Khẳng định phát triển nhà ở cho công nhân lao động là vấn đề bức thiết, nhiều ý kiến cho rằng việc sửa đổi 3 đạo luật về đất đai, nhà ở và bất động sản là “thời cơ vàng” để thống nhất các quan điểm, từ đó giải quyết căn cơ vấn đề “an cư lạc nghiệp” cho hàng triệu lao động tại các khu công nghiệp trên cả nước.
Vì thế, các ban soạn của 3 đạo luật quan trọng trên cần phải tích cực “ngồi với nhau” để đảm bảo nhất quán các quy định, thống nhất các quan điểm, tất cả vì mục tiêu chung là đảm bảo sự phát triển, không để ai bị bỏ lại phía sau.
“Thời cơ vàng” để thống nhất quy định
Trao đổi với PV, PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến, Phó Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản có liên quan chặt chẽ với nhau và tác động rất lớn đến thị trường bất động sản, nhà ở xã hội.
“Vì thế, việc lấy ý kiên nhân dân và sửa đổi các luật trên cùng lúc được kỳ vọng sẽ giải quyết tất cả các lợi ích chung của xã hội, chứ không phải là xây dựng từng đạo luật để làm công cụ quản lý của Nhà nước đối với từng chuyên ngành cũng như tạo cơ sở cho từng ngành dễ quản lý,” ông Tuyến nói.
Tuy vậy, qua nghiên cứu luật, ông Tuyến cho rằng, đến nay giữa 3 dự thảo luật trên vẫn còn những điểm chưa tích hợp, chưa “link” được với nhau. Trong số đó, vấn đề quy hoạch đất đai để xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân lao động trong khu công nghiệp, những người làm công ăn lương còn “rất mờ nhạt”.
Phân tích thêm, ông Tuyến cho hay, trong dự thảo Luật Nhà ở đã có hẳn 01 chương đề cập về nhà ở xã hội, nhưng Luật Đất đai quy định về quy hoạch kế hoạch sử dụng đất còn rất chung chung; không cụ thể quy hoạch đất trong các khu công nghiệp nhưng lại yêu cầu dành một phần đất để xây nhà ở công nhân.
“Theo tôi, trong lần sửa đổi lần này, dự thảo Luật Đất đai cần quy định rõ về quy hoạch để xây dựng các cơ sở hạ tầng, về việc tiếp cận đất đai để xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân trong các khu công nghiệp; không nên đặt vấn đề đấu thầu dự án có sử dụng đất mà nên có quy định tiếp cận đất đai bằng cách Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất”, ông Tuyến nhấn mạnh.
Đặc biệt, dự thảo Luật Đất đai cần quy định rõ chủ thể được giao đất để xây dựng nhà ở xã hội là ai, giao cho chủ đầu tư hay Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
“Tôi cũng đề nghị nếu dự thảo Luật Đất đai chưa đưa ra được nguyên tắc cụ thể thì cũng nên có văn bản hoặc nghị định của Chính phủ quy định riêng về tiếp cận đất đai, sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất liên quan đến xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân trong khu công nghiệp. Đây là vấn đề bức xúc hiện nay, nếu không giải quyết được thì không đảm bảo được sự phát triển bền vững trong khu công nghiệp”, ông Tuyến nói.
Từ trăn trở trên, ông Tuyến cho rằng, Chính phủ cần phát huy vai trò “tổng chỉ huy” để chỉ đạo, yêu cầu các cơ quan soạn thảo của 3 bộ luật trên cần phải thường xuyên “ngồi với nhau” để trao đổi, làm rõ các điểm chưa tích hợp. Đây cũng là “thời điểm vàng” để các bên thống nhất các quy định, qua đó để thống nhất và giải quyết được các vấn đề “nóng” hiện nay.
Công nhân cần được thuê nhà có ưu đãi
Về hình thức tiếp cận nhà ở cho công nhân, PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến, Phó Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật Hà Nội đề xuất, ban soạn thảo dự án Luật Đất đai (sửa đổi) cần xem xét, cân nhắc đến phương án để cho công nhân lao động có thể thuê với giá ưu đãi.
“Còn nếu quy định mua thì với thu nhập của phần lớn công nhân ở các khu công nghiệp, tôi e là họ sẽ chưa đủ sức mua”, ông Tuyến nêu quan điểm.
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhấn mạnh hiện nay, trên cả nước có gần 18 triệu công nhân lao động, tuy nhiên mới chỉ có khoảng 20% trong số này có nhà ở ổn định. Việc công nhân tại các khu công nghiệp chưa có chỗ ở ổn định dẫn đến dịch chuyển lao động rất cao.
“Thực tế hiện nay cho thấy nhiều công nhân phải thuê trọ trong những khu nhà ẩm thấp, tồi tàn. Điều kiện sống không đảm bảo, nhất là trong thời điểm dịch Covid-19 vừa qua, nhiều công nhân lao động phải gửi con về quê nhờ người thân trông giúp, dẫn đến nhiều hệ lụy xã hội tiêu cực”, ông Hiểu trăn trở.
Cũng theo ông Hiểu, thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, nhân dân cả nước nói chung và cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động nói riêng đã tích cực tham gia góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Sau 2 tháng, các cơ quan, tổ chức trực thuộc tổng liên đoàn đã tổ chức hơn 430 hội nghị, hội thảo và nhận được hơn 10.000 lượt ý kiến góp ý của tổ chức, cá nhân.
Điều quan tâm nhất của công nhân lao động là làm thế nào có chính sách đất đai phù hợp, có hành lang pháp lý thuận lợi để họ có cơ hội có được nhà ở.
“Mong muốn của họ là được thuê nhà ở xã hội hợp pháp với giá phù hợp; nhà được mua với giá phù hợp với đặc điểm, nhu cầu của người lao động”, ông Hiểu nói và bày tỏ mong muốn vấn đề nhà ở của công nhân phải được giải quyết căn bản, để đảm bảo quyền sống, quyền làm việc của người lao động.
Trước nhu cầu cấp thiết của việc phát triển nhà ở xã hội cho công nhân lao động, bà Chu Thị Hoa, Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) cho rằng, lần sửa đổi lần này, quy hoạch sử dụng đất khu công nghiệp cần phải có tiêu chí về quỹ đất xây nhà ở xã hội dành cho công nhân.
Nhìn nhận ở góc độ địa phương, bà Nguyễn Thị Hải Yến, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đông Anh (TP. Hà Nội) cho rằng, phát triển nhà ở xã hội là một trong những nội dung quan trọng trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội; góp phần ổn định chính trị, an sinh xã hội, nhất là đối với nhóm yếu thế như công nhân, người có thu nhập thấp.
Vì thế, bà Yến nhấn mạnh đề xuất của Uỷ ban Nhân dân huyện Đông Anh là không bố trí nhà ở xã hội phân tán tại các dự án đấu giá quyền sử dụng đất, nhà ở thương mại. Thay vào đó, quy hoạch sử dụng đất cần bố trí đất nhà ở xã hội tập trung gần khu công nghiệp, cụm công nghiệp - nơi có nhu cầu thực tế cao.
“Cùng với điều chỉnh bổ sung quy định về nhà ở xã hội trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), vấn đề này cũng cần được bổ sung, nghiên cứu tại Luật Nhà ở, để đảm bảo yếu tố đồng bộ, tránh chồng chéo các quy định”, bà Yến nói thêm./.