Tháng 12 năm 2016, nhà thơ Lăng Hồng Quang - Chủ nhiệm Tao đàn Mùa xuân Nghệ An, một người bạn vong niên của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo ra Hà Nội. Lăng Hồng Quang có thói quen đến đáng yêu, bao giờ anh đến Linh Đàm cũng ới trước tôi. Dạo đó, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo vừa chuyển đến căn hộ mới 308, khu chung cư HH2A chưa lâu.
Nguyễn Trọng Tạo alo thêm một vài người bạn đến một quán nhậu ngay trước nhà anh. Anh gọi vài món, cũng “chân quê”, không có gì đặc biệt. Nhà thơ Lăng Hồng Quang lôi trong túi luôn kè kè bên người ra bi-đông rượu. Yên Thành, quê hương Lăng Hồng Quang là quê lúa, rượu được nấu bằng gạo lứt nếp cái hoa vàng và một loại men đặc biệt. Nghe đâu, trong loại men này có mồ hôi dính trên tóc mai của người con gái quê lúa.
Trăng cuối thu chan trên mặt hồ loang loáng.
Linh Đàm hay Linh Đường? Ngồi nhìn ra hồ nước mênh mông, khoác trăng thu tôi chợt nghĩ. Tôi lục tìm tài liệu thì nghe đâu, các nhà nghiên cứu lịch sử và chuyên gia phong thủy gọi vùng đất này là Linh Đường, có nghĩa là "Hồ nước có cỏ linh chi" - một loại cỏ quý làm thuốc. Tên Linh Đàm có nghĩa là "Đầm cỏ thơm". Khu bán đảo xưa là làng Linh Đường (còn gọi là làng Linh Đàm) hợp với làng Đại Từ thành xã Linh Đàm, huyện Thanh Trì; về sau là một thôn của xã Hoàng Liệt, huyện Thanh Trì; nay thuộc phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai.
Làng Linh Đường được bao quanh bởi một vùng hồ nước rộng lớn là đầm Linh Đàm, như sử gia Phan Huy Chú ví đầm như một tấm gương hình mày ngài, hồ không chỉ hình dáng đẹp mà còn có sắc nước trong xanh. Triều Nguyễn gọi vùng đầm nước rộng lớn này là “Nguyệt Kính Hồ” có nghĩa là “Hồ vầng trăng khuyết”. Thời gian xa hơn nữa triều Trần gọi là Long Đàm nghĩa là “Đầm rồng”; dân gian còn gọi là Liên Đàm, nghĩa là đầm sen bởi trong đầm có rất nhiều hoa sen.
Sâu bên trong bán đảo Linh Đàm, tọa lạc ngôi chùa Liên Đàm (hay còn gọi là chùa Linh Đàm, chùa Linh Đường). Chùa xây năm 1926 do cụ Trần Ngọc Điểm (hay cụ Hàn Điểm) đóng góp hầu như toàn bộ tài sản để xây ngôi chùa. Trước cổng chùa là hồ bán nguyệt, những cây si lâu năm tua tủa rễ soi bóng hồ, xung quanh là công viên cây xanh sum suê đã tạo cho ngôi chùa không gian riêng rất tĩnh mịch, nhẹ nhàng, gần như không có tiếng động, thi thoảng phát ra quanh đây tiếng chim, tiếng dế kêu, dễ tạo cho du khách đến thăm chùa cảm giác nhẹ nhõm, thanh thoát.
Xem ra Linh Đàm là vùng địa linh nhân kiệt, nơi có nhiều dòng họ danh giá. Nổi bật là dòng họ Nguyễn, có cụ Nguyễn Đình Tư, đỗ Giải Nguyên (Thủ khoa kỳ thi Hương) thời chúa Trịnh Giang, làm giảng dạy thời vua Lê Ý Tông và chúa Trịnh Doanh trong cung, trong phủ. Cụ Nguyễn Đình Tư có ba người con trai đều được phong Quận công, ba người con gái đều làm Vương phi trong phủ chúa Trịnh. Đặc biệt trong đó có con gái tên Nguyễn Thị Hoa Dung sau này là vợ chúa Trịnh Doanh.
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo về đây là thêm “đinh”, dẫu từ xa xưa anh có gốc họ Ngô, tận Hà Tĩnh.
Trong khu công viên bán đảo Linh Đàm còn tồn tại một Ngôi mộ cổ bằng đá (hay còn gọi là Lăng mộ đá) có quy mô rất đồ sộ và kiến trúc kỳ lạ, mà trước đó người dân làng Linh Đàm không biết cội nguồn của ngôi mộ này, không rõ ngôi mộ đặt ở đây bao giờ và thi thể trong thành quách là bậc cao nhân tiền bối nào. Mãi cho đến năm 1989, xảy ra vụ đào mộ trộm bằng bộc phá, thì các nhà khảo cổ, sử gia bắt tay vào nghiên cứu lai lịch Ngôi mộ cổ.
Theo dòng lịch sử, dưới thời Tây Sơn, vùng đất Linh Đàm và cả ngôi mộ cổ này có liên quan đến một sự kiện lịch sử quan trọng, đó là cái chết đoản mệnh của Hoàng đế áo vải Nguyễn Huệ - Quang Trung. Sau khi vua cha Quang Trung mất, vua con Quang Toản cử Ngô Thì Nhậm dẫn đoàn ngoại giao sang nhà Thanh báo tang, trên tờ biểu có ghi: "Vâng lời dặn lại của vua cha, sau khi chết không đưa di hài về quê hương mà chôn cất ở Bắc Thành, phía ngoài kinh thành để tỏ lòng mến nhớ cửa khuyết". Theo tiến trình lịch sử, việc Ngôi mộ cổ kia có phải là nơi yên nghỉ của Hoàng đế Quang Trung hay không vẫn còn nằm trong bí mật.
Xem ra nhà thơ, nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo được mách bảo dọn từ tập thể Phương Mai về đây hay và đẹp như hẹn trước. Tôi thấy anh mê khi dọn về. “Theo em, từ đây ra xe về Nghệ mình, Nghệ mình ra thăm anh rất tiện”, một lần tôi nói với anh, bởi ngay nách Linh Đàm là bến xe Nước Ngầm, Pháp Vân nơi khởi đầu của con đường vào Nghệ. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo cười, anh bảo: “Đúng là tiện, anh thấy vui”.
Cách đây gần 12 năm, vào ngày 15/6/1997, Công ty Phát triển Nhà và Đô thị (HUD) tiền thân của Tổng công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị - Bộ Xây dựng chính thức khởi công xây dựng Khu đô thị mới Linh Đàm, khởi động mô hình đô thị mới đầu tiên trong cả nước. Khu đô thị mới Linh Đàm có quy mô 200ha, cách trung tâm Thành phố khoảng 7km. So với 12 năm trước, bây giờ Linh Đàm đã khác rất xa với ý tưởng. Không chỉ HUD mà nhiều chủ đầu tư, nổi bật nhất là “đại gia điếu cày” Lê Thanh Thản – một người bạn của Nguyễn Trọng Tạo nhảy vào đầu tư.
“Mình vui, vì như được sống trong lòng bè bạn, dẫu bây giờ Linh Đàm đã tắc đường”, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo luôn trào lộng. Căn hộ anh ở ngay tầng 3 chung cư HH2A của đại gia Lê Thanh Thản. Khi viết về ngôi nhà anh, tôi nhớ, hôm đưa tang nhà thơ, nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo, mỹ nhân Trịnh Xuân Hương nghẹn ngào: “Anh xem, anh Tạo mất rồi ai và địa chỉ nào sẽ là nơi gặp gỡ bạn bè?”. Tôi lặng người đi trước câu hỏi, trong đầu nghĩ “Rất khó”.
Trong các gia tài nhà thơ, nhạc sỹ tài hoa Nguyễn Trọng Tạo để lại có “gia tài bạn bè”, những tri âm, thân thiết thường gọi cuộc đời của Nguyễn Trọng Tạo là "đời đế vương" bởi chẳng mấy ai tự do tự tại, làm được đủ việc mình thích như ông. Ngoài ngôi nhà ở chung cư HH2A, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo còn có ngôi nhà ở bãi giữa sông Hồng, gần cầu Vĩnh Tuy (Hà Nội). Đó là nơi ông cà kê, bàn chuyện văn chương cùng bạn bè. Nhà được đặt tên là "Đế vương", có đặt tấm bia khắc hai chữ này. Bạn văn bảo Nguyễn Trọng Tạo chơi ngông, anh giải thích: "Nhà sàn tôi ở ngoài bãi, phải qua đê, đúng là "vướng đê", đọc ngược lại là "đế vương" còn gì”. Biệt danh "đế vương" của anh có từ đó.
Người ta thừa biết Nguyễn Trọng Tạo vốn “nhiều nhà”, “nhiều nghề”. Làm gì cũng tài hoa, mê mải, thật thà. Và cũng không ai có “máu giang hồ” như anh, di chuyển thường trực. Ham bạn, ham bè, ham uống, ham “chém gió” vô bổ và “chém bổ dưỡng” đều ngang ngửa, thần tài.
Anh uống được nhiều, uống dai, có thể ngồi suốt ngày này qua đêm sau là chuyện thường tình, nhiều khi tôi thấy “choáng”. Nhưng sau các cuộc nhậu của anh có lẽ là cái đức của thói quen chỉn chu làm việc. Làm việc một cách quyết liệt. Thói quen làm việc chỉn chu, kỹ lưỡng, không khoan nhượng với mình, không đơn giản dễ dãi hình như đã thành một lề thói ăn sâu vào máu, ngay cả lúc đau yếu. Anh làm thơ tài tử, viết nhạc viết văn cũng tài tử và yêu cũng càng… tài tử. Tài tử, tài hoa và chân thành – có lẽ là chân dung nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo.
Vì thế mà anh có sức hút, alo là bạn bè đến ngay, dẫu xa. Tôi nhớ có lần nhà văn Phạm Ngọc Tiến nhận lời đến nhậu nhưng cứ tưởng nhà sàn. Qua cầu Vĩnh Tuy nhà văn mới gọi lại thì nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo phán “Quay lại, Linh Đàm”. Trưa nắng hè, nhà văn Phạm Ngọc Tiến vẫn đạp xe lóc cóc trở lại.
Căn nhà 308, chung cư HH2A gần như trở thành địa chỉ quen thuộc để Nguyễn Trọng Tạo giao đãi bạn bè. Không có bạn bè, anh buồn. Ở một mình, nhưng tủ lạnh nhà anh bao giờ cũng chật căng sản vật tiếp bạn. Trong bài thơ “Ăn cơm với nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo”, tôi viết:
tủ lạnh nhà anh dấu cả trời xanh
cá biển Diễn Châu còn tươi mắt lưới
lươn Nghệ óng vàng gà quê đúng tuổi
cả cả thịt bò nhập ngoại bạn bè mua...
Và:
anh hỏi mến yêu: thế đã no chưa
canh măng thịt cá thu kho đất Diễn
rau lang luộc xanh một màu lưu luyến
chỉ mới nhìn nhau đã thấy no rồi
Cứ thế, Nguyễn Trọng Tạo trở thành tâm điểm của mỗi cuộc gặp gỡ, cà kê của giới văn sĩ. Bạn bè nhận xét ông hóm hỉnh, ăn nói có duyên, không cầu kỳ, kiểu cách. "Bạn chí cốt của Nguyễn Trọng Tạo ở khắp tứ hải. Ai cũng mến tính cách giản dị, thuần phác của ông. Đi đến đâu, ông cũng tựa như một thỏi nam châm, hút lấy mọi người” như một lần nhà thơ nữ Bình Nguyên Trang nhận xét. Tôi bảo Bình Nguyên Trang “nhất là hút nữ?”, Trang cười. Đúng thật, rất nhiều người, đặc biệt nhiều em xinh đẹp yêu thầm nhớ trộm nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo. Nhiều khi họ đến căn nhà 308 HH2A chỉ để ngắm anh, nhìn cái cách anh nâng chén rượu trên bàn tay thon búp, nghe anh nói chuyện cả trong và ngoài văn chương.
Hôm gia đình nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo tổ chức cúng “49 ngày”, nhà thơ Lăng Hồng Quang và “bạn Nghệ” ra. Tôi cùng Lăng Hồng Quang đến một số địa chỉ từ quán cà phê, quán nhậu...nơi anh em đã từng ngồi với nhau. Linh Đàm đã vắng đi một công dân đặc biệt, nhà thơ, nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo. Nắng xuân rắc đều trên mặt hồ Linh Đàm nhưng hình như khuyết vệt. Một cây lớn đã nằm xuống. “Mình tin Nguyễn Trọng Tạo vẫn còn đâu đây, giữa chúng ta, không chỉ ở Linh Đàm này”, Lăng Hồng Quang với cái đài trán không khác gì Nguyễn Trọng Tạo chan lời, ngân ngấn.
Với Nguyễn Trọng Tạo, “cuộc sống không bao giờ chán nản”. Linh Đàm, dẫu thời gian sống ở đấy không dài, nhưng Nguyễn Trọng Tạo đã góp phần làm cho “Đầm cỏ thơm” vương vấn thi nhân.
Với mong muốn cổ vũ những giá trị sống nhân văn, tốt đẹp; tuyên truyền về văn hóa sống mới: sống xanh – sống đẹp; nhân rộng những điển hình phát triển bất động sản biết chăm lo, hướng tới các giá trị sống đích thực cho cư dân, lấy cư dân làm trung tâm; phát hiện tôn vinh những cộng đồng cư dân, những không gian sống kiểu mẫu, những tấm gương tập thể/cá nhân có nhiều đóng góp hình thành nên các khu đô thị đáng sống đồng thời mong muốn tạo lập một diễn đàn cho mọi tầng lớp cư dân chia sẻ suy nghĩ, cảm nhận, mong đợi về “Nơi tôi sống” của chính mỗi người… Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (www.reatimes.vn) và Tạp chí điện tử Gia Đình Mới (www.giadinhmoi.vn) quyết định tổ chức Cuộc thi mang tên: Nơi Tôi Sống. Gửi bài dự thi kèm thông tin: Tên, tuổi, địa chỉ, số điện thoại, email, Facebook cá nhân. Email: noitoisong2018@gmail.com Điện thoại: 0986 321 888; 024 6666 0899 Để biết thêm chi tiết và thể lệ cuộc thi, mời bạn xem tại đây. |