Aa

Nhà đầu tư lao đao bán tháo, cơ hội của người đi “săn” nhà phố giá rẻ

Thứ Ba, 07/04/2020 - 06:25

Nhà phố từng là loại bất động sản có giá trị cao, thanh khoản tốt luôn được săn đón, được ví như “con gà đẻ trứng vàng” nhưng giờ lại đang khiến nhiều nhà đầu tư lao đao vì tác động bởi dịch Covid-19.

Đây là loại hình bất động sản rất được giới đầu tư ưa chuộng từ năm 2015 đến nay bởi tính thanh khoản và đem lại dòng tiền từ cho thuê rất cao, cộng với đó là giá trị luôn gia tăng trong quá trình phát triển đô thị.

Vì thế, sản phẩm bất động sản đầu tư này luôn nằm trong danh mục ưu tiên của giới đầu tư địa ốc. Không ít nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính để đầu tư vào nhà phố với các mục đích kinh doanh khác nhau. Họ có thể dùng để cho các đối tượng khách thuê làm kinh doanh nhà hàng, quán café, spa, văn phòng, căn hộ dịch vụ… đem lại dòng tiền rất tốt.

Một nhà đầu tư nhà phố (shophouse) tại một khu đô thị mới tại Hà Nội tính toán: Với một căn shophouse có cả 2 chức năng vừa để ở và kinh doanh thương mại tốt nên nhà đầu tư này đã "xuống tiền" mua, bởi theo tính toán thì mỗi năm căn shophouse đem lại lợi tức từ khai thác cho thuê khoảng 8 - 12%/năm tùy từng căn. Con số này rõ ràng là an toàn và cao hơn khi đem tiền tiền gửi ngân hàng hoặc chứng khoán, lại có thể gia tăng giá trị tài sản trong tương lai.

Nhưng nay, với dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng mạnh đến mọi mặt đời sống kinh tế xã hội, nhiều nhà phố phải đóng cửa để giãn cách xã hội chống dịch. Nguồn thu không có khiến nhà đầu tư này như "ngồi trên đống lửa", khốn đốn bởi dịch bệnh.

Chắc chắn với tình hình hiện nay, không chỉ có nhà đầu tư này mà không ít nhà đầu tư shophouse khác cũng đang chịu cảnh lao đao bởi đại dịch, không có nguồn thu, dòng tiền đầu tư lỗ nặng.

Trong thời buổi hiện nay, chúng ta không khó khi bắt gặp nhan nhản thông tin rao bán nhà phố với các thông điệp như "cắt lỗ", "bán gấp"… xuất hiện trên các trang mạng bất động sản, mà phổ biến là ở các trung tâm thành phố lớn. Đơn cử như "bán gấp căn góc 2 mặt tiền tại Trần Hưng Đạo, quận 5, hiện đang Hợp đồng thuê The Coffee House giá 55 tỷ", "cần bán ra nhanh 2 căn mặt tiền Mai Thị Lựu, quận 1, đang cho thuê 30 triệu đồng/tháng… giá 27 tỷ", hay "bán nhà mặt tiền đường phường Bến Thành, quận 1 giá 86 tỷ, giá này quá bèo nhèo cho mùa dịch Covid-19…; "bán nhà 2 mặt tiền hẻm Bùi Viện, quận 1, giá 8,7 tỷ, hiện nợ bank 5 tỷ, đang hợp tác cho thuê 60 triệu đồng/tháng, tạm ngưng hết tháng 4/2020 vì dịch Covid-19"…Hay tại Hà Nội như "bán cắt lỗ nhà phố thương mại đường Lê Trọng Tấn giá 60 triệu đồng/m2"…

Khảo sát của Batdongsan.com.vn cho thấy rất nhiều nhà phố thương mại, đặc biệt là các nhà phố thương mại cho thuê các ngành hàng ăn uống, mở văn phòng dịch vụ vé máy bay, tour du lịch… tại nhiều dự án đã đóng cửa. Người thuê đều tính việc trả mặt bằng hoặc đàm phán với chủ nhà để giảm giá thuê.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Xuân Cần, Chủ tịch Sohovietnam phân tích, trước đây nhà phố (shophouse) là loại tài sản có tính thanh khoản rất cao, gia chủ thường đem loại tài sản này thế chấp ngân hàng để vay tiền làm ăn kinh doanh và các ngân hàng cũng thích nhận tài sản thế chấp này bởi tính thanh khoản của nó.

Với những trường hợp đang thế chấp ở ngân hàng, loại tài sản này lại đang đem lại rủi ro lớn ở thời điểm hiện tại. Bởi việc kinh doanh bị đóng cửa, người thuê nhà phố không có doanh thu hoặc chủ nhà cho thuê cũng không có nguồn thu, dòng tiền. Khi tiền thuê không có thì đến thời điểm nào đó, không chịu được áp lực trả nợ ngân hàng chủ nhà buộc phải đem ra bán gấp với giá thấp, thậm chí bán cắt lỗ.

Còn với các trường hợp có dòng tiền nhàn rỗi, tiết kiệm họ mua nhà phố coi đó như một tài sản để dành thì ít phải đem ra bán cắt lỗ, bán giảm giá. Họ thường mua loại tài sản này làm trụ sở công ty gia đình hoặc các cửa hàng, showroom của gia đình… nên có thể chịu được khủng hoảng trong thời gian ngắn.

"Khó khăn của người này lại là cơ hội của người khác, vì thế, trong bối cảnh hiện nay, xu hướng bán tháo nhà phố là có đối với những đối tượng cần tiền, và đây cũng chính là cơ hội của những người có tiền nhàn rỗi, họ xác định đầu tư lâu dài, nhiều khả năng sẽ rút tiền gửi tiết kiệm để đi "săn" nhà phố giá rẻ", ông Cần nói.

Với những nhà đầu tư lạc quan hơn, họ cho rằng đại dịch chỉ là một khó khăn nhất thời. Dù với những shophouse đang gặp khó khăn trong việc cho thuê, nhưng về dài hạn loại bất động sản này vẫn là kênh đầu tư được săn đón, nhà đầu tư nên kiên trì đợi sự tăng trưởng nguồn cầu theo thời gian và giá trị căn shophouse còn nằm ở sự tăng giá của đất theo thời gian.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top