Aa

Nguy cơ “mất trắng” vì sổ đỏ giả

Thứ Hai, 23/09/2019 - 11:18

Với thủ đoạn lừa đảo tinh vi, có tổ chức, các nhóm lừa đảo đã dễ dàng qua mặt văn phòng công chứng để chiếm đoạt hàng tỷ đồng từ người mua nhà.

Thời gian gần đây, hiện tượng làm sổ đỏ giả xảy ra thường xuyên tại nhiều tỉnh thành khiến nhiều người dân bỗng nhiên rơi vào tình cảnh mất trắng hàng tỷ đồng, còn chủ hộ thì bỗng nhiên mất đất.

Hiện tượng làm giả sổ đỏ xảy ra thường xuyên tại nhiều tỉnh thành trên cả nước

Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng mới đây cũng đã cảnh báo đến người dân về tình trạng làm giả giấy tờ đất đai để giao dịch. Cụ thể, theo thông báo của Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng qua hoạt động đăng ký đất đai, công chứng giấy tờ đất đai, đơn vị này đã phát hiện nhiều trường hợp sử dụng sổ đỏ giả để giao dịch.

Khi bị nghi ngờ sử dụng giấy tờ giả, các đối tượng nghi vấn đều bỏ chạy. Các giao dịch sử dụng sổ đỏ giả liên tục được phát hiện tại các quận Sơn Trà, Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng).

Theo GS Đặng Hùng Võ – Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, thực tế tình trạng in sổ đỏ giả đã xảy ra từ rất lâu và khó kiểm soát bởi lẽ công nghệ in ấn hiện nay phát triển. Các văn phòng công chứng rất khó để có thể quản lý và phân biệt được hết đâu là sổ đỏ thật, đâu là sổ đỏ giả. Không ít trường hợp phôi sổ đỏ thật bị lọt ra ngoài, các loại sổ đỏ giả nhưng in trên phôi thật thì rất khó để nhận biết được.

Tuy nhiên, hiện tại khi người dân giao dịch nhà đất đều có xu hướng đến văn phòng công chứng để làm hợp đồng giao dịch luôn thay vì đi xác thực thông tin sổ đỏ.

Vì thế, để giảm thiểu rủi ro và kịp thời ngăn chặn sổ đỏ giả, ông Võ khuyến cáo, khi chuẩn bị thực hiện mua bán đất và các tài sản gắn liền với đất, người mua nên chủ động đem bản copy của sổ đỏ đó lên văn phòng đất đai để xác thực tính pháp lý của cuốn sổ, trước khi lên văn phòng công chứng để làm hợp đồng mua bán.

Ngoài ra, mỗi sổ đỏ đã có mã số riêng, cho nên phôi sổ đỏ cần được công khai trên một trang thông tin điện tử thống nhất toàn quốc để người dân có thể lên trang web và so sánh, đối chiếu thông tin thật giả, hay sổ đỏ đó có đang bị báo mất hay không, đề phòng rủi ro trước khi giao dịch.

"Cùng với đó, những sổ đỏ đang được thế chấp ngân hàng thì cũng phải được công khai để thực hiện quyền minh bạch và không bị rủi ro" - ông Võ kiến nghị.

Bình luận ở góc độ pháp lý của sổ đỏ giả, theo Luật sư Trương Anh Tú - Trưởng Văn phòng luật sư Trương Anh Tú, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, giả mạo chữ ký, con dấu của cơ quan tổ chức là hành vi nghiêm trọng, cần được xử lý triệt để và cảnh báo đến toàn thể người dân tránh nạn lừa đảo này.

Vị luật sư cho biết, mức phạt của là hành vi phạm tội giả mạo chữ ký, con dấu của cơ quan tổ chức được quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017: Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.

Ngoài ra theo vị luật sư, trong các trường hợp trên, giấy tờ giả được sử dụng để lừa đảo lấy tiền từ người khác là hành vi phạm tội lừa đảo và chiếm đoạt tài sản.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top