Aa

Nhà báo thời “báo chí công dân”…

Thứ Hai, 20/06/2022 - 06:08

Chủ nhật vừa rồi, mấy anh em cùng lớp Đại học báo chí hơn ba chục năm trước của chúng tôi, hiện đang công tác ở Hà Nội, có cuộc hội ngộ nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6).

Sau những hỏi han tâm tình, những “ôn cố tri tân”, chủ đề chính trong câu chuyện của chúng tôi lại quay về chuyện nghề nghiệp...

Anh bạn học giỏi nhất nhì lớp, hiện đang công tác tại một cơ quan quản lý báo chí ở Trung ương, kêu rằng cứ mỗi dịp đổi và cấp Thẻ Nhà báo là anh rất khó xử với nguyện vọng của không ít người quen. Dù không thuộc đối tượng được cấp Thẻ Nhà báo nhưng họ vẫn viện đủ lý do “liên quan” đến báo chí để xin được “linh động”. Nhiều cán bộ, chuyên viên có học hàm, học vị, chức danh… rất cao, đã được tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý, thế mà vẫn tha thiết mong có được tấm Thẻ Nhà báo để… cho “oai”(!) Rõ là cái danh hiệu Nhà báo đang được xã hội rất hâm mộ, quý trọng. Thì báo chí là “quyền lực thứ tư” của xã hội mà! Báo chí, với chức năng là thông tin sự kiện, phát hiện vấn đề, phản biện xã hội, tạo dư luận và hướng dẫn dư luận xã hội… luôn tác động mạnh mẽ tới đời sống; góp phần xây dựng xã hội ngày càng văn minh tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, đã là “quyền lực” thì cũng có hiện tượng “lạm quyền”; trong số đó có không ít người là “nhà báo” nhưng không chính danh như vừa kể trên đây; hoặc chỉ là cộng tác viên, phóng viên hợp đồng, nhân viên văn phòng đại diện...

Nhân câu chuyện “lạm quyền”, anh bạn phóng viên kinh tế nổi tiếng ở một tờ báo lớn chua chát thuật lại câu chuyện anh vừa được người ta khen mà “đau như cắt”. Chuyện là, trong một hội nghị cơ sở mới đây mà anh được mời dự, khi long trọng giới thiệu anh với quan khách, vị Giám đốc chủ nhà đã “đế” thêm một câu: “Anh tuy là nhà báo nhưng rất tốt!”. Có lẽ nhìn thấy sắc mặt bạn tôi lúc ấy, nên ngay sau đó vị Giám đốc đã vội gặp riêng để xin lỗi và ra sức thanh minh. Rằng là từ trước tới nay, doanh nghiệp của ông đã bị rất nhiều nhà báo đến gây phiền nhiễu, khi thì nhân danh “chống tiêu cực” nhưng lại viết với dụng ý rất... tiêu cực, khi thì viết điều tra nhưng chỉ nghe một phía, khi thì “ép” xin hợp đồng quảng cáo, khi lại dọa bóng dọa gió việc này việc nọ… Rằng ông cũng biết đó chỉ là một số nhà báo yếu kém; còn  đội ngũ nhà báo vẫn là những người đại diện của công luận, là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận chống tiêu cực. Rằng là…

Nhiều nhà báo làm việc với một nhiệt huyết tràn đầy, ngòi bút lúc nào cũng như có lửa. (Ảnh minh họa)

Một anh vừa trở về trường cũ dự buổi giao lưu với các bạn sinh viên, kể: Có sinh viên đang học năm cuối nêu câu hỏi với khách mời là một nhà báo khá tên tuổi: Thế hệ trước đây học hành gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn, hạn chế đủ thứ… Vậy mà tại sao nhà trường lại đào tạo được nhiều nhà báo giỏi, là những cây bút có “thẩm quyền” trong dư luận xã hội như thế? Câu trả lời được nhiều người đồng tình là: Thời ấy, những người làm báo với một nhiệt huyết tràn đầy, ngòi bút lúc nào cũng như có lửa. Họ hành nghề với sự dấn thân hết mình, gắn chặt với thực tiễn đời sống, sáng tạo tác phẩm báo chí từ thực tiễn và đem lại giá trị thực tiễn bằng tác phẩm của mình. Ngày ấy, làm báo tối kỵ lối “phóng viên sa-lông”, tựa như bây giờ dư luận vẫn phê phán lối tác nghiệp “lướt sóng” trong phòng máy lạnh. Nhưng cũng chính tác giả của câu trả lời trên đây lại nêu câu hỏi: Liệu những phẩm chất của các nhà báo trong nền báo chí truyền thống có đủ đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng trong thời đại kỹ thuật số? Có đủ đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng Khoa học công nghệ 4.0? Tất nhiên câu trả lời là chưa đủ và nguy cơ tụt hậu của báo chí truyền thống trước sự phát triển của mạng xã hội đã là hiện hữu. Sự phát triển của mạng xã hội đã tạo nên một nền “báo chí công dân” mà ở đó mỗi tài khoản được coi như một “tòa soạn” và mỗi chủ tài khoản là một “nhà báo”; họ tự do thông tin, bình luận sự kiện, bày tỏ chính kiến… trên “tờ báo” của mình và được lan truyền tức thì khắp toàn cầu.

Rõ ràng là bên cạnh việc báo chí nước ta hiện nay vẫn còn bộc lộ những hạn chế, khuyết điểm mà nhiều vụ việc đã bị xử lý hành chính hoặc truy cứu hình sự, thì thách thức lớn nhất đối với báo chí hiện nay là sự bùng nổ của mạng xã hội. Một thực tế không thể phủ nhận là mạng xã hội đã phát triển rất mạnh mẽ và là kênh kết nối nhanh nhất hiện nay được tính bằng giây của hàng tỷ thành viên trên toàn cầu. Việt Nam là một trong 18 nước có số lượng người dùng mạng xã hội đông trên thế giới. Mạng xã hội đã giúp cho công chúng mở ra một kênh thông tin của cá nhân mình và hoạt động với tư cách tương tự như một nhà báo. Mạng xã hội cũng đã đặt ra cho báo chí chính thống nhiệm vụ nâng cao chất lượng thông tin, hàm lượng thông tin, cùng những phân tích sâu sắc để lý giải những vấn đề, những sự việc mà dư luận xã hội quan tâm tới. Như vậy, có thể nói mạng xã hội đang tham gia ngày càng tích cực vào hoạt động truyền thông. Trên thực tế, báo chí chính thống và mạng xã hội cùng song song tồn tại, tác động qua lại lẫn nhau và cùng phát triển để đáp ứng nhu cầu cung cấp thông tin ngày càng cao cho công chúng. Điều đó đó đòi hỏi báo chí truyền thống không chỉ phải “đuổi kịp” mà còn phải vượt lên mạng xã hội để định hướng dư luận. Đồng thời, công tác quản lý báo chí cũng phải “đuổi kịp” và vượt lên để phù hợp với các xu thế của báo chí trong thời đại kỹ thuật số đang phát triển không ngừng.

Những người làm báo ngày càng phải phấn đấu hơn trước vận hội mới. (Ảnh: Mộc Trà)

Theo số liệu của ngành chức năng, hiện nay cả nước có 779 cơ quan báo chí ở Trung ương các địa phương với hơn 40.000 người đang hoạt động trực tiếp trong lĩnh vực báo chí, trong đó có 21.132 người được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp Thẻ Nhà báo. Những con số trên đây cho thấy hệ thống báo chí Việt Nam đang ngày càng lớn mạnh và phát triển không ngừng. Báo chí nước ta đã làm tốt chức năng vừa là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể chính trị - xã hội - nghề nghiệp, vừa là diễn đàn của toàn thể nhân dân, góp phần thúc đẩy dân chủ hóa đời sống xã hội. Đặc biệt, báo chí cũng đã tham gia tích cực vào công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong xã hội, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và bảo vệ chủ quyền quốc gia… Thời gian gần đây, báo chí đã tăng cường thời lượng và chất lượng phát các bản tin dự báo thời tiết, cảnh báo thiên tai… nhất là các chỉ đạo điều hành của Chính phủ trong việc phòng, chống đại dịch Covid-19…

Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và trong công cuộc Đổi mới đất nước, báo chí cách mạng Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc sứ mạng cao cả của mình. Ngày nay, trước vận hội mới cùng những thách thức to lớn của công cuộc hội nhập và phát triển đất nước, những người làm báo càng phải phấn đấu hơn nữa; ra sức tu dưỡng nâng cao ý thức công dân, trách nhiệm xã hội, đạo đức nghề nghiệp và kỹ năng tác nghiệp; gắn kết những thành tựu của khoa học công nghệ với những phẩm chất tốt đẹp của báo chí truyền thống, để xây dựng một nền báo chí cách mạng Việt Nam tiên tiến, hiện đại, giàu bản sắc văn hóa dân tộc. Các cơ quan báo chí và mỗi nhà báo cách mạng Việt Nam tiếp tục trau dồi “Tâm sáng, bút sắc”, tiếp tục cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp Đổi mới trong thời kỳ mới. Đó cũng là tình cảm và tâm nguyện của toàn dân gửi đến các nhà báo trong Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Và đó là thiết thực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh - người thầy vĩ đại của các nhà báo cách mạng Việt Nam!/.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top