Aa

Mái đình, cây đa và một dân tộc bước ra từ huyền thoại

Thứ Năm, 16/06/2022 - 06:15

Dân tộc Việt là một dân tộc có nét bản sắc văn hóa đặc thù, không tương đồng và cũng không giống với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Đó là một dân tộc bước ra từ huyền thoại, từ cổ tích, ca dao...

Muốn về thăm mẹ thăm cha

Nhớ rằng theo lối cây đa mái đình”

(Trích: Sấm Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm)

Dân tộc Việt là một dân tộc có nét bản sắc văn hóa đặc thù, không tương đồng và cũng không giống với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. 

Đó là một dân tộc bước ra từ huyền thoại, từ cổ tích, ca dao. Với dân tộc Việt, “cổ tích” là những tích cổ được kể lại, được lưu truyền. Chúng có thể không hoàn toàn là lịch sử nhưng trong cổ tích ấy có những “vết tích” của lịch sử. Toàn bộ kho tàng cổ tích Việt Nam ít nhiều đều là nhưng câu chuyện về thời kỳ mở sử. Huyền thoại dẫu có thể thấy quá nhiều những hoang đường nhưng rõ ràng nó phản ánh tín ngưỡng hiện còn, di tích hiện còn và thậm chí cả những nếp sống hiện vẫn còn cho đến ngày nay. 

Lịch sử vốn không chỉ thuộc về một giai cấp hay một thể chế, cũng không thuộc về những nhà viết sử, nhà nghiên cứu sử mà lịch sử thuộc về nhân dân. Lịch sử là đời sống, là một dòng chảy bất tận, tập trung trên cái cốt của khả tính dân tộc nhưng lại được biểu hiện những bình diện đa chiều. Chúng tôi không phải muốn đề cập tới chuyện cổ sử hay nghiên cứu lịch sử trong phạm vi bài viết này. Điều mà chúng tôi muốn nhắc nhở, đó là một dòng chảy tương tục của tâm thức dân tộc. Một dân tộc có cách bảo lưu truyền thống và “dân tộc tính” của mình bằng cổ tích, bằng ca dao và huyền thoại. 

Dân tộc Việt là một dân tộc có nét bản sắc văn hóa đặc thù, không tương đồng và cũng không giống với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Ảnh minh họa: Internet.

Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng từng chia sẻ trong bài viết “Nhân ngày Giỗ Tổ Vua Hùng” đăng trên Báo Nhân dân ngày 29/4/1969: 

"Những truyền thuyết dân gian thường có một cái lõi là sự thật lịch sử mà nhân dân qua nhiều thế hệ đã lý tưởng hoá, gửi gắm vào đó tâm tình thiết tha của mình cùng với thơ và mộng, chắp đôi cánh của sức tưởng tượng và nghệ thuật dân gian làm nên những tác phẩm văn hoá mà đời đời con người yêu thích”.

Không phải ngẫu nhiên mà rải rác trên khắp các vùng miền trong cả nước, số lượng đình, đền, miếu, quán, nghè, am...  của chúng ta lại phong phú đến như vậy. Càng không phải ngẫu nhiên mà dân tộc Việt luôn trọng ngày giỗ, trọng lễ nghĩa. Tất cả các lễ tết trong năm của người Việt đều là dịp để nhớ về tiền nhân, thể hiện lòng hiếu kính với tiên tổ, cội nguồn dù chỉ với một nén hương. Ông cha chúng ta không tưởng tượng ra một thế lực siêu nhiên để truyền đời thờ phụng và càng không thờ nhầm! “Cái lõi là sự thật lịch sử” chính là cách mà tổ tiên Việt đã chọn để thiêng hóa các nhân vật, các câu chuyện lịch sử để cháu con mãi mãi kính ngưỡng và phụng thờ. Chính bởi yếu tố thiêng hóa ấy mà lịch sử cội nguồn dân tộc được bảo lưu sau bao dâu bể can qua, bao đổi thay của thời cuộc, thể chế chiến tranh và ý thức hệ. Đó cũng là lý do để hiểu vì sao dân tộc Việt là một dân tộc có đời sống tín ngưỡng vô cùng phong phú. 

Văn hóa và tín ngưỡng của người Việt đan xen và hòa quyện chặt chẽ. Biểu hiện đầu tiên của tín ngưỡng Việt đó là tục thờ cúng tổ tiên trong mỗi gia đình, tục thờ thành hoàng là những nhân vật lịch sử ở mỗi làng quê. Hệ thống tín ngưỡng được hình thành từ nếp sống thờ cúng tổ tiên kết hợp cùng một di sản đồ sộ và những tục hát chầu, lên đồng cũng chính là một nguồn sử liệu, phản chiếu ký ức về văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc. Tất cả những yếu tố kể trên đều được cấu thành từ một nền tảng cốt yếu vô cùng quan trọng. Đó chính là tâm thức hiếu đạo.

Văn hóa và tín ngưỡng của người Việt đan xen và hòa quyện chặt chẽ... Ảnh minh họa: Internet.

Lịch sử Việt đặc biệt ở chỗ, chúng ta có riêng một dòng sử dân gian qua các truyền thuyết, tích cổ, qua những thần tích, ngọc phả còn lại. Cổ sử từ cái cốt lịch sử trở thành những trang huyền sử. Thế nên, hiếu đạo không dừng lại ở việc thờ cúng tổ tiên mà còn thể hiện thế giới quan và nhân sinh quan của dân tộc Việt.

Tục thờ cúng bách thần thực chất là thờ cúng tổ tiên, các vị tiên hiền liệt sỹ đã có công lao to lớn trong gây dựng xã hội và dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử. Các bậc tiền nhân anh liệt đó đã “hóa thần” trong tâm thức dân gian và cũng như được nhà nước phong kiến xưa thừa nhận và tôn sùng, qua những đạo sắc phong, những dụ chỉ xây đền miếu, cấp tế điền cho các địa phương. Dưới thời Hậu Lê, bộ Lễ trong chính quyền đã có cả chức quan Tri điện Hùng lĩnh Thiếu khanh chuyên về Quản giám Bách thần. Thời Nguyễn, việc phụng tự bách thần cũng rất được coi trọng, thể hiện qua nhiều sắc phong của các đời vua cũng như những di tích được tôn tạo và xây dựng. Tất cả đều với một tâm thức hướng về nguồn cội, tôn sùng tiên tổ.

Dân tộc Việt là một dân tộc trọng hiếu đạo. Biểu hiện về đạo hiếu và lòng biết ơn của người Việt có lẽ là một biểu hiện cụ thể và thường trực. Nó trở thành nếp sống, thành văn hóa và đi vào tín ngưỡng, vào văn chương, nghệ thuật, vào tục ngữ, ca dao, vào kiến trúc và vào lễ tiết, hội hè...

Bất cứ người Việt nào cũng từng được ru, được học, được hát và được nhắc nhau trong cuộc đời mình về bổn phận với mẹ cha, với tổ tiên nguồn cội, rằng: 

“Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Một lòng thờ mẹ kính cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”...

hay

Công cha nặng lắm ai ơi”...

Những ca dao, tục ngữ: 

Con người có tổ, có tông,

Như cây có cội, như sông có nguồn

hay 

Lá rụng về cội, ly hương bất ly tổ... 

... đều là những lời hịch muôn đời về hiếu đạo mà dân tộc ta, trải qua hàng ngàn năm cho tới hôm nay vẫn còn đinh ninh trong tâm thức của mỗi người con đất Việt.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top