Aa

Chuyện nghề báo: Đi Mỹ bằng bài ca dao!

Thứ Tư, 21/06/2017 - 06:33

Nghề làm báo vất vả nhưng nhiều lúc cũng thật đáng yêu. Hồi ấy, Việt Nam và Mỹ chưa bình thường hóa quan hệ, muốn sang nước Mỹ tham quan là khó lắm. Thế nhưng, trong một chuyến đi chơi Đà Lạt tình cờ, rồi đọc một bài ca dao ngẫu hứng. Vậy mà lại được đi Mỹ một chuyến 20 ngày. Thật thú vị.

Chuyện xảy ra cách đây đã hơn 20 năm. Hồi ấy, việc đi nước ngoài đã dễ dàng hơn trước kia rất nhiều, nhưng đó chỉ là đi các nước ở Châu Á, Châu Âu, chứ còn đi Mỹ là một ước mơ xa vời. Với một nhà báo, việc được đi khắp thế giới luôn là điều mơ ước, đặc biệt là nước Mỹ. Tại sao một đất nước mới sinh ra có vài trăm năm mà lại nhanh chóng trở thành giàu nhất thế giới? Tại sao khi nói đến các công trình xây dựng, hệ thống đường sá, cầu cống…, người ta thường nhắc đến nước Mỹ? Tại sao Mỹ lại dám ngạo mạn cho mình là một cường quốc có thể lãnh đạo thế giới?... Tất cả những câu hỏi đó có thể đọc được ở trong sách vở nhưng sẽ thiếu sức thuyết phục nếu chưa một lần đặt chân đến nước Mỹ.

Hôm ấy là ngày chủ nhật, chúng tôi từ Sài Gòn đi Đà Lạt chơi. Trên chuyến xe 12 chỗ  đi “ké” của một doanh nhân có nhiều người, 3 nhà báo chúng tôi và một vài doanh nhân ở Sài Gòn cùng mấy Việt kiều ở Mỹ về. Vì là đi ké nên chúng tôi chẳng hề quen ai trên xe, trừ chủ xe. Chuyến đi bắt đầu từ 5 giờ sáng và dự định tối phải về. Quả thật có một chút lãng mạn và phiêu lưu vì đi về trong ngày ở nơi cách xa đến 400km thì riêng ngồi trên xe đã mất đến 3/4 thời gian. Nhưng không sao, cứ thoát ra khỏi thành phố cho giảm stress đã, rồi đến đâu thì đến.

Đến Đà Lạt đã gần 2 giờ chiều, ăn uống xong, đi du ngoạn được một vài nơi thì đã sẩm tối, chúng tôi quyết định phải về vì sáng mai còn phải đến cơ quan làm việc. Đường về nó mới xa làm sao. Đêm tối thăm thẳm. Ánh đèn xe cứ hun hút. Lúc đi, mọi người trên xe đã làm quen giới thiệu với nhau. Thì ra đây là hai nhóm doanh nhân có quan hệ làm ăn qua lại giữa Mỹ và Việt Nam, mà lại toàn là doanh nhân nữ. Cánh nhà báo chúng tôi lại rặt đấng mày râu nên ban đầu cũng còn kiêng dè. Nhưng rồi đường về xa quá, đêm dài quá, mọi người trên xe đều buồn thiu, bỗng một người nêu ý kiến: “Hát lên đi mọi người ơi, sao lại ngồi im đến phát mệt thế?”. Mọi người liền hưởng ứng và phân công lần lượt mỗi người hát một bài. Không biết hát thì đọc thơ. Không biết đọc thơ thì kể chuyện tiếu lâm.

Thế là cả xe nhộn nhịp hẳn lên. Mọi người trở nên thân thiện với nhau hơn. Đến lượt một doanh nhân nữ ở bang California có tên Việt là Xuân, tên ngoại là Nancy Nguyễn. Cô nói cô không biết hát và xin đọc một bài thơ. Điều bất ngờ đã đến. Bài thơ Đôi mắt người Sơn Tây của nhà thơ Quang Dũng  được cô đọc diễn cảm và suôn sẻ một mạch từ đầu đến cuối với chất giọng đặc sệt vùng Đồng bằng Nam Bộ. Tôi không thể nghĩ rằng một doanh nhân đang sống cách Việt Nam đến nửa vòng trái đất, suốt ngày tính toán đến tiền bạc, lợi nhuận lại có thể dành ra được một góc nhỏ trong trái tim cho thơ. Và ấn tượng hơn, tôi lại sinh ra và lớn lên ở cái thị xã Sơn Tây nhỏ bé ấy mà không thuộc bài thơ ấy như cô.

Đến lượt tôi, biết tôi quê ở Sơn Tây, mọi người yêu cầu tôi đáp lễ. Bí quá, tôi liền đem một bài thơ tôi đã thuộc lòng từ bé trong cuốn ca dao Việt Nam ra đọc một mạch. “Cô gái Sơn Tây yếm thủng tày giần, răng đen hạt nhót chân đi cù lèo, tóc rễ tre chải lược bồ cào, xù xì da cóc hắc lào tứ tung, trên đầu chấy rận như sung, rốn lồi quả quýt má hồng chôn niêu…”. Đọc xong, sau những tiếng cười chảy nước mắt nước mũi là tiếng la ó phản đối. Làm gì có chuyện Đôi mắt người Sơn Tây đẹp như thế mà lại có những cô gái như thế. Làm gì có chuyện một cô gái lại có nhiều cái xấu như thế…

Tôi đành giải thích rằng, xuất xứ bài thơ là một câu chuyện tình đơn phương của một chàng trai hàn sĩ Hà thành. Khi phải lòng một cô gái Sơn Tây nhưng tơ duyên không thành, thế là làm một bài thơ với ý định “không ăn được thì đạp đổ”. Mọi người hiểu ra và bắt tôi đọc lại bài thơ một lần nữa. “…Con rận bằng con ba ba, đêm nằm nó gáy cả nhà thất kinh, hàng xóm vác gậy đi rình, hóa ra rận đực nóng mình mò ra, bánh đúc cô nếm nồi ba…”. Cả xe cười nghiêng ngả.

Cô Xuân vừa cười vừa nói: “Chuyến xe này mà đang ở Cali thì vui biết mấy”. Lúc ấy, mọi người đã có vẻ thân thiết với nhau hơn nên tôi cũng buột miệng nói vui: “Khó gì nhỉ, em cứ có lòng đi, tụi anh có bụng. Có lời mời là tụi anh sang liền”. Chẳng ngờ cô tròn mắt: “Thật nhé!”. Tôi cũng chẳng tin lắm về một lời hứa bâng quơ nên tiếp lời: “Thật chứ, nhưng cánh nhà báo tụi anh ăn uống tốn lắm đấy, em phải cân nhắc cho kỹ”. Cô liền trả lời tỉnh bơ: “Tiền của Chính phủ Mỹ lo chứ có phải của em đâu mà các anh ngại”. Sau một hồi giải thích, chúng tôi mới hiểu rằng mỗi một năm, doanh nghiệp của cô đóng thuế khoảng 400 ngàn USD. Toàn bộ chi phí cho khách mời của công ty sẽ được trừ vào tiền đóng thuế mỗi năm. Có nghĩa là tiền chi phí đi lại, ăn ở của chúng tôi nếu trở thành hiện thực thì cô cũng chẳng mất gì.

Tuy vậy, tôi cũng không tin lắm và sau đó quên luôn. Đột nhiên hơn một tháng sau, Tòa soạn nhận một bản Fax từ California mời 3 nhà báo sang Mỹ tham quan doanh nghiệp 20 ngày.

Đấy, chỉ vì thuộc một bài ca dao từ đời nảo đời nào mà có hẳn một chuyến du ngoạn phía bên kia Tây bán cầu. Thế mới khoái cái đời làm báo chứ!

Cho đến bây giờ thì nước Mỹ chẳng có gì lạ lẫm với nhiều người nhưng hồi ấy, chỉ cần ngồi trên máy bay ngắm thành phố Los Angeles lúc sẩm tối mà thấy choáng. Cả một vùng đất rộng mênh mông đến tận chân trời là ánh điện vàng lấp lánh như chiếc áo cà sa khổng lồ. Đến khi xuống sân bay, được cô Xuân đón về nhà ở thành phố vệ tinh Westminster cách 40 phút ô tô chạy, tôi mới thấy rằng lời đồn không ngoa. Hệ thống đường sá giao thông, điện đường, phương tiện đi lại chủ yếu là ô tô đông như mắc cửi khiến cho khách “nhà quê” như tôi cảm thấy tức ngực.

Chỉ sau 4 ngày ở Mỹ, tôi đã muốn trở về Việt Nam nhưng không thể vì lịch bay đã được định sẵn cả tháng. Một tâm trạng chán nản tựa như một anh nhà nghèo vào nhà anh nhà giàu chơi. Thấy cái gì cũng hoành tráng, lóa mắt, cái gì cũng thấy sao mình hèn thế, người ta làm được mà sao mình không làm được. Thà rằng khuất mắt cho xong. Đặc biệt khi vào các siêu thị, hàng hóa ngập cả trời đất. Trong túi chỉ có chưa đến một ngàn đô, vậy mua cái gì bây giờ, mua ở đây hay về Việt Nam mua, so với Việt Nam, giá này rẻ hay đắt…, những câu hỏi cứ nhảy múa trong đầu, rồi tỷ giá tiền đô đổi ra tiền Việt, rồi các phép nhân chia cộng trừ chạy loang loáng như chiếc máy tính. Đúng như các cụ nói, nghèo thường đi đôi với hèn. Nếu ở Việt Nam, túi có ngàn đô đi siêu thị là mặt có thể vác lên rồi, nay ở đất Mỹ, tự nhiên thấy mình hèn hẳn. Vậy mình ở đây làm gì nữa nhỉ?

Tuy nhiên, cô Xuân cứ sau buổi sáng đến công ty điều hành công việc xong là đánh ô tô đưa chúng tôi đi chơi, tham quan nhiều nơi ở Cali. Có những chuyện rất nhỏ trong cuộc sống đô thị ở đây mà tôi cứ bị ám ảnh cho đến bây giờ.

Một hôm, chúng tôi đi dạo bộ trên phố. Đường rộng, mỗi bên có 4 làn xe nườm nượp ô tô. Hè khá rộng, phía trước chúng tôi là một người đàn ông đi bộ, chân liêu xiêu. Hình như ông ta hơi say rượu. Chợt có một chiếc xe ô tô tấp vào. Tôi giật mình: “Xe cảnh sát, chắc là ông ta sẽ bị lôi lên xe rồi”. Quả như vậy, một viên cảnh sát cao to lừng lững, da đen trũi bước xuống xe, giơ tay chào và nói với người đàn ông một câu gì đó, nhưng rồi lại lẳng lặng bước lên xe và phóng đi. Tôi ngạc nhiên hỏi cô Xuân tại sao như vậy thì cô trả lời rằng, viên cảnh sát chỉ hỏi người đàn ông có cần giúp đỡ gì không. Khi được trả lời là không cần thì họ coi như đã hoàn thành nhiệm vụ hỗ trợ công dân khi có điều bất thường. Quả là một hành vi công vụ đáng học tập.

Chuyện thứ hai liên quan đến cái đèn xanh đèn đỏ. Ở một ngã tư thành phố Westminster hình như người ta đang sửa chữa điện, đèn xanh đèn đỏ tắt ngóm. Không thấy viên cảnh sát nào điều khiển mà các dòng xe từ 4 phía vẫn tự động dừng, đi, rẽ phải, rẽ trái như khi có đèn chỉ dẫn. Cứ mỗi làn xe đi được khoảng 7-8 chiếc thì tự động dừng lại nhường cho làn xe bên kia. Và điều lạ là cả 4 làn đường đều như thế, cứ như là có bộ điều khiển chung cho tất cả các lái xe vậy.

Tôi tự hỏi không biết họ giáo dục kiểu gì mà các công dân lại có lòng tự trọng cao như vậy trước nơi công cộng? Dường như trong mỗi một con người của họ đã sẵn có một bộ đèn xanh đèn đỏ vậy.

Qua những câu chuyện tình cờ thấy, tình cờ kể ấy, có thể thấy rằng việc giáo dục công dân, quản lý xã hội là một khoa học. Mà đã là khoa học thì lại là tài sản chung của loài người. Quốc gia nào không biết sử dụng nó, bị tụt hậu là điều dễ hiểu.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top