Aa

Ngưỡng mộ người phụ nữ sở hữu 5 nông trại hữu cơ như hệ sinh thái 'cổ xưa'

Thứ Năm, 23/08/2018 - 11:42

Mô hình canh tác hữu cơ nông - lâm kết hợp của Tyna Giang là dự án đầu tiên tại Việt Nam đạt được hạng cao nhất trong cuộc thi “100 dự án chống lại biến đổi khí hậu” do Bộ Môi trường, Năng lượng và Biển của Pháp tổ chức năm 2016...

Rời gia đình nhỏ ở kinh đô ánh sáng Paris (Pháp), năm 2015 Tyna Giang về Việt Nam. Cô chọn khởi nghiệp tại một thung lũng hoang ở vùng Đăk Pne (huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum), sống như một “thổ dân” để nghiên cứu phát triển mô hình nông nghiệp hữu cơ theo một triết lý riêng.

Tyna Giang sở hữu 5 trang trại hữu cơ được chứng nhận quốc tế với tổng diện tích hơn 50 ha

Tyna Giang sở hữu 5 trang trại hữu cơ được chứng nhận quốc tế với tổng diện tích hơn 50 ha

Cô gái Việt kiều Pháp sinh năm 1982 bước đầu gặt hái thành quả khi xây dựng thành công 5 trang trại mô hình mẫu ở Tây Nguyên với tổng diện tích hơn 50ha và 120 loại cây được cấp các chứng nhận hữu cơ quốc tế như USDA (Mỹ), JAS (Nhật Bản), AB (Châu Âu), công bằng cho cuộc sống (Fair for Life ) bởi Công ty Ecocert (Pháp). 

Người “điên” ở rừng

Trang trại Bio Pháp ở Đăk Pne rộng 14ha, nằm sâu trong những cánh rừng ở Tây Nguyên. Để đến được đây, những chiếc xe bán tải phải đánh vật với cung đường đất xóc nẩy đủ loại hủm hố, rãnh sâu. Bên trong trang trại khá hoang sơ, cây dại um tùm, chúng tôi vừa đi vừa vạch để cỏ gai khỏi cứa vào da thịt.

Phạm Công Hiếu, chàng kỹ sư trẻ có thâm niên làm việc tại trang trại 2 năm bảo: “Chúng em thường xuyên bắt gặp rắn và những con tắc kè lang thang kiếm ăn, nhưng chẳng ai bắt chúng vì đó là khắc tinh của loài chuột”.

Sẩm tối, mưa rừng khiến không gian mịt mùng, gió rú hít bên tai khiến khiến chúng tôi rờn rợn. Ở Tây Nguyên, mỗi đợt mưa có khi kéo dài cả tháng, thế nên vào làm việc tại trang trại Bio Pháp ở Đăk Pne chẳng khác nào đi tu.

Chủ nhân của trang trại dựng một ngôi nhà sàn nhỏ bằng gỗ để ở. Tuy điều kiện sống như thời nguyên thuỷ (không đường bê tông, không sóng di động, vô tuyến truyền hình, không có đường điện, không người thân quen), nhưng những thử thách đó chẳng nhằm nhò gì với Tyna Giang.

Nhờ có dự án phát triển nông nghiệp hữu cơ ứng dụng công nghệ cao, Tyna Giang đã được Agribank cho vay 12 tỷ đồng

Nhờ có dự án phát triển nông nghiệp hữu cơ ứng dụng công nghệ cao, Tyna Giang đã được Agribank cho vay 12 tỷ đồng

Ngày Giang về đây lập nghiệp, người thân cô phản đối kịch liệt và bảo rằng: “Đúng là con điên!”. Giang bình thản tiếp nhận, bởi chính cô cũng nghĩ rằng mình may mắn khi được sống với chất “điên” tồn tại trong người.

“Điên” khiến cô mạnh mẽ để từ bỏ nghề quản trị khách sạn và du lịch, để lại một cuộc sống tiện nghi với gia đình nhỏ ở Paris để trở thành nông dân. Và, chất “điên” cũng khiến cô có những ý tưởng khác biệt để tạo ra những giá trị khác biệt.  

Triết lý cuộc sống trong nông nghiệp hữu cơ

Huỳnh Đinh Hà Giang (Tyna Giang) quê ở Đà Nẵng, thích xê dịch và khám phá thế giới. Sau khi tốt nghiệp Đại Học Kinh tế Đà Nẵng, 2005 cô qua Paris (Pháp) học ngành khoa học kinh tế và MBA ngành khách sạn và du lịch tại trường Vatel (Pháp) tại Argentina.

Quãng đời hơn 10 năm sống và làm việc tại tại xứ người, cô học được ở người châu Âu sự trân trọng với vẻ đẹp thiên nhiên và sự quyết liệt để gìn giữ và phát triển.

Sang Nam Mỹ, sống với người dân tộc vùng Amazon, cô học được khả năng sinh tồn và sự kết nối cộng đồng mà không cần đến sự tồn tại của vật chất.

Để rồi, khi đọc tin từ Việt Nam, Giang bị ám ảnh về những quả đồi bị cạo trọc để trồng cây ăn quả, cây công nghiệp… hay những cánh đồng tắm thuốc trừ sâu... Cô muốn làm một điều gì đó để thay đổi thực tại phi lý này.

Năm 2015, khi ở tuổi 33, Giang Tyna rời Pháp về Việt Nam đầu tư vào nông nghiệp hữu cơ. Cô chọn Tây Nguyên là điểm khởi đầu, bởi đó là vùng đất còn giữ được môi trường nguyên sơ.

Giang quan niệm: “Ở nơi nào hệ sinh thái bị phá vỡ sự cân bằng, thì đó không phải là nơi đáng sống”. Làm nông nghiệp hữu cơ cũng vậy, nó không đơn thuần là việc tạo ra một sản phẩm. Nó là một triết lý sống lành mạnh để con người và thiên nhiên sống gần gũi với nhau hơn.

Hồ tiêu hữu cơ là sản phẩm chiến lược của trang trại Bio Pháp

Hồ tiêu hữu cơ là sản phẩm chiến lược của trang trại Bio Pháp

Trong chiến lược phát triển dự án sản xuất nông nghiệp hữu cơ của Giang, khi bổ nhát cuốc đầu tiên thì 10 năm sau mới bước đầu được ăn trái ngọt.

Cô không vội vàng canh tác mà cần mẫn trồng cây lạc dại và phát triển các loại cỏ dại địa phương để cải tạo và bổ sung đạm tự nhiên trong đất.

Sau 3 năm, cả vùng đất khô cằn được hồi sinh với sự đa dạng sinh học, Giang đưa tay bốc từng nắm đất đen như mùn cưa mà lòng trào dâng những cảm xúc hạnh phúc khó tả.

Bên cạnh đó, Bio Pháp cũng xây dựng một vườn giống sạch bệnh để lưu giữ các gốc ghép phù hợp địa phương, giống không nhiễm virus. Đó là hai yếu tố sống còn cho sự tồn tại của một nông trại hữu cơ.

Những trái ngọt đầu tiên của trang trại hữu cơ Bio Pháp

Những trái ngọt đầu tiên của trang trại hữu cơ Bio Pháp

Để xây dựng hệ sinh thái cân bằng, cô và các cộng sự nghiên cứu kỹ thuật để sắp đặt lại các thành tố một cách khoa học theo nguyên tắc “tương hỗ”, “cộng sinh”, cây nọ hỗ trợ cây kia.

Xung quanh trang trại được bố trí những bụi cây dại cao, những cây thân gỗ như chùm ngây, cây lồng mức… chúng vừa chắn gió, vừa là nơi cư trú của các loài thiên địch hữu dụng như chim, rắn, bọ ngựa, tắc kè, cóc nhái, kiến vàng…

Mỗi thửa đất bao giờ cũng phải có ít nhất 20 loại cỏ cây khác nhau để phân tán sự chú ý của côn trùng gây hại vào cây chủ lực cần phát triển (cam, bưởi, chanh, hồ tiêu…), các loại rau và cây được liệu.  

Tiền ư? Hãy đến Agribank gõ cửa

Mục tiêu của Bio Pháp là trở thành công ty dẫn đầu trong việc xây dựng chuỗi giá trị với cây hồ tiêu trồng xen lẫn các cây ăn trái, dược liệu và gia vị khác.

Marc Binet và Alexis Tavernier, các chuyên viên kỹ thuật của BioPháp đã thử nghiệm những loại cây rất đặc biệt từ châu Âu. Điển hình như cây Rosemary (hương thảo) vừa làm cây gia vị, dược liệu, vừa có tác dụng xua đuổi côn trùng; cây mâm xôi vàng (có giá bán khoảng 1 – 2 triệu đồng/kg trên thị trường); cây Kiwi; cây Việt Quất… có giá trị kinh tế rất cao để nghiên cứu phát triển.

Đến nay, trang trại đã có hơn 20 loài hoa, hàng chục loại dược liệu, cây ăn quả và gia vị. Sau 3 năm đầu tư cây lâu năm, trang trại BioPháp bắt đầu cho những trái ngọt đầu tiên.

Hơn 1 tấn bột nghệ hữu cơ; hàng trăm kilogram dược liệu đã được các chuỗi cửa hàng thực phẩm hữu cơ trong và ngoài nước đặt hàng với giá bán cao hơn các sản phẩm canh tác vô cơ.

Tyna Giang tập huấn cho các kỹ sư nông nghiệp trẻ và nông dân người Ba Na thực hành sản xuất nông nghiệp hữu cơ

Tyna Giang tập huấn cho các kỹ sư nông nghiệp trẻ và nông dân người Ba Na thực hành sản xuất nông nghiệp hữu cơ

Hiện Bio Pháp đang đầu tư vào chế biến và hệ thống thông tin công nghệ cao. Từng cây trồng trong trang trại đều được mã hoá và hiển thị trong những con tem QR code.

Khách hàng trên toàn thế giới chỉ cần dùng smartphone, tablet… quét và có thể truy xuất toàn bộ thông tin từ vật tư đầu vào và qua các giai đoạn trong chuỗi giá trị .

Giang chia sẻ, Bio Pháp tập trung vào 3 giá trị cốt lõi: hữu cơ, đạo đức xã hội và sáng tạo đột phá. Chính vì vậy, ngoài việc phát triển sáng tạo ứng dụng các công nghệ để quản lý trang trại cùng người nông dân, Bio Pháp thu mua hàng với giá cao và trích 10% lợi nhuận để phát triển thêm các “làng hữu cơ” ở Việt Nam.

Việc này thể hiện qua cam kết và kiểm tra bởi tổ chức chứng nhận Công bằng cho cuộc sống (Fair For Life). Từ dự án đầu tiên, năm 2018 Bio Pháp phát triển mở rộng vùng sản xuất 100ha với người nông dân trồng tiêu Chư Sê tại Gia Lai và các vùng lân cận trang trại mô hình.

Tôi hỏi Giang tiền đâu để làm một dự án lớn đến vậy, Giang cười và nói rằng: “Tiền ư? Hãy đến Agribank gõ cửa”. Cô cho biết, muốn hoàn thành một dự án 14ha này cho 4 năm xây dựng cơ bản thì phải mất khoảng 17 tỷ đồng đầu tư. Chúng tôi không thể có số tiền nhiều như vậy, nhưng may mắn là BioPháp đã được ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) đồng ý hỗ trợ 70% tổng vốn đầu tư. Đây là ngân hàng uy tín, luôn sẵn sàng làm “bà đỡ” cho các startup khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp.

Và để rút được tiền của nhà băng, Tyna Giang cho rằng doanh nghiệp cần phải thuyết phục ngân hàng thấy được chiến lược rõ ràng, quản lý minh bạch và tuân thủ pháp luật.

Mô hình canh tác hữu cơ nông - lâm kết hợp của Tyna Giang là dự án đầu tiên tại Việt Nam đạt được hạng cao nhất trong cuộc thi “100 dự án chống lại biến đổi khí hậu” do Bộ Môi trường, Năng lượng và Biển của Pháp tổ chức năm 2016. Giữa tháng 2/2018, Bio Pháp là một trong bảy doanh nghiệp trong Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam (VOAA) tham dự hội chợ - triển lãm ngành hàng thực phẩm hữu cơ hàng đầu thế giới Biofach được tổ chức tại Đức.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top