Aa

Nhà báo và ngọn bút

Thứ Bảy, 19/06/2021 - 16:40

“Ngọn bút” là hình ảnh sống động tươi tắn cũng như ngọn cây là nơi nhạy cảm của những tế bào diệp lục hút bao sương nắng, hứng chịu bao ngọn gió quyết liệt.

Không hiểu sao mỗi khi nhắc đến nghĩ về những người làm báo, viết báo ta thường nói đến ngòi bút, cây bút biểu tượng cho nghề nghiệp vốn là một công cụ viết báo. Nhưng riêng tôi, tôi lại hay nghĩ đến hình ảnh “ngọn bút” với các nhà báo có lẽ bắt đầu từ hai câu thơ của nhà thơ Sóng Hồng (Trường Chinh): “Lấy cán bút làm đòn xoay chế độ – Mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền”.

nhà báo và ngòi bút

“Ngọn bút” là hình ảnh sống động tươi tắn cũng như ngọn cây là nơi nhạy cảm của những tế bào diệp lục hút bao sương nắng, hứng chịu bao ngọn gió quyết liệt. Ngọn bút cũng là nơi khám phá những hiện thực mới mẻ, phát hiện những vấn đề nhạy cảm nhất của đời sống hiện thực. Đồng thời, ngọn bút cũng luôn đối diện với những thách thức áp lực của cuộc sống đời thường để đấu tranh với cái xấu, ca ngợi cái tốt thể hiện bản lĩnh dũng cảm đương đầu với những thách thức. Cũng như ngọn cây đó chính là nơi khát vọng vươn lên từ chùm rễ sâu bám chắc vào nguồn cội vào lòng đất mẹ, hút màu mỡ phù sa của niềm tin yêu cuộc sống, tin yêu con người. Tôi cứ nghĩ nếu phóng to ngọn bút lá tre năm xưa hàng chục lần thì hình ảnh thành ngọn giáo sắc và nhọn đâm thủng cái ác để bảo vệ cái thiện ...

Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà báo vĩ đại với hàng chục bút danh và hàng trăm bài báo – Người sáng  lập ra tờ báo “ Thanh niên” (21/6/1925) đã từng nêu trách nhiệm của các nhà báo bằng bốn chữ ngắn ngọn, súc tích mà hàm chứa nhiều ý nghĩa đó là: “Phò chính, trừ tà”.

bác Hồ
Bác Hồ với các nghệ sĩ nhiếp ảnh. (Ảnh tư liệu)

Trong bức thư gửi trí thức Nam Bộ, trong đó có các nhà báo (25/5/1947) Bác viết: “Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính, trừ tà mà anh em văn hóa, tri thức phải làm cũng như là những chiến sỹ anh dũng trong công cuộc kháng chiến để giành lại quyền thống nhất và độc lập cho Tổ quốc". “Phò chính” tức là bảo vệ chính nghĩa nói lên sự thật đồng hành với lẽ phải; “trừ tà” là lên án cái xấu chống lại sự phi nghĩa. “Tà” ấy có thể là “ngoại tà” nhưng cũng có thể là “nội tà” trong chính lương tâm nhà báo.

Sau này nhà báo Hữu Thọ bằng cuộc đời làm báo phong phú và tích lũy kinh nghiệm của mình đúc kết rất hay về hình ảnh người làm báo: “Mắt sáng – Lòng trong – Bút sắc” bởi cái chính là nét sắc của ngọn bút và để có nét sắc: Sắc sảo, sắc bén thì cái tâm, cái tài, cái tầm của ngọn bút luôn phải được trau dồi rèn luyện và thử thách.

Dân tộc Việt Nam rất coi trọng nghề giáo và nghề báo. Vì thế mà dân gian thường gọi: Nhà giáo, nghề giáo và nhà báo, nghề báo. Tôi chợt nhớ hai câu thơ của cụ Đồ Chiểu: “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm – Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà’". Con đường của nhà báo là hướng đạo, trang báo là con thuyền  chở đạo. Tôi cứ hình dung tấm áo chuyên dụng của nhà báo có rất nhiều túi như một tấm thẻ “căn cước” của nhà báo giống tấm thẻ nhà báo chuyên dùng. Lại giống như chiếc phao cứu sinh không thể chìm trong cơn lũ của những cám dỗ đời thường; lại là chiếc áo giáp chống lại, ngăn cản lại những viên đạn bọc đường bắn thẳng. 

Tôi lại nhớ đến một trong những tờ báo sớm nhất của báo chí cách mạng Việt Nam mang tên “Sự thật”. Vâng, sự thật tất cả vì sự thật, niềm tin bắt đầu từ sự thật và chính sự thật là chất liệu cho các nhà báo. Một sự thật tươi ròng của đời sống thường nhật, của những số phận con người với những vấn đề mới mẻ đặt ra cấp thiết trong xã hội đã gợi mở, cuốn hút sự mê say đầy trách nhiệm và tâm huyết của những người làm báo...

Vào thăm nhà Bảo tàng Hội nhà báo Việt Nam, tôi bồi hồi xúc động khi đến bên các di tích, bút tích mà các nhà báo để lại. Đó là những chiếc ba lô, tăng võng, bi đông nước in lỗ chỗ vết đạn, đó là những trang bản thảo nhòe nét mực. Có thể là người viết đang lên cơn sốt rét rừng viết lại những thông tin tư liệu mới nhất, có thể là nhòe do mưa rừng nước suối và nhòe do cả máu nữa. Có những cuốn phim tài liệu rất sống động, tiếp cận hiện thực chiến tranh khốc liệt bằng những cận cảnh rung động lòng người. Những người quay phim đã mãi mãi nằm lại  chiến trường. Họ không có trong khuôn hình nhưng trong ánh mắt nụ cười trẻ trung của các nhân vật, của những người lính trong chiến hào ngổn ngang khói bom, khói đạn lại có cả hình ảnh của họ. Những chiếc máy ảnh máy quay phim cũ kỹ, những chiếc bút Trường Sơn đã khô dòng mực nhưng tôi vẫn như còn nghe được tiếng phim chạy xè xè của máy quay, nghe được tiếng “tách” khoảnh khắc lóe sáng của máy ảnh. Và dòng mực, dòng máu vẫn chảy đầy nhiệt huyết trong ruột bút kia bởi những dòng mực đan xen nhòe mờ viết vội ấy trong những cuốn sổ tay ghi chép của nhà báo đã dựng dậy không khí, tinh thần và sự thật lịch sử của một thời và mãi mãi...

Tôi biết nhiều nhà báo ra Trường Sa không chỉ mang theo những các thiết bị máy móc nghề nhiệp mà họ còn mang theo những hạt giống rau để gieo mầm xanh trên đất đảo san hô nắng gió. Trong những lúc say sóng vật vã, thân tàu chao đảo thì một ngọn sóng bỗng bùng lên, dội lên cân bằng đối trọng lại như nhà  thơ Nguyễn Viết Chiến đã viết: “Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa – Trong lòng người có ngọn sóng nào không”. Ngọn sóng yêu nước luôn thường trực trong mỗi người con đất Việt được nhân lên gấp bội trong lòng những người làm báo khi ra với đảo khơi. Ngọn sóng đó lại trào dâng lên ngọn bút để tạo cảm hứng khơi nguồn cho những bản tin, bút ký, thước phim nóng hổi chuyển tải về đất liền kịp thời qua những phương tiện máy móc hiện đại của thời đại 4.0.

Từ năm xưa với cây bút đơn sơ đến ngày nay các nhà báo đã trang bị những phương tiện hiện đại của báo viết, báo hình, báo nói thì vẫn có chung trái  tim của người làm báo, vẫn vẹn nguyên dòng máu đỏ với bầu nhiệt huyết lớn lao với những tri thức được trang bị đầy đủ từ giảng đường đại học đến thực tế. Từ “nhà báo chiến trường” năm xưa đến “nhà báo đời thường” hiện nay, bước chân của ngọn sóng lòng tình yêu Tổ quốc, tình yêu nghề nghiệp đến với mọi miền đất nước với ngọn bút của mình. Và các tác phẩm của họ viết ra định danh của nhà báo như là một khẳng định về trách nhiệm đến từng con chữ, từng hình ảnh soi chiếu. Đặng sau đó là chân dung của một nhà báo với đầy đủ bản lĩnh trí tuệ đạo đức và tấm thẻ nhà báo như một “hộ chiếu đỏ” bước qua ranh giới trong sự tin cậy yêu thương và gửi gắm sẻ chia của cộng đồng xã hội.

Trong những ngày này khi cả đất nước và dân tộc đang chung tay chung lòng chống đại dịch Covid-19 thì hình ảnh các nhà báo trong các bộ đồ bảo hộ ngành y trong cái nóng bức bối của ngày hè thiêu đốt đã đến tiếp cận trực tiếp với các bệnh nhân trong các khu cách ly để ghi hình, ghi nhận những hình ảnh thân thiết sống động... trở nên thật tuyệt vời. Họ cũng như những người chiến sỹ áo trắng nghành y không sợ những con virus vô hình mà nguy hiểm biết bao.  Vắc xin làm báo không chỉ là những tác phẩm nghề nghiệp mà còn truyền tải cả tình yêu thương cộng đồng lớn lao.  Mũi tiêm vắc xin đó cũng như nét sắc ngọn bút đã ngăn chặn nguồn lây lan của dịch bệnh đưa lại sự an toàn tuyệt đối cho cả cộng đồng dân tộc và của chung cả nhân loại...

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top