 24,5%; phân khúc nhà ở trung cấp chỉ có 1.683 căn chiếm tỷ lệ 25%, giảm đến 56,6%; phân khúc nhà ở bình dân chỉ có 163 căn, chiếm tỷ lệ 2,5%, giảm đến 98,5%, trên tổng sản phẩm nhà ở trên thị trường so với cùng kỳ năm 2019.
Rõ ràng, việc nhà đầu tư không hề mặn mà khiến số lượng dự án phân khúc căn hộ trung cấp giảm hơn một nửa, căn hộ bình dân gần như vắng bóng trong 9 tháng 2020, đã cho thấy rằng nếu không có sự tham gia định hướng sản phẩm bất động sản, đi kèm là những chính sách hỗ trợ cụ thể của Nhà nước, thì giá thành căn hộ tại khu vực TP.HCM không chóng thì chầy, sẽ tiếp tục phi mã và đắt đỏ chẳng thua kém gì thị trường nhà ở của Hồng Kông. Mà trong khi thu nhập bình quân đầu người, thì phải đến 2045, chúng ta mới kỳ vọng đuổi gần kịp họ./.