Trả lời cử tri quận Hoàn Kiếm, UBND thành phố Hà Nội cho biết, đã giao UBND quận Hoàn Kiếm tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn xây dựng phương án di dời dân phố cổ trên địa bàn 10 phường: Đồng Xuân, Hàng Buồm, Hàng Đào, Hàng Gai, Cửa Đông, Hàng Mã, Hàng Bạc, Hàng Bồ, Hàng Bông và Lý Thái Tổ. Việc rà soát này sẽ làm cơ sở để xây dựng dự thảo chính sách hỗ trợ, bồi thường với các trường hợp nằm trong diện giải phóng mặt bằng bắt buộc.
Ngoài ra, thành phố Hà Nội cũng giao quận Hoàn Kiếm phối hợp với các bên liên quan lựa chọn nhà đầu tư, hoàn thiện thủ tục để triển khai dự án xây dựng nhà ở giãn dân phố cổ (dự kiến quý IV/2019).
Theo kế hoạch, giai đoạn 2 của dự án nhà ở giãn dân phố cổ sẽ cần quỹ đất để thực hiện xây nhà và chuyển dịch cho khoảng 5.000 hộ dân, việc triển khai dự án giai đoạn 2 sẽ được thực hiện tại các khu đô thị khác do thành phố bố trí quỹ đất.
Phía UBND quận Hoàn Kiếm sẽ ưu tiên di dời các hộ dân đang sinh sống trong các ngôi nhà xuống cấp, sinh sống tại các di tích, trường học, cơ quan - công sở Nhà nước đi trước. Dự kiến vào quý IV/2019 sẽ hoàn thành các phương án triển khai.
Theo ghi nhận của PV, đa số người dân ở khu phố cổ có nguyện vọng được chuyển đến nơi ở mới, trong đó có một số trường hợp đang phải ở trong căn nhà dột nát xuống cấp nhưng không được phép cải tạo sửa chữa do liên quan đến nhà bảo tồn.
Trong khi đó, tại Khu đô thị Việt Hưng (quận Long Biên) mặc dù có khá nhiều tòa nhà thương mại, nhà tái định cư được xây dựng ở đây nhưng khu đô thị dành cho giãn dân phố cổ vẫn chưa được khởi công. Khu vực này đến nay vẫn là bãi đất hoang, cỏ dại mọc um tùm.
Được biết, đề án giãn dân phố cổ được UBND TP. Hà Nội phê duyệt từ năm 1998, với mục tiêu di chuyển trên 6.500 hộ dân, với khoảng 27.000 người, dự kiến đề án giãn dân phố cổ Hà Nội sẽ kết thúc vào năm 2020.
Nhưng đến thời điểm hiện tại công việc này đang gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc, do các hộ dân ra khỏi khu phố cổ bao gồm nhiều trường hợp chính sách khác nhau, nên việc đưa ra các cơ chế còn chưa thống nhất. Bên cạnh đó, dự án xây dựng nhà ở giãn dân chưa có số liệu diện tích, giá bán; chưa có cơ chế quy đổi phù hợp để thông báo tới các hộ dân...
Trước đó, trả lời cử tri về việc chậm trễ trong thực hiện đề án giãn dân phố cổ, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, đề án xây dựng khu giãn dân bị chậm là do nhà đầu tư không có năng lực tài chính, dính đến sai phạm - lừa đảo, đã bị cơ quan pháp luật khởi tố. Ông Chung cũng khẳng định, thời gian qua thành phố chỉ đạo quyết liệt quận Hoàn Kiếm về vấn đề này.