Aa

Chính phủ có thể hỗ trợ phát triển nhà ở công nhân thông qua cơ chế tạo lập quỹ đất và miễn giảm thuế

Thứ Bảy, 25/03/2023 - 06:05

Theo LS. Nguyễn Tiến Lập, Chính phủ có thể hỗ trợ phát triển nhà ở công nhân thông qua cơ chế tạo lập quỹ đất và miễn giảm thuế cho doanh nghiệp sử dụng lao động cũng như doanh nghiệp bất động sản.

Tại Hội nghị đối thoại với thanh niên năm 2023 về chủ đề “Xây dựng nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao đáp ứng kỷ nguyên 4.0”, ngày 22/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh nhu cầu “an cư lạc nghiệp” và khẳng định thời gian tới, các cơ quan quản lý sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chính sách nhà ở phù hợp với mặt bằng thu nhập của người lao động, nhất là người trẻ.

Bên cạnh việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 27 của Trung ương về chính sách tiền lương, Thủ tướng cho biết, các cơ quan đang nghiên cứu, hoàn thiện chính sách nhà ở, trong đó có nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà cho người thu nhập thấp và các đối tượng chính sách, người có công.

Đặc biệt, cần tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý, có chính sách phù hợp để tạo quỹ đất, có lãi suất phù hợp để hỗ trợ “đầu vào”, tức những doanh nghiệp đầu tư, phát triển, xây dựng nhà ở, và hỗ trợ cả “đầu ra”, là người mua, thuê, thuê mua nhà.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị đối thoại với thanh niên năm 2023. (Ảnh: Nhật Bắc/VGP)

Anh Nguyễn Văn Linh, Đoàn Thanh niên Công ty xây lắp mỏ, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, đại diện thanh niên công nhân chia sẻ hầu hết các công nhân đều đang gặp khó khăn về nhà ở và mong Chính phủ có chính sách hỗ trợ thiết thực. 

“Nhu cầu thuê nhà của thanh niên công nhân rất lớn, nếu có nhà để mua thì phần lớn chúng tôi mong muốn được vay mua nhà trả góp với lãi suất thấp. Kính đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo công tác quy hoạch, triển khai xây dựng nhà ở cho thanh niên công nhân và lao động trẻ tại các địa phương; có chính sách hỗ trợ lãi suất hoặc không lãi suất cho thanh niên trẻ mua nhà”, anh Linh nói.

Đây là mong muốn chính đáng trong bối cảnh giá nhà ở đang xa tầm với của hầu hết lao động thu nhập thấp. Nhưng để hiện thực hóa giấc mơ “an cư lạc nghiệp” của hàng triệu thanh niên công nhân, lao động trẻ trên cả nước, rất cần sự chung tay của nhiều bên, trong đó có Nhà nước, chủ các khu công nghiệp, doanh nghiệp sử dụng lao động và cả các nhà phát triển bất động sản.

Trao đổi với Reatimes, LS. Nguyễn Tiến Lập, Thành viên NHQuang và Cộng sự, Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam cho biết, việc Chính phủ quan tâm, lo lắng vấn đề nhà ở xã hội, nhà ở công nhân là hoàn toàn đúng trong bối cảnh người thu nhập thấp không thể tiếp cận nhà ở, đặc biệt là công nhân ở các khu công nghiệp, khi giá nhà ở xã hội quá cao so với mức bình thường, thậm chí cao hơn các nước trong khu vực.

Do đó, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo để gỡ khó cho vấn đề này. Tuy nhiên, theo ông Lập, gói 120.000 tỷ dành cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đưa ra tại Hội nghị trực tuyến “tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững” ngày 17/2 mới là tuyên bố của Chính phủ và các ngân hàng chứ chưa có kế hoạch hành động.

“Để gọi là chính sách thì phải hoàn chỉnh, xác định được mục tiêu, người hưởng lợi, phương thức thực hiện, người phụ trách triển khai…Chưa kể, việc triển khai gói này thông qua hệ thống ngân hàng hay các quỹ đầu tư phải trải qua nhiều thủ tục và cần các điều kiện về thị trường, pháp lý khác chứ không thể đơn giản và nhanh chóng.

Như vậy, chính sách chính xác phải là những gì mà Chính phủ hoàn toàn có thể làm được, như chính sách đất đai hay thuế. Còn lại những vấn đề khác, quyền quyết định thực chất nằm trong tay thị trường và cũng nên để thị trường quyết định. Tín dụng giá rẻ là kinh doanh tiền tệ, là quyết định của ngân hàng mà Chính phủ không can thiệp được. Nhưng Chính phủ hoàn toàn có thể thông qua chính sách miễn giảm thuế cho doanh nghiệp, để doanh nghiệp quay lại hỗ trợ công nhân tiếp cận chỗ ở, thuê hoặc mua nhà.

Ngoài ra, đối tượng hưởng lợi của nhà ở xã hội khá rộng. Nếu đặt tính cấp bách lên hàng đầu thì phải có chính sách ưu tiên cho từng đối tượng cụ thể mới giải quyết được vấn đề. Theo tôi, trong bối cảnh nguồn lực có hạn, chúng ta nên ưu tiên phát triển nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp”, ông Lập nêu quan điểm.

LS. Nguyễn Tiến Lập, Thành viên NHQuang và Cộng sự, Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (Ảnh: Hội Truyền thông số (IPS))

Vậy ai có trách nhiệm tạo lập nhà ở cho công nhân? LS. Nguyễn Tiến Lập cho rằng, chủ các khu công nghiệp và các doanh nghiệp sử dụng lao động sẽ phải là đơn vị có trách nhiệm đầu tiên trong việc đảm bảo vấn đề nhà ở, qua đó mới thu hút công nhân đến và gắn bó lâu dài.

“Hàng chục năm qua, chúng ta đã có chính sách phát triển khu công nghiệp, cho phép nhà đầu tư tư nhân dễ dàng xin đất xây dựng, hình thành các nhà máy thu hút người lao động đến từ nhiều địa phương khác nhau. Tuy nhiên, nhà máy chỉ tạo ra việc làm chứ không thể giải quyết bài toán nhà ở. Doanh nghiệp cũng chưa tính đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng liên quan như trường học, bệnh viện, chợ dân sinh để đáp ứng nhu cầu sinh sống lâu dài của công nhân.

Nếu chúng ta chỉ tính đến mục tiêu kinh tế mà bỏ qua mục tiêu xã hội và vì con người thì mới chỉ đi bằng một chân. Việc phát triển kinh tế theo đó sẽ rất bấp bênh. Vậy nên, các nhà đầu tư khu công nghiệp mới hiện nay buộc phải có giải pháp để xây dựng các khu nhà ở và công trình phụ trợ xã hội khác”, ông Lập nói.

Đồng thời, muốn đảm bảo nhà ở cho công nhân lâu dài, bền vững, theo ông Lập, chúng ta phải có cơ chế hợp tác đa bên. Trong đó, Nhà nước hỗ trợ về quỹ đất sạch bên cạnh khu công nghiệp, đất giá rẻ hay không thu tiền sử dụng đất.

Phía cơ quan tài chính cần xem xét chính sách ưu đãi thuế nhằm khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đảm bảo phúc lợi cho công nhân. Các ngân hàng có sự tài trợ và các nhà phát triển bất động sản cũng phải thiện chí tham gia đầu tư, xây dựng.

Về lâu dài, nên thành lập một quỹ tài chính chuyên biệt cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân theo chiến lược dài hơi, chứ không chỉ là việc các ngân hàng thương mại tham gia gói 120.000 tỷ đồng như vừa qua.

Ngoài ra, LS. Nguyễn Tiến Lập cho biết, không nên đặt nặng vấn đề sở hữu, bởi sở hữu nhà sẽ đồng nghĩa với sự ràng buộc lao động với cư trú tại một địa điểm, chưa nói là khoản đầu tư lớn phải bỏ ra ban đầu.

"Tôi nghĩ quan trọng là công nhân có thể thuê nhà ở đạt chuẩn bằng tiền trích từ tiền lương và thêm hỗ trợ thuế để công nhân có nguồn chi trả cho những chỗ ở tốt, thoát khỏi những khu tập thể cũ kỹ, xuống cấp. Đây mới là cách thực thi chính sách xã hội thực chất và có tính ổn định", ông Lập nói.

Đề cập đến vai trò của công đoàn trong vấn đề nhà ở công nhân, LS. Lập cho biết, thời gian qua, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng có những trăn trở nhưng cách làm cần phải hiệu quả hơn.

“Vừa qua, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã thành công trong việc xin đất ở các địa phương để xây dựng các khu nhà thiết chế công đoàn, trong đó có trụ sở công đoàn, doanh nghiệp và một số công trình văn hóa phụ trợ khác. Tuy nhiên, dư luận cũng cho rằng, các công trình đó chưa đem lại lợi ích thiết thực cho người lao động, thậm chí còn trở thành hoang hóa, lãng phí.

Tổng Liên đoàn cần xúc tiến các chính sách bài bản, toàn diện, bền vững chứ không chỉ tham gia làm chủ đầu tư, xây dựng một số nhà thiết chế công đoàn như thời gian qua. Tổng Liên đoàn càng không nên làm chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội hay nhà ở cho công nhân. Bởi vì các tổ chức chính trị xã hội có vai trò và chức năng riêng của nó, không thể làm thay công việc của doanh nghiệp và thị trường.

Khi chúng ta có đối tượng, cơ chế cụ thể và chính quyền đứng ra làm chính sách, đi tiên phong thì chắc chắn các bên đều hoan nghênh và tích cực tham gia”, ông Lập chia sẻ.

Tại Hội nghị đối thoại với thanh niên năm 2023, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, Thủ tướng đang chỉ đạo Bộ Xây dựng hoàn thiện dự thảo Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất một triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”. Trong đó, đề xuất một số giải pháp hoàn thiện chính sách, bố trí nguồn vốn, tăng thêm các ưu đãi và phát triển nhà ở cho thuê. Đây là đề án cụ thể, sẽ giao cho các bộ, ngành, địa phương triển khai một cách hiệu quả.

Hiện Thủ tướng cũng giao Ngân hàng Nhà nước triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng để hỗ trợ chủ đầu tư, người mua nhà vay với lãi suất ưu đãi, thấp hơn từ 1,5-2%.

Trước đó, Chính phủ đã triển khai gói hỗ trợ gồm 40.000 tỷ đồng dành cho chủ đầu tư phát triển nhà ở xã hội vay với lãi suất ưu đãi 2%; gói 15.000 tỷ đồng giao ngân hàng Chính sách xã hội nhằm cho các đối tượng được thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội vay, trong đó có thanh niên công nhân trên toàn quốc.

“Đây là những chính sách rất cụ thể và thiết thực để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho người thu nhập thấp ở đô thị cũng như công nhân ở các khu công nghiệp tiếp cận nhà ở xã hội, để họ yên tâm lao động và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội” - Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh nêu.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top