Aa

Nhà đất TP.HCM, những mức giá… giật mình

Thứ Hai, 23/09/2019 - 13:30

Từ đầu năm đến nay, thị trường bất động sản tại TP.HCM liên tục tăng giá ở các phân khúc, khiến ước mơ sở hữu nhà của người có thu nhập thấp ngày càng xa vời.

Giá nhà đất liên tục tăng cao

Theo ghi nhận thực tế của phóng viên, thời gian gần đây, giá đất nền, nhà phố, căn hộ… tại TP.HCM liên tục xác lập mặt bằng giá mới. Hầu như rất khó có thể tìm được nhà đất có mức giá dưới 2 tỷ đồng.

Cụ thể, một dự án mới được mở bán tại quận 1, có giá khoảng 70 triệu đồng/m2 đối với căn hộ 1 phòng ngủ. Căn hộ 2 phòng ngủ với diện tích 85m2 đang được rao bán với giá 21 tỷ đồng. Còn những căn 3 phòng ngủ, có diện tích từ 140 - 180m2 mức giá ở khoảng 47,7 - 50 tỷ đồng.

Cơ hội sở hữu nhà của người có thu nhập trung bình ngày càng xa vời

Tương tự, dự án The Peak Midtown tại quận 7 (TP.HCM), của chủ đầu tư Phú Mỹ Hưng hiện đang được các nhân viên kinh doanh rao bán với giá từ 6 - 7,7 tỷ đồng cho căn hộ 2 phòng ngủ, diện tích 80 - 86m2. Còn đối với căn có 3 phòng ngủ thì mức giá ở khoảng 10,5 - 11 tỷ đồng, tương đương 5.200 USD/m2. Mức giá này đã tăng khoảng 5 - 10% so với 6 tháng trước đây.

“Mức giá trên là áp dụng cho lô M8B, đã giới thiệu ra thị trường từ tháng 11-12/2018 và hiện chỉ còn vài vị trí. Còn lô M8A có vị trí hướng ra sông nên giá sẽ cao hơn, căn 3 phòng ngủ có diện tích từ 111 - 130m2, giá ở khoảng 11 - 13 tỷ đồng”, chị Hoa, nhân viên bán hàng của chủ đầu tư nói.

Hay một dự án tại quận Thủ Đức, gần xa lộ Hà Nội, lúc đầu có giá bán từ 55 - 70 triệu đồng/m2, hiện được giao dịch trên thị trường thứ cấp quanh mức 100 - 150 triệu đồng/m2 tùy vị trí. Tại Dự án Tân Hải Minh, giá giữa năm 2018 dao động từ 35 - 40 triệu đồng/m2, hiện nhảy vọt lên 50 - 60 triệu đồng/m2… Không chỉ với đất dự án, mà ngay cả thị trường nhà phố trong các khu dân cư cũng có mức giá tăng phi mã trong vài năm gần đây, đặc biệt là từ cuối 2018 đến nay.

Lý giải về việc giá bất động sản liên tục tăng, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, giá của bất động sản bị chi phối bởi 3 quy luật. Đó là quy luật giá trị, cạnh tranh, cung cầu.

Hiện tại, thị trường bất động sản TP.HCM thiếu dự án, đồng nghĩa với việc ít người cạnh tranh. Chưa kể, nguồn cung bị thiếu trong khi nhu cầu rất lớn thì giá sẽ bị đẩy lên.

Để giải tỏa vấn đề này, bây giờ phải tháo gỡ nút thắt cơ chế chính sách, cụ thể là quy trình thủ tục hành chính. Tuy nhiên, để tháo gỡ được vấn đề này thì cần phải có thời gian, có độ trễ nhất định. Do đó, trong giai đoạn này, những người có sản phẩm sẽ mặc sức làm giá và sẽ đạt được lợi nhuận rất cao so với thị trường bình thường.

“Điều này là không ai mong muốn nhưng thực tế đang diễn ra như vậy. Việc tìm kiếm lợi nhuận mặc nhiên đã thiết lập mặt bằng giá mới, và điều này rất bất lợi cho thị trường”, ông Châu nói.

Người tiêu dùng gặp khó

TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc Bộ phận Đầu tư Savills Việt Nam phân tích, với thu nhập bình quân ở mức hơn 2.500 USD/người/năm như hiện tại thì việc mua một sản phẩm giá khoảng 1 - 1,5 tỷ đồng không phải là dễ.

Đồng quan điểm, Chủ tịch HoREA cho rằng, giá bất động sản tăng cao trong thời gian qua là điều tất yếu khách quan. Tuy nhiên, điều đáng nói là cơ hội tạo lập nhà cửa cho người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp, tại thời điểm này ngày càng xa vời.

“Khi giá nhà đất tăng cao, người mua nhà là giới trẻ hiện nay chưa có tích lũy nhiều sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, các nhà phát triển bất động sản phải cơ cấu sản phẩm, hướng thị trường về nhu cầu ở thực, tránh hùa theo thị trường tăng giá nóng nhằm đảm bảo thanh khoản về lâu dài”, lãnh đạo HoREA chia sẻ.

Ở góc độ doanh nghiệp tham gia thị trường, ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Lê Thành cho biết, vấn đề khó khăn đối với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản hiện nay là dự án mới được phê duyệt chậm, dẫn đến nguy cơ thiếu hụt nhà ở đối với tất cả các phân khúc ngay giai đoạn 2020-2021.

“Thủ tục triển khai dự án chậm được phê duyệt trong khi giá đất, lãi suất tăng từng ngày rất khó khăn cho doanh nghiệp. Do vậy, thành phố cần có cơ chế riêng cho nhà ở xã hội để khuyến khích đầu tư”, ông Nghĩa nói.

Theo Sở Xây dựng TP.HCM, hiện còn khoảng 476.000 hộ dân (gần 1/4 tổng số hộ gia đình của Thành phố) chưa có nhà hoặc ở chung với người thân. 20.000 hộ cán bộ, công chức chưa sở hữu nhà ở, 300.000 hộ có nhu cầu thuê, 143.000 hộ có nhu cầu mua hoặc thuê nhà ở xã hội, chưa kể hàng chục ngàn hộ khác đang sống tạm bợ ven kênh rạch hoặc các chung cư thuộc diện giải tỏa./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top