Aa

Nhà nổi - “Cứu cánh” cho vùng lũ lụt và thành phố chật chội?

Thứ Bảy, 03/11/2018 - 23:30

Các kiến trúc sư khắp thế giới đang tìm những phương án xây nhà trên mặt nước, nhằm giải quyết áp lực đô thị do mật độ dân số dày đặc và biến đổi khí hậu.

Nhà nổi Chichester do Baca Architects thiết kế

Nhà nổi Chichester do Baca Architects thiết kế

Đây là mẫu nhà bằng gỗ với không gian mở và cửa sổ lớn nhìn ra kênh Chichester. Tòa nhà này được các kiến ​​trúc sư của công ty kiến trúc Baca, trụ sở tại London (Anh) thiết kế.

Ngôi nhà đã được Baca và Floating Homes, một nhà sản xuất chuyên về nhà ở chống lũ lụt, phát triển như là một giải pháp cho cuộc khủng hoảng nhà ở đang diễn ra tại Thủ đô nước Anh.

Ngôi nhà được thiết kế để có thể ứng dụng vào thực tế, được trang bị để đối phó với lũ lụt bằng tính năng tự nổi lên theo mực nước. Ngoài ra, nhà sản xuất cũng muốn tận dụng những tuyến đường thủy không còn được sử dụng bằng cách xây mẫu nhà nổi này trên các vị trí “không gian xanh” - các bến cảng nhân tạo, kênh đào và bến du thuyền khắp London.

Theo ông Richard Coutts, giám đốc Baca Architects, không gian xanh có khả năng cung cấp tới 7.500 ngôi nhà nổi.

Với thực trạng mật độ dân số đô thị ngày càng tăng, bên cạnh đó là tình trạng lũ lụt thường xuyên diễn ra ở nhiều khu vực trên thế giới, ngôi nhà nổi này là mục tiêu của các kiến trúc sư nhằm giải quyết 2 vấn đề trên. Theo một báo cáo của Ngân hàng Thế giới, thiệt hại toàn cầu ở các thành phố bị ngập lụt có thể lên đến 1.000 tỷ USD mỗi năm vào năm 2050 nếu không có hành động thực tế.

Tuy nhiên, giá cả của một ngôi nhà như thế này cũng không phải rẻ, khoảng 200.000 bảng (tương đương khoảng 6 tỷ đồng) cho một đơn nguyên 2 giường.

Một khu vực sinh hoạt của “The Chichester”

Một khu vực sinh hoạt của “The Chichester”

Theo kiến trúc sư Alex De Rijke thuộc hãng kiến ​​trúc dRMM của Anh, người đã giành giải thưởng nhờ thiết kế làng nổi Docklands, kiến trúc nổi có tiềm năng thực sự giúp giảm bớt một số vấn đề về nhà ở tại London cũng như những đô thị khác. “Kiến trúc chỉ có thể đáp ứng với dân số đông bằng cách giải quyết các câu hỏi về mật độ, kinh tế và tốc độ xây dựng. Không gian mặt nước rộng trong khu vực đô thị có thể mang lại câu trả lời cho những câu hỏi này”.

Hình ảnh nhìn từ trên cao dự án Docklands của dRMM

Hình ảnh nhìn từ trên cao dự án Docklands của dRMM

Kiến trúc nổi thực ra không phải là điều mới mẻ. Các làng nổi truyền thống khá phổ biến ở vùng đồng bằng châu thổ và dọc theo sông Mekong ở Đông Nam Á. Nhưng việc tích hợp các thiết kế lâu đời vào một thành phố hiện đại là một vấn đề khác hoàn toàn.

Một số thành phố đang tiến xa hơn trong lĩnh vực này. IJBurg là một tập hợp các ngôi nhà nổi được xây dựng tại 6 hòn đảo nhân tạo trên hồ IJ ở Amsterdam (Hà Lan), do Marlies Rohmer thiết kế. Kiến trúc này được hình thành để đối phó với vấn đề thiếu hụt nhà cửa nghiêm trọng của thành phố cũng như nguy cơ dễ bị lũ lụt khi mà hơn một nửa đất đai của Hà Lan nằm dưới mực nước biển.

Nhà cửa tại đây là sự kết hợp giữa các căn hộ ven biển đắt tiền với nhà ở xã hội. Khoảng 30% trong tổng số 18.000 ngôi nhà của cộng đồng được phân bổ cho những người có thu nhập thấp. Khi hoàn thành, nơi đây sẽ cung cấp chỗ ở cho khoảng 45.000 cư dân.

Tại Copenhagen (Đan Mạch), công ty kiến ​​trúc Urban Rigger đã công bố khu nhà sinh viên nổi được chế tạo từ các container. Mỗi khu có 12 căn hộ, dùng chung một không gian gồm bếp, kệ xe đạp và bến thuyền kayak. Điện năng cho khu nhà một phần sử dụng năng lượng mặt trời.

Kim Loudrup - người sáng lập Urban Rigger – cho biết, các sinh viên đầu tiên sẽ sớm chuyển đến đây và sẽ phải trả tiền thuê nhà khoảng 500 đến 600 bảng/tháng (tương đương khoảng 10-12 triệu đồng/tháng). Trong thập kỷ tới, công ty có kế hoạch xây dựng 1.000 - 1.500 nhà nổi container trên các bến cảng, kênh và sông hồ khắp châu Âu.

Khu nhà ở nổi Urban Rigger

Khu nhà ở nổi Urban Rigger

Loudrop cho rằng, nhà nổi là một phương pháp nhằm góp phần giải quyết cuộc khủng hoảng nhà trong thành phố. Theo ông này, phương án này tiện lợi ở chỗ, giúp người ta có thể “di chuyển” ngôi nhà tới địa điểm khác một cách dễ dàng.

Tuy nhiên, việc xây dựng trên mặt nước thực tế không hề đơn giản. Việc sập trường nổi Makoko ở Lagos (Nigeria) gần đây là một trong những ví dụ nổi tiếng trong kiến ​​trúc nổi, cho thấy một số vấn đề phức tạp.

Cấu trúc đầm phá từng đoạt giải thưởng của kiến ​​trúc sư người Nigeria Kunlé Adeyemi thuộc hãng NLÉ Hà Lan được xây dựng để cung cấp một trường học và trung tâm cộng đồng cho một khu ổ chuột nổi trong thành phố, nhưng rất đáng tiếc nó đã bị sụp đổ vào tháng 6/2016 sau một trận mưa lũ lớn.

Trường học Makoko trước (ảnh phải) và sau khi bị sụp đổ

Trường học Makoko trước (ảnh phải) và sau khi bị sụp đổ

KTS. Adeyemi cho biết, tòa nhà hiện đã ngừng hoạt động trong nhiều tháng và giờ chỉ được dùng để trưng bày.

Bên cạnh những yếu tố tích cực, nhà nổi cũng tạo ra những lo ngại về vấn đề môi trường. Phillip Mills, một chuyên gia về xây dựng trên mặt nước, cho biết: “Những thay đổi trên bề mặt hay cấu trúc sông có thể làm thay đổi lòng sông, tạo ra xói mòn và bồi lắng ở những nơi khác trên sông. Điều tương tự cũng xảy ra xung quanh các cầu tàu”.

Việc xây dựng các kết cấu nổi cũng có thể làm thay đổi nghiêm trọng dòng chảy của một con sông, ví dụ như sông Thames (Anh) và làm gián đoạn giao thông. Đại diện Cơ quan Cảng London chia sẻ: “Cái mà tốt cho chủ sở hữu tài sản hay đơn vị kinh doanh tư nhân lại chưa chắc là phương án tốt nhất cho thành phố. Người dân muốn sông Thames được sử dụng chủ yếu để vận chuyển hoặc giải trí. Bất kỳ cấu trúc nào ở con sông này đều có thể tác động đến dòng chảy của sông và tạo ra những trở ngại cho thuyền bè”.

Tuy nhiên, Lucy Bullivant, phó giáo sư lịch sử và lý thuyết thiết kế đô thị tại Đại học Syracuse (New York, Mỹ), lại cho rằng việc xây nhà nổi đem lại nhiều lợi ích môi trường lớn hơn việc xây dựng trên đất liền. “Thiết kế nổi sẽ tạo ra một điểm neo tốt cho các loài cây giúp thúc đẩy đa dạng sinh học và tạo môi trường sống cho cá và chim”, theo bà Bullivant.

Công trình nổi Noorderhaven ở Hà Lan gần đây đã được các thiết bị bay không người lái giám sát xem việc xây dựng có làm ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái hay không. Theo một nghiên cứu, việc quan sát dưới nước cho thấy một môi trường sinh động và đa dạng trong vùng lân cận của các cấu trúc nổi này. Điều đó cho thấy các kết cấu nổi có thể có tác động tích cực đến môi trường thủy sinh.

Kiến ​​trúc sư Carl Turner ở London, tác giả ngôi nhà Floating House có thể nổi trên mặt nước lũ, cho rằng nhà nổi có thể giúp bảo vệ nhà hoặc đất đai. “Việc tạo các khu bảo vệ chống lũ quy mô lớn rất tốn kém và bản thân nó có thể gây hại cho môi trường. Một khi bị ngập lụt, nhà sẽ bị bỏ lại, không giống như những ngôi nhà nổi có thể nổi lên trên nước lũ”, Turner nói.

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top