Aa

Nhà đầu tư cao nguyên "tìm đường" về Đà Nẵng mua đất

Thứ Năm, 12/04/2018 - 06:01

Bên cạnh sự thay đổi phức tạp và khó kiểm soát hơn, thị trường bất động sản Đà Nẵng bắt đầu xuất hiện nhóm nhà đầu tư mới đến từ cao nguyên đổ về, ngoài những nhà đầu tư truyền thống đến từ Hà Nội, TP.HCM.

Cuối năm 2016, Đà Nằng bắt đầu xuất hiên cơn sốt đất nền khi TP tiến hành “tái khởi động” lại một loạt các dự án như: Dự án làng đại học, Dự án Cảng biển và ga đường sắt Liên Chiểu… khiến cho giá đất nền khu vực phía Nam và Tây Bắc Đà Nẵng trở nên “hot” hơn bao giờ hết.

Số liệu thống kê của Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế Đà Nẵng cho thấy, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng đang diễn ra vô cùng sôi động, là nơi có nguồn cung condotel lớn thứ 2 cả nước sau Nha Trang. Tuy nhiên, ngay tại thời điểm sôi động nhất của thị trường (nửa cuối năm 2017), có tới 35 - 40% giao dịch là đất nền, giao dịch chung cư rất thấp (chỉ chiếm 10%). Các giao dịch đất nền cũng chủ yếu là đầu tư, chứ không phải nhu cầu ở thật, nhà đầu tư phân lớn là đến từ Hà Nội.

Thống kê của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, giao dịch mua bán nhà đất tại Đà Nẵng trong quý I/2018 chủ yếu diễn ra tại các dự án đã chào bán từ trong năm 2017 và trước đó. Trong đó, có nhiều giao dịch được thực hiện mua đi bán lại nhiều lần. Mỗi lần giao dịch mới, giá lại được đẩy thêm lên.

Tổng lượng giao dịch từ các dự án bất động sản tại thị trường Đà Nẵng đạt trên 5.000 sản phẩm chủ yếu từ các dự án như: Khu dự án Hoài Xuân của Sun Group, Dragon view của Đất Xanh, dự án của Kim Long Nam, dự án nhà máy cao su (đường Hồ Xuân Hương) và một số chủ đầu tư khác (Hòa Bình, Alphanam,…) với sản phẩm chủ yếu là đất nền, nhà phố.

Bên cạnh nhóm đầu tư truyền thống đến từ Hà Nội, TP.HCM, các nhà đầu tư từ cao nguyên cũng đổ về Đà Nẵng mua đất.

Bên cạnh nhóm đầu tư truyền thống đến từ Hà Nội, TP.HCM, các nhà đầu tư từ cao nguyên cũng đổ về Đà Nẵng mua đất. Ảnh minh họa.

Trong khi đó, căn hộ để ở có nguồn cung quá ít và không có dự án nào ra hàng trong quý I.

Cũng theo Hội này, giá cả đất nền tại các dự án có mức độ khác nhau rất lớn. Cụ thể, Dự án Hoài Xuân năm 2017 có giá đất nền 7 -  9 triệu đồng/m2, hiện nay đều tăng lên trên 10 triệu đồng/m2. Một số dự án tại Sơn Trà tăng từ 30 triệu đồng/m2 lên khoảng 50 triệu đồng/m2 bình quân. Dự án nhà máy cao su đường Hồ Xuân Hương với khoảng 400 giao dịch có giá bán tăng vọt từ 30 triệu đồng/m2 lên 50 triệu đồng/m2.

Lý giải về sự sốt nóng của đất nền Đà Nẵng, giới chuyên gia bất động sản cho rằng, đất nền nói chung, và tại Đà Nẵng nói riêng được ưa chuộng là một thực tế khá phù hợp với tâm lý chung của người Việt, chính là mong muốn sở hữu một tài sản bất động sản gắn liền đất. Trong khi đó, so với mặt bằng giá đất tại các TP lớn khác, giá đất tại Đà Nẵng thấp hơn. Đây chính là nguyên nhân giúp cho phân khúc đất nền của Đà Nẵng trở nên “hot” trong thời gian gần đây và dự báo sẽ tiếp tục duy trì trong năm 2018 này.

Cùng chung nhận định, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, thị trường bất động sản Đà Nẵng đang có sự thay đổi phức tạp và khó kiểm soát hơn. Đặc biệt, phân khúc đất nền đang đi vào giai đoạn khan hiếm, quỹ đất tại trung tâm thành phố ngày càng ít đi, trong khi dân số tăng nhanh khiến cho nhu cầu về đất ở cũng tăng theo. Do đó, việc mở rộng quy hoạch đô thị ra các khu vực ven thành phố là điều tất yếu.

Song, điểm nhấn của thị trường đất nền Đà Nẵng trong 3 tháng đầu năm 2018, đó là không chỉ thu hút được khách ở tại địa phương, cũng như nhóm khách truyền thống đến từ Hà Nội, TP.HCM, phân khúc này còn "lôi kéo" được sự quan tâm của một nhóm nhà đầu tư mới đến từ cao nguyên.

“Khách hàng có nhu cầu mua nhà, đất tại Đà Nẵng tăng trưởng mạnh. Các nhà đầu tư truyền thống đến từ Hà Nội, TP.HCM cũng tăng thêm cả về số lượng cũng như quy mô đầu tư. Đặc biệt là có thêm số lượng các nhà đầu tư mới quan tâm đến thị trường bất động sản Đà Nẵng. Số này đến từ các vùng cao nguyên như Gia Lai, Kontum, Buôn Mê Thuột… kéo về Đà Nẵng mua đất, mua nhà, tạo ra nguồn cầu lớn, trong khi nguồn phát triển dự án mới tại Đà Nẵng đang có dấu hiệu chững lại. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến giá đất tại Đà Nẵng tăng mạnh trong quý I/2018”, ông Đính nhấn mạnh.

Tuy nhiên, cũng theo lãnh đạo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, Đà Nẵng hiện đang có hiện tượng khá nhiều dự án gần như bị dừng lại, do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc phải xử lý tồn tại của giai đoạn trước về đất đai, quy hoạch, sổ đỏ... dẫn đến nhiều dự án bị trì hoãn, chưa được triển khai. Cùng với đó, quỹ đất thành phố khan hiếm dẫn đến không có hàng mới, các dự án cũ đều mua đi bán lại, có dự án mua đi bán lại dến F4, F5, mỗi lần đẩy qua 1F thì lên 1 mức giá mới khiến cho giá đất Đà Nẵng tăng rất mạnh.

“Việc mua đi bán lại là hệ quả của quá trình phát triển dự án chậm trễ, dẫn đến khan hiếm nguồn cung. Để giải quyết triệt để thì vấn đề lớn nhất, đó là cơ quan quản lý Nhà nước cần tích cực đưa ra chính sách quản lý và cơ chế để thúc đẩy, động viên các nhà đầu tư phát triển các khu đô thị, nhà ở, tăng nguồn cung, đáp ứng nhu cầu mua nhà, đầu tư của thị trường”, ông Đính cho biết.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top