Hiệu ứng ngân hàng số
Nếu nhìn lại 6 năm trước, TPBank - được biết đến trước đó là ngân hàng Tienphong Bank - đang đứng trước nguy cơ bị tái cơ cấu thì hiện nay, chỉ sau một khoảng thời gian ngắn, ngân hàng này đã có cuộc “lột xác” bất ngờ, trở thành một trong những ngân hàng phát triển với tốc độ đáng kinh ngạc và những chỉ số tài chính đầy hứa hẹn. Để làm được điều đó, một trong những chiến lược mà ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT của TPBank đưa ra là tập trung phát triển ngân hàng số.
Trở thành ngân hàng tiên phong đi theo con đường số hóa với sản phẩm LiveBank thành công, TPBank liên tiếp có những cú nhảy ngoạn mục ghi dấu trong giới ngân hàng. LiveBank, "con đẻ" của TPBank được ví như một chi nhánh ngân hàng truyền thống không có nhân viên, cho phép khách hàng có thể rút, nộp, gửi, mở tài khoản tại máy tự động.
Đến năm 2017, TPBank cũng ra mắt ứng dụng TPBank QuickPay - ứng dụng chuyển tiền bằng điện thoại thông qua mã QR, mang lại nhiều tiện ích cho mọi lứa tuổi khách hàng.
Sau TPBank, hiệu ứng phát triển ngân hàng số bắt đầu lan rộng sang các ngân hàng như VPBank, HDBank, VIB, OCB,…
Có thể kể đến Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB), khi năm 2017 đánh dấu bước phát triển của VIB với giải thưởng “Ngân hàng số của năm 2017” do Tạp chí The Assets tổ chức. Ứng dụng ngân hàng di động MyVIB được đánh giá cao khi sở hữu nhiều tính năng khác biệt như chuyển tiền trong khi trò chuyện trên mạng xã hội, mua vé máy bay nội địa và quốc tế nhanh chóng.
Vào đầu tháng 4 vừa qua, VPBank cũng đã công bố ứng dụng VPBank Dream. Đây là ứng dụng ngân hàng số đa nền tảng giúp khách hàng có những giải pháp quản lý tài chính cá nhân, tiết kiệm thông minh. Theo đó, khách hàng có thể sử dụng ứng dụng tại bất kỳ đâu chỉ cần có kết nối internet.
Theo lãnh đạo Trung tâm Số hóa ngân hàng VPBank, VPBank Dream là nền tảng ngân hàng số đầu tiên do chính VPBank phát triển, nằm trong chiến lược số hóa các sản phẩm ngân hàng của VPBank, nhằm mang tới cho khách hàng những trải nghiệm mang tính công nghệ hiện đại và tiện lợi trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.
Dốc lực đầu tư cho cuộc đua công nghệ
Nhận thức rõ ý nghĩa chiến lược của mũi nhọn đầu tư ngân hàng số, năm 2018, bên cạnh những thông tin báo cáo với các số liệu truyền thống thì rất nhiều ngân hàng đã công bố ngân hàng số là mục tiêu cần “dồn lực”.
Là một trong những ngân hàng đi đầu trong lĩnh vực ngân hàng số, TPBank tiếp tục đặt mục tiêu duy trì vị trí dẫn đầu về ngân hàng số. Đây cũng là mục tiêu mũi nhọn của ngân hàng này trong 5 năm kế tiếp 2018 - 2023.
Cũng trong đại hội cổ đông của VPBank mới đây, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc VPBank khẳng định, một trong các trọng tâm đầu tư của ngân hàng là dịch vụ ngân hàng số. Theo mục tiêu đặt ra, VPBank sẽ trở thành ngân hàng đầu tiên huy động được 10.000 tỷ đồng từ ngân hàng số. Phía VPBank đặt mục tiêu hướng đến 600.000 người sử dụng, gấp 15 lần con số 40.000 cách đây 3 năm.
Sớm muộn công nghệ ngân hàng số sẽ chiếm lĩnh ở Việt Nam. Điều đó có thể xảy ra chỉ trong vài năm.
Trong báo cáo thường niên 2017, Techcombank cũng tuyên bố không chỉ lựa chọn con đường “chấp nhận” cuộc chơi công nghệ mà luôn phấn đấu trở thành người dẫn đầu xu hướng, xác lập các tiêu chuẩn về ngân hàng số tại Việt Nam.
Trong kế hoạch năm 2018, Techcombank đặt mục tiêu dẫn đầu thị trường ngân hàng số Việt. “Techcombank sẽ trở thành một tổ chức có nền tảng kinh doanh dựa trên công nghệ, với hệ thống vận hành tập trung trên nền tảng công nghệ số” – Báo cáo thường niên 2017 của Techcombank nêu rõ.
Không chỉ các "ông lớn", nhiều ngân hàng nhỏ cũng không bỏ lỡ một chiến lược đầu tư thiết yếu trong thời đại công nghệ 4.0.
Ngân hàng Phương Đông (OCB) cũng mới công bố nền tảng hợp kênh (Omni Chanel) vào các hoạt động của ngân hàng. Lãnh đạo phía ngân hàng này cho biết đây là bước đầu tiên trong chiến lược chuyển đổi thành ngân hàng số.
Trong khi đó, Vietbank đã xúc tiến làm việc với Finastra - một trong những công ty hàng đầu thế giới về công nghệ - để xây dựng hệ thống Core Banking. Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Thanh Nhung, Tổng giám đốc Vietbank, cho hay, đây sẽ là khoản đầu tư lớn để làm thay đổi diện mạo vì hệ thống mới sẽ là công cụ hữu hiệu để nhanh chóng tạo ra các sản phẩm đáp ứng nhu cầu người dùng.
Đánh giá về tầm quan trọng của ngân hàng số, ông Trần Nhất Minh, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc tế (VIB) đã từng nói: “Sớm muộn công nghệ ngân hàng số sẽ chiếm lĩnh ở Việt Nam. Điều đó có thể xảy ra chỉ trong vài năm. Có thể ngày hôm nay còn đang chậm chạp, nhưng sau vài năm chúng ta đã thấy công nghệ số được ứng dụng khắp nơi”.