PV: Ông đánh giá như thế nào về những cơ hội và thách thức mà Hiệp định CPTPP mở ra đối với Việt Nam trong việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài?
Ông Bùi Quý Thuấn: Trong các cam kết về đầu tư tại Hiệp định CPTPP, cụ thể trong Chương 9: Đầu tư quy định khá toàn diện những nội dung có liên quan đến các hình thức đầu tư bao gồm doanh nghiệp, cổ phần, cổ phiếu, đầu tư theo hình thức chìa khóa trao tay, nhượng quyền, quyền sở hữu trí tuệ… Trong đó có nguyên tắc tối huệ quốc, đối xử quốc gia, đối xử công bằng, quyền của nhà đầu tư, của nước tiếp nhận đầu tư, giải quyết tranh chấp giữa các nhà đầu tư. Tuy nhiên, Hiệp định CPTPP tạm hoãn các nội dung liên quan tới cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và nhà nước (ISDS) đối với thỏa thuận đầu tư và chấp thuận đầu tư.
Hiệp định CPTPP đã mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam thu hút các đối tác lớn của Hiệp định như Nhật Bản, Canada, Mexico, Autralia. Ngoài ra, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, Việt Nam cũng sẽ là nước có cơ hội thu hút các quỹ đầu tư lớn, tập đoàn xuyên quốc gia từ các nước phát triển đầu tư và đồng thời tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn này.
Về thách thức, việc tham gia CPTPP cũng đặt ra những vấn đề cho Việt Nam trong việc thực thi các cam kết liên quan đến bảo đảm và đối xử công bằng đối với các nhà/khoản đầu tư từ các nước thành viên. Việc đánh giá mức độ tương thích giữa hệ thống pháp luật Việt Nam với các cam kết trong CPTPP là rất cần thiết. Điều đó tạo những điều kiện thuận lợi hơn cho Việt Nam trong việc thực thi các nghĩa vụ của thành viên. Hiệp định CPTPP cũng như các hiệp định FTA thế hệ mới đòi hỏi về tính minh bạch, công khai và dễ dự đoán của các chính sách quy định liên quan đến hoạt động đầu tư – kinh doanh, hơn nữa đảm bảo về quyền sở hữu trí tuệ, thực thi hợp đồng của các nhà đầu tư.
Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng phải thực thi các quyền và nghĩa vụ liên quan tới người lao động như tiền lương, môi trường làm viêc và thành lập các công đoàn độc lập tại các doanh nghiệp. Do vậy, Việt Nam cần phải xây dựng các chính sách liên quan tới đầu tư nhằm đảm bảo phù hợp với các cam kết của CPTPP trong thời gian tới.
PV: Phát biểu trong một hội thảo, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập VCCI cho rằng: "Dường như chúng ta đã nói quá nhiều về việc hiệp định CPTPP tạo môi trường đầu tư tốt hơn, nhưng lại quên đi bản chất các cam kết trong CPTPP là bảo vệ cho nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam”. Thưa ông, theo Hiệp định CPTPP thì nhà đầu tư nước ngoài đang được bảo hộ như thế nào?
Ông Bùi Quý Thuấn: Một trong các điểm nhấn của hiệp định CPTPP cũng như các hiệp định FTA thế hệ mới đó là các thành viên tham gia cam kết đảm bảo công bằng và quyền hợp pháp của các khoản đầu tư của các nhà đầu tư. Các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư tại Việt Nam được bảo hộ theo các nguyên tắc đối xử quốc gia (NT), đối xử tối huệ quốc (MFN) và các nguyên tắc của công pháp quốc tế như nguyên tắc đối xử bình đẳng, công bằng và các biện pháp bảo vệ, đảm bảo an ninh toàn diện. Tất cả các nguyên tắc này cũng phù hợp với hiến pháp và các chính sách liên quan về đầu tư – kinh doanh của Việt Nam như Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp 2014.
PV: “Bản chất các cam kết trong CPTPP là bảo vệ cho nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam”. Điều này có đồng nghĩa với việc sẽ không hồi tố với những dự án đã cấp phép đầu tư có "vấn đề", thưa ông?
Ông Bùi Quý Thuấn: Việt Nam tham gia rất nhiều cam kết trong các hiệp định đầu tư quốc tế và FTA thế hệ mới, việc thực thi các cam kết đó đòi hỏi Việt Nam cần phải điều chỉnh các chính sách và quy định liên quan cho phù hợp. Thực tế, các chính sách về thu hút FDI của Việt Nam trong thời gian vừa qua cũng đảm bảo hợp pháp đối với các khoản đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài theo đúng các cam kết quốc tế và FTA thế hệ mới.
Hiệp định CPTPP cũng là một hiệp định thương mại thế hệ mới nhưng toàn diện hơn, các cam kết và nguyên tắc đảm bảo liên quan đến hoạt động đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài cũng khá tương đồng với các FTA thế hệ mới, quy định của WTO… Do vậy, tất cả các dự án đã cấp phép của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam sẽ không có chế độ hồi tố theo các cam kết của CPTPP, mà Việt Nam cần có những quy định và chính sách ưu đãi tạo điều kiện cho các nhà đầu tư thực hiện các cam kết của CPTPP.
PV: Có ý kiến cho rằng, so với trước thời điểm Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực, nhà đầu tư nước ngoài hoàn toàn an tâm với những quy định mà Hiệp định này đưa ra. Quan điểm của ông về ý kiến này?
Ông Bùi Quý Thuấn: Thực tế, Việt Nam đã tham gia WTO, ASEAN (tham gia hiệp định đầu tư toàn diện ASEAN), các FTA thế hệ mới với các đối tác lớn như Hàn Quốc, liên minh Á – Âu, Nhật Bản, Trung Quốc…đều có các điều khoản liên quan tới đầu tư và hoạt động đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài. Tất cả các điều khoản liên quan tới đầu tư đều tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của WTO như nguyên tắc đối xử quốc gia, tối huệ quốc và các chính sách đảm bảo cho hoạt động đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài cũng phù hợp với các nguyên tắc này.
Tuy nhiên, hiệp định CPTPP mà Việt Nam tham gia yêu cầu cao hơn đối với các nước thành viên đó là yêu cầu liên quan tới sở hữu trí tuệ, điều kiện lao động, công đoàn độc lập, đặc biệt trong minh bạch chính sách và chống tham nhũng trong hoạt động đầu tư. Rõ ràng với những quy định bảo vệ cho nhà đầu tư nước ngoài mà hiệp định CPTPP đưa ra thì nhà đầu tư hoàn toàn an tâm khi rót vốn vào Việt Nam.
PV: Với “đặc quyền” như vậy, ông dự báo như thế nào về lực hút của môi trường kinh doanh tại Việt Nam với nhà đầu tư nước ngoài?
Ông Bùi Quý Thuấn: Với các yêu cầu của hiệp định CPTPP liên quan tới hoạt động đầu tư, trong thời gian tới Việt Nam sẽ nỗ lực cải thiện hơn nữa môi trường cạnh tranh, năng lực cạnh tranh quốc gia, đồng thời bổ sung và điều chỉnh các chính sách liên quan tới đầu tư nước ngoài phù hợp với các cam kết của CPTPP.
Tôi dự báo Việt Nam sẽ có một làn sóng đầu tư của các nhà đầu tư lớn vào Việt Nam, đặc biệt là các tập đoàn xuyên quốc gia, nhà đầu tư có công nghệ cao nhằm tận dụng các lợi ích của CPTPP mang lại.
- Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!