Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều cơ chế chính sách phát triển nhà ở, trong đó việc phát triển các khu chung cư, tạo nên quy mô mới về nhà ở, đáp ứng được nhu cầu cao về nhà ở của người dân.
Bên cạnh những thành quả đạt được, hiện cũng còn một số tranh chấp khiếu nại giữa người dân và chủ đầu tư, người dân và ban quản trị, ban quản trị và chủ đầu tư…. Những tranh chấp chủ yếu diễn ra trong việc thành lập Ban quản trị nhà chung cư; lựa chọn đơn vị quản lý vận hành; xác định diện tích sử hữu chung - riêng; quản lý và sử dụng kinh phí bảo trì; công tác phòng cháy chữa cháy chung cư…
Trước tình hình đó, Bộ Xây dựng phối hợp với các địa phương đã có tổng hợp, báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ về tình hình tranh chấp chung cư diễn ra trên địa bàn cả nước. Ngày 9/10/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 29/CT-TTg về tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước đối với công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư.
Tại Hội nghị, Bộ Xây dựng cùng các Bộ, ngành, Hiệp hội và các địa phương cùng tham gia trao đổi, làm rõ những vấn đề đang đặt ra đối với công tác quản lý, sử dụng nhà chung cư, đặc biệt là trách nhiệm của các địa phương có số lượng nhà chung cư lớn và xảy ra nhiều tranh chấp; tập trung vào những nhiệm vụ cụ thể trong thời gian tới, nhằm triển khai hiệu quả Chỉ thị 29. Hội nghị cũng tiếp tục lấy ý kiến về sửa đổi bổ sung quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư ban hành kèm Thông tư số 02/2016/TT-BXD và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà chung cư.
Ông Nguyễn Trần Nam - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam cho rằng: “Nhà chung cư là xu hướng phát triển tất yếu của các đô thị ở Việt Nam và trên thế giới”.
Theo ông Nam, chiến lược phát triển nhà ở đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 quy định ở các thành phố lớn, đô thị, đặc biệt ở các đô thị cấp 1, tỷ lệ nhà chung cư phải chiếm 80%. Do vậy, việc quản lý, vận hành nhà chung cư là vấn đề hết sức cấp bách cũng như lâu dài.
Hiện nay, TP.HCM có khoảng 1.200 chung cư, Hà Nội có khoảng 800 chung cư. Tổng cộng các thành phố trong cả nước thì có khoảng 3.000 căn nhà chung cư cao tầng. Hiện đang có 108 nhà chung cư có tranh chấp, chiếm khoảng 3%. Các tranh chấp chung cư sẽ ảnh hưởng đến trật tự an ninh của xã hội cũng như quyền lợi của người dân, quyền lợi của chủ đầu tư.
Ông Nam nhận định, việc xảy ra tranh chấp ở chung cư không chỉ ở riêng Việt Nam, tại các nước khác như Trung Quốc, Đài Loan, Úc… cũng có vấn đề tương tự. Xã hội cũng như thị trường bất động sản phát triển rất nhanh nên luật pháp phải chạy theo để thay đổi cho phù hợp.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh yêu cầu các địa phương có nhiều tranh chấp chung cư thời gian tới phải chỉ đạo giải quyết dứt điểm, tăng cường công tác phổ biến pháp luật;tăng cường quản lý gắn với trách nhiệm địa bàn, liên quan đến các quận, huyện, phường xã, phải làm sao để các chủ đầu tư thực hiện đúng các quy định…
Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu để sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật; đồng thời phối hợp với các địa phương tăng cường công tác thanh tra kiểm tra đôn đốc thực hiện, tăng cường chế tài xử lý xử phạt với những vi phạm. Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng đang xây dựng kế hoạch và chương trình hành động, trong đó phân công rất rõ các nhiệm vụ mà Chỉ thị của Thủ tướng đã nêu ra để sớm hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật.