Giải Báo chí Quốc gia năm nay, nhóm tác giả Báo Quân đội nhân dân đoạt giải B thể loại xã luận, bình luận, chuyên luận (không có A) với loạt bài “Kiểm soát quyền lực, chống “chạy chức, chạy quyền”- vấn đề cấp bách hiện nay”. Thượng tá Nguyễn Văn Minh tiếp tục được xướng tên dù anh đang đi học và cắt quân số khỏi đơn vị đã gần một năm. Nhiều người hỏi tôi về sức viết của nhà báo Nguyễn Văn Minh, tôi nói rằng, anh ấy say nghề đến kỳ lạ.
Day dứt người cầm bút
Tôi có cơ duyên được về “đầu quân” cho Báo Quân đội nhân dân cùng thời điểm với nhà báo Nguyễn Văn Minh năm 2007. Khi ấy Đại úy Nguyễn Văn Minh được Bộ Quốc phòng điều chuyển công tác từ Học viện Chính trị - Quân sự về. Nhiều bạn đọc của Báo Quân đội nhân dân biết đến nhà báo Nguyễn Văn Minh là một cây bút chính luận sắc sảo, một người chiến sĩ cầm bút dám “vào sinh ra tử” cùng một loại đề tài rất khó - chống diễn biến hoà bình.
Nhưng với tôi, đằng sau những lập luận gai góc, những câu chữ bén ngọt chống lại các thế lực thù địch trên không gian mạng thì nhà báo Nguyễn Văn Minh lại là một con người đầy nhân văn, trách nhiệm với mỗi số phận con người, mỗi oan trái mà anh gặp trên hành trình làm báo.
Tháng 7/2013, tôi đi công tác cùng nhà báo Nguyễn Văn Minh lần đầu tiên vào Đông Hà, Quảng Trị để tìm hiểu về “kỳ án gỗ trắc”, vụ án từ năm 2011 mà đến ngày 31/5/2019 vừa qua, Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao mới khởi tố vụ án hình sự về tội “Ra quyết định trái pháp luật”. Một vụ án không chỉ làm thất thoát số tiền hàng trăm tỷ đồng mà còn khiến một doanh nghiệp phá sản, một gia đình lụi bại, người đi tù oan, người treo cổ tự vẫn...
Tôi và nhà báo Nguyễn Văn Minh đã đi gặp các cơ quan chức năng ở Quảng Trị, Đà Nẵng, gặp người thân trong gia đình có người vướng vòng lao lý. Thậm chí anh Minh còn đề nghị tôi cùng đến thắp nén hương cho chàng trai trẻ đã tự tử vì không chịu nổi áp lực điều tra...
Những ngày hè miền Trung nắng như như đổ lửa, nhà báo Nguyễn Văn Minh lặn lội khắp hang cùng ngõ hẻm để tim hiểu về tình tiết vụ án, anh viết hàng chục bài để “kêu oan” cho gia đình nạn nhân. Những tưởng câu chuyện sẽ sớm được làm sáng tỏ nhưng phải tới tận 6 năm sau mới có một quyết định của Viện KSNND Tối cao. Hơn 2.000 ngày sau đó không chỉ dài đằng đẵng với gia đình người vướng lao lý mà còn đầy trăn dở, day dứt với tôi và nhà báo Nguyễn Văn Minh.
Mùa hè năm 2014, tôi và nhà báo Nguyễn Văn Minh lại có duyên đồng hành ra công tác tại quần đảo Trường Sa. Trước chuyến đi đó, tôi và anh đi công tác tại huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Anh nói với tôi, bọn mình hãy xin lá Quốc kỳ từ Đồn Biên phòng A Pa Chải (nơi mặt trời lặn sau cùng) để mang ra đổi với lá Quốc kỳ ở đảo Tiên Nữ (nơi đón ánh nắng đầu tiên của Việt Nam).
Tôi thật sự bất ngờ về ý tưởng của anh, ngay sau đó các đồng chí cán bộ chiến sĩ biên phòng đã rất đồng tình ủng hộ. Từ bên Lai Châu, Thượng tá Nguyễn Tiến Ngọc, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Ka Lăng huyện Mường Tè cũng gửi tôi và anh Minh lá Quốc kỳ nhờ mang ra Trường Sa.
Trên lá Quốc kỳ có viết: “Các đồng chí thân mến! Chúng tôi và các đồng chí được Đảng, Nhà nước, Nhân dân giao phó thực hiện sứ mệnh bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Dù vất vả, khó khăn, hiểm nguy luôn rình rập nhưng với bản lĩnh, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, chúng ta luôn chắc tay súng, yêu đời, khắc phục khó khăn, sát cánh bên nhau bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Cuộc hành trình đổi Quốc kỳ của chúng tôi đã được VTV1 làm thành phóng sự đầy ý nghĩa.
Cũng trong chuyến đi Trường Sa năm ấy, chúng tôi gặp anh Phan Đức Phượng, người thợ lặn có 8 năm công tác tại Hải đoàn 129 làm nhiệm vụ ngoài Trường Sa nhưng vẫn chỉ là lao động hợp đồng. Anh Phượng có hoàn cảnh rất khó khăn, vợ và 3 con trai anh sống ở thị xã Bà Rịa, trong đó một người con út bị dị tật hội chứng down.
Chứng kiến hoàn cảnh đó, sau chuyến đi về, nhà báo Nguyễn Văn Minh đã liên tục viết nhiều bài báo nói về hoàn cảnh cùng như tâm nguyện của anh Phan Đức Phượng là trở thành công nhân viên chức quốc phòng. Không chỉ vậy, anh Minh còn chủ động liên lạc với thủ trưởng Quân chủng Hải quân, thủ trưởng Cục Quân lực (Bộ Quốc phòng) để trình bày, để xuất giúp đỡ anh Phan Đức Phượng.
Sau gần 1 năm trời không mệt mỏi lên tiếng, đầu năm 2015 anh Phượng đã được tuyển dụng chính thức vào biên chế hải quân. Chưa dừng lại ở đó, Tết năm ấy, nhà báo Nguyễn Văn Minh còn vào TP Hồ Chí Minh rồi trực tiếp cùng các đồng nghiệp xuống Bà Rịa thăm, tặng quà gia đình anh Phượng.
Một cây viết dũng cảm
12 năm gắn bó với Báo Quân đội nhân dân, nhà báo Nguyễn Văn Minh đã công tác qua nhiều phòng ban như Phòng Báo Quân đội nhân dân cuối tuần, Phòng Biên tập Kinh tế - Xã hội và Nội chính, Phòng Bạn đọc - Cộng tác viên, Phòng Báo Quân đội nhân dân điện tử. Ở vai trò nào, nhiệm vụ nào, tôi cũng thấy anh mẫn cán và say nghề đến kỳ lạ.
Nhiều dịp đi công tác cùng anh, tôi đã chứng kiến những lần nửa đêm gà gáy, giữa rừng hoang biên giới hay hải đảo tiền tiêu, ánh đèn máy tính của nhà báo Nguyễn Văn Minh đều sáng rất muộn. Từ một sĩ quan chính trị “rẽ ngang” trở thành nhà báo chuyên nghiệp nhưng nghề báo dường như đã “bén duyên” với Thượng tá Nguyễn Văn Minh, Báo Quân đội nhân dân.
Với 4 lần đoạt giải Báo chí Quốc gia, 2 lần đoạt giải Búa liềm vàng. Năm 2017, anh cùng các đồng nghiệp đã đoạt giải A báo chí Quốc gia với loạt bài “Phòng, chống nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng - vấn đề sống còn của Đảng và chế độ ta”. Năm 2016, anh và các đồng nghiệp đoạt giải B báo chí quốc gia với loạt bài “Làm thất bại chiến lược “Diễn biến hòa bình”: Tỉnh táo, chủ động đấu tranh với thông tin xuyên tạc, bịa đặt’'.
Năm 2012, anh từng đoạt giải B (không có giải A) Giải Báo chí quốc gia thể loại Phóng sự, Phóng sự điều tra, Ký báo chí, Ghi chép với loạt bài “Con đường Nam quốc sơn hà” viết về bộ đội mở đường tuần tra biên giới.
Tuy nhiên có một điều mọi người đôi khi vẫn “hiểu chưa đúng” về việc anh rất say sưa làm. Đó là chống lại quan điểm sai trái, thù địch của các thế lực phản động trên không gian mạng. Nhiều năm trước đây, mảng đề tài phòng, chống diễn biến hòa bình của Báo Quân đội nhân dân thường được các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các cây viết chính luận gạo cội thực hiện.
Sau này, qua góp ý của bạn đọc, để các bài viết bớt tính hàn lâm, học thuật, cần có cách thể hiện mang phong cách gần gũi với bạn đọc hơn. Trong hoạt động chống diễn biến hòa bình trên không gian mạng, nhiều người hỏi tôi, nhà báo Nguyễn Văn Minh được giao nhiệm vụ hay được “ai thuê” để làm vậy ? Tôi chỉ trả lời, anh ấy làm phần nhiều vì trách nhiệm của một nhà báo mặc áo lính, một người chiến sĩ cầm bút thôi.
Là người gắn bó với nhà báo Nguyễn Văn Minh, tôi đã chứng kiến anh bị không ít đối tượng chửi bới, dọa dẫm, thậm chí khủng bố tinh thần đủ kiểu. Người thân, bạn bè có khi “nói nhỏ”, “nói to” đủ cả, bảo anh đừng nên dấn sâu quá vào “cuộc chiến” trên mạng xã hội làm gì.
Nhưng hầu như anh đều gạt đi, anh cương quyết nói, phải đấu tranh, phải không sợ hãi với các thế lực thù địch chống phá. Để thực hiện mảng đề tài rất khó này, một phần nhà báo Nguyễn Văn Minh phát huy được sở trường là một cán bộ chính trị quân đội tốt nghiệp chuyên ngành xây dựng Đảng và chính quyền Nhà nước, có kiến thức nền vững chắc.
Nhưng một phần quan trọng là phải tích cực học tập, nghiên cứu, nắm vững các đường lối, chủ trương mới của Đảng; các vấn đề thời sự - chính trị trong nước và thế giới. Đặc biệt, phải biết cách đọc, nhận định, phân tích các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch sao cho chính xác, khách quan, kịp thời.
Trải qua nhiều cương vị công tác, nhiều nhiệm vụ chuyên môn ở Báo Quân đội nhân dân, lúc nào tôi cũng thấy nhà báo Nguyễn Văn Minh say mê và mẫn cán. Anh yêu nghề quá khiến đồng nghiệp phải ái ngại. Anh đấu tranh mạnh mẽ quá khiến người thân e sợ.
Nhưng nhiều độc giả vẫn luôn khâm phục anh, một nhà báo dám sống, dám làm, dám bảo vệ những điều mình cho là lẽ phải. Một nhà báo trách nhiệm với màu áo xanh mình đang mặc và Tổ quốc Việt Nam.