Ngày 2/8, anh Hoàng Quốc Phương, Chủ tịch Hội thiên văn nghiệp dư Hà Nội cho hay, vào đêm mùng 7 rạng sáng 8/8, người yêu thiên văn Việt Nam sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng nguyệt thực một phần (hay còn gọi là “trăng máu), hiện tượng thiên văn kỳ thú được mong đợi nhất 2017.
Tính theo giờ Việt Nam, hiện tượng nguyệt thực một phần sẽ diễn ra theo lịch trình cụ thể như sau:
- Khoảng 22h50 ngày 7-8, nguyệt thực nửa tối bắt đầu.
- 00h22 ngày 8-8, nguyệt thực một phần bắt đầu.
- Đến 1h20 ngày 8-8, nguyệt thực đạt cực đại.
- Khoảng 2h18 ngày 8-8, nguyệt thực một phần kết thúc và 3h50 ngày 8-8, nguyệt thực nửa tối kết thúc.
Theo khoảng thời gian nói trên, hiện tượng này sẽ rơi vào nửa đêm. Ở pha nguyệt thực nửa tối, Mặt trăng mới đi vào vùng bóng nửa tối của Trái đất nên rất sáng, chỉ tối đi một chút và có thể có màu đỏ nhạt.
Vào pha một phần, Mặt trăng bắt đầu đi vào vùng bóng tối hoàn toàn của Trái đất và phần đi vào vùng đó chuyển sang đỏ thẫm và rất tối so với phần còn lại. Vì vậy hiện tượng này còn được gọi là “trăng máu”.
Theo anh Phương, người dân có thể dễ dàng quan sát bằng mắt thường hoặc sử dụng thêm những chiếc kính thiên văn phổ thông. Ở các thành phố lớn, người xem nhìn theo hướng đông, cần lựa chọn khu vực rộng rãi và không bị nhà cao tầng cản trở, nơi có không khí trong lành và tránh ánh sáng đèn.
Tại Hà Nội, người dân có thể tổ chức thành nhóm quan sát tại hai địa điểm là cổng sân vận động Quốc gia Mỹ Đình, quận Cầu Giấy; Trung tâm thương mại Savico Megamall, quận Long Biên.
Anh Phương cho hay, nguyệt thực là hiện tượng xảy ra khi Mặt Trăng bị Trái Đất che khuất, không được Mặt Trời chiếu sáng. Bóng tối của Trái Đất sẽ che khuất Mặt Trăng và xảy ra hiện tượng nguyệt thực. Khi Mặt Trăng đi vào sâu hơn bóng của Trái Đất, Mặt Trăng sẽ dần dần thay đổi màu sắc, chuyển từ bạc sang màu cam hoặc đỏ.
Hiện tượng nguyệt thực một phần thường xảy ra 1 lần trong năm. Trước đó, vào tối 3/4/2015, ở Hà Nội, nhiều người dân đã nhìn thấy mặt trăng to màu đỏ cam, gần giống với hiện tượng nguyệt thực toàn phần.