Năm 1999, khi tiểu thuyết “Cơ hội của Chúa” xuất hiện sau một số truyện ngắn in báo, tác giả lạ lẫm Nguyễn Việt Hà được chú ý bởi sự lan tỏa của tác phẩm này. Ai đọc “Cơ hội của Chúa” cũng có cảm nhận về một nhà văn mới tài năng đã xuất hiện.
“Cơ hội của Chúa” mới mẻ, nhiều khác biệt với tiểu thuyết truyền thống, làm cho Nguyễn Việt Hà được nể trọng. Sau đó, anh tiếp tục có những sáng tác mới. Đó là các tiểu thuyết “Khải huyền muộn”, “Ba ngôi của người”. Rồi những tập truyện ngắn và tạp văn đầy sắc màu phố thị về người Hà Nội 36 phố phường. Một đô thị cũ dần mở ra một Hà Nội hiện đại với những xô bồ của đô thị hóa.
Tôi đặc biệt yêu thích những phát hiện lý thú về đời sống Hà Nội, cả xưa và nay, kiểu như “Con giai phố cổ” hay “Đàn bà uống rượu” trong tạp văn Nguyễn Việt Hà. Vốn đời của Nguyễn Việt Hà dày dặn lại là “giai phố cổ”. Anh là nhà văn gần như duy nhất viết đề tài về phố và rất khác người. Viết về Hà Nội, các tác giả hay nghiêng về hai khuynh hướng, hoặc là trải nghiệm hoặc là trích dẫn cứ liệu, giới thiệu. Lối viết đầu phụ thuộc vào kinh nghiệm sống. Lối viết thứ hai, hợp với nghiên cứu, tìm hiểu, phục vụ du lịch chứ không phải là thưởng lãm văn chương. Nguyễn Việt Hà viết thiên về trải nghiệm nhưng có bổ sung những trích dẫn cần thiết, làm tăng sức nặng bài viết. Những trích dẫn của Nguyễn Việt Hà chính xác, với dung lượng vừa đủ, không phá vỡ những trải nghiệm, là điều người đọc cần ở nhà văn trong sự khai phá này.
Bút danh Nguyễn Việt Hà là họ tên người bạn đời của anh. Một gã giai phố cổ, một ngày ngẫu hứng viết văn, lấy tên vợ làm bút danh. Tôi thuộc loại cực đoan trong việc ký tên tác giả. Từ một mẩu báo, dòng tin, tôi bao giờ cũng lấy tên thật. Thoạt đầu, nghe chuyện lấy bút danh bằng tên vợ, tôi đã cười cười. Lại thêm một nhà văn lụy bóng hồng chuyên nghiệp nữa đây. Bây giờ, trong các cuộc gặp gỡ, tôi toàn gọi theo bút danh và quên khuấy tên thật của anh. Chẳng cứ tôi, trong các giao tiếp, tôi thấy những người khác đều gọi như thế. Một cái tên mượn đã làm mất hẳn đi tên thật, đã là thành công của tác phẩm Nguyễn Việt Hà.
Tôi gặp Nguyễn Việt Hà sau khi “Cơ hội của Chúa” ra đời, một nhà văn đàn anh giới thiệu anh với bọn tôi. Nguyễn Việt Hà tự tin, chân thành và cởi mở. Chỉ vậy là anh đã vào nhập nhóm chơi của chúng tôi.
Trong cuộc gặp, Nguyễn Việt Hà luôn là say mê nói, không chệch khỏi văn chương, chữ nghĩa. Mấy chục năm trôi đi từ “Cơ hội của Chúa”, Nguyễn Việt Hà vẫn nguyên thế. Say mê văn chương dường đã ăn vào máu “giai phố cổ” và cứ tuôn trào cả trong trang viết cũng như đời sống thường nhật.
Nguyễn Việt Hà học về kinh tế. Anh là công chức của một ngân hàng nhà nước. Khi đã có vài cuốn sách làm lưng vốn, có lẽ thấy sự bó buộc hành chính cản trở đam mê văn chương, nên Hà bỏ việc. Thời điểm ấy, làm ở ngân hàng là đáng mơ ước, thu nhập cao và được trọn vọng, nhưng Hà kiên quyết bỏ. Tôi nhìn Nguyễn Việt Hà vì nể. Tôi, tính khí cũng bất cần, thấy luôn bị áp lực cơ quan, nhưng bao bận tính bỏ việc để viết tự do nhưng đâu có thành. Phải đợi đến khi lĩnh sổ hưu mới thở phào khoan khoái...
Kể từ khi rời biên chế đến nay, Nguyễn Việt Hà vẫn cân bằng cuộc sống của mình. Viết văn, sống bằng thu nhập từ những gì viết ra, ít nhà văn làm được... Nguyễn Việt Hà là một nhà văn sống đàng hoàng bằng nhuận bút, dù nhuận bút ngày một kém đi khi báo giấy hết thời, báo mạng lên ngôi.
Nguyễn Việt Hà có bút lực sung mãn. Không còn cơ quan trì kéo, Hà như cánh chim sổ lồng lao vào viết. Thời điểm này, những truyện ngắn, tạp văn của anh in tới tấp trên các báo. Toàn những bài viết hàm lượng văn chương cao. Đề tài phố thị tiếng là rộng nhưng rất kén người viết. Không thể viết mãi nếu không có vốn liếng, hiểu biết sâu sắc và theo cách nói của tôi, là phải có trí tuệ phố. Trí tuệ phố, chứ sao. Hiểu biết kèm theo trải nghiệm sống và năng lực thể hiện là trí tuệ của một người viết chuyên nghiệp. Nguyễn Việt Hà hiểu biết rộng nhiều lĩnh vực và rất chịu khó đọc. Ngày ngày, anh vào thư viện. Từ nhà ở phố Nhà Chung, Hà đi bộ ra Thư viện quốc gia. Đọc nhiều, nên Hà dẫn rất chính xác những tư liệu cần thiết phục vụ cho cả văn học lẫn báo chí. Nói thêm một chút, Hà chỉ đọc sách và báo giấy. Anh gần như là nhà văn hiếm hoi không chơi facebook, blog, không luôn cả mạng xã hội. Việc thư từ, bản thảo email đến tòa soạn, nhà xuất bản, đều qua cô con gái đầu của anh.
Phố Nhà Chung gắn liền với Nhà thờ Lớn. Không ít Noel, Nguyễn Việt Hà mời bè bạn văn chương đến nhà dự tiệc đón lễ. Anh theo Công giáo. Có mặt ở những cuộc đó, tôi hiểu Nguyễn Việt Hà rất ngoan đạo. Vì thế, trong sáng tác của anh, cảm hứng tôn giáo luôn tràn ngập. Tôn giáo làm cân bằng giữa đạo và đời trong thế giới nhân vật của anh. Nguyễn Việt Hà xây dựng cốt truyện và nhân vật của mình đậm màu sắc và tinh thần Kito giáo. Đây là một điểm mạnh, đặc biệt trong tiểu thuyết, nâng vị thế của anh trong những nhà văn đương đại. Có không ít nhà nghiên cứu đã làm chuyên luận về đặc điểm tôn giáo trong sáng tác của Nguyễn Việt Hà.
Chàng trai phố cổ Nguyễn Việt Hà thấm thoắt từ “Cơ hội của Chúa” với ngót nghét hai chục năm sáng tác đã cho ra đời hàng chục tiểu thuyết, tập truyện ngắn, tạp văn. Nguyễn Việt Hà trở thành một nhà văn chuyên nghiệp, không lệ thuộc vào hội hè hay tổ chức nghề nghiệp nào. “Giai phố cổ viết văn” là danh hiệu vui nhưng đúng và xứng đáng với một nhà văn độc lập, chuyên viết về phố thị. Các tác phẩm của Nguyễn Việt Hà được độc giả trong nước đón nhận và xuất hiện trong nhiều tuyển tập ở nước ngoài. “Cơ hội của Chúa” được dịch và in tại Pháp. Các tuyển tập văn xuôi Việt hiện không thiếu vắng Nguyễn Việt Hà.
Nguyễn Việt Hà đã sắp bước vào tuổi tròn hoa giáp. Ngày ngày, anh vẫn cần mẫn, miệt mài, không ngừng nghỉ trên bàn viết. Sự viên mãn đã xuất hiện ở “giai phố cổ”, nhưng tôi tin con đường văn chương của Nguyễn Việt Hà vẫn còn đang rộng mở. Anh vẫn còn đắm say, cả trong trang viết cũng như ngoài cuộc đời.