Aa

Nhà ở từ 2 tỷ đồng phải chịu thuế tài sản: Mức đề xuất đã hợp lý?

Thứ Năm, 17/01/2019 - 03:28

Khảo sát của các chuyên gia với hơn 9.000 hộ gia đình trên cả nước, đưa ra kết luận về mức thuế tài sản đối với nhà ở nên là 2 tỷ đồng, liệu con số được đưa ra này đã hợp lý?

Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), Bộ Tài chính, đã tổ chức hội thảo Khả năng áp dụng và tác động của thuế tài sản tại Việt Nam với nhiều nghiên cứu về loại thuế này được công bố. Trong đó, TS Nguyễn Việt Cường, Phó Viện trưởng Viện Chính sách công và quản lý, ĐH Kinh tế quốc dân đại diện nhóm nghiên cứu đã đưa ra những dự báo ảnh hưởng của luật thuế này đối với phúc lợi hộ gia đình.

Nghiên cứu chỉ ra việc đánh thuế tài sản như đề xuất hiện nay của Bộ Tài chính sẽ làm giảm thu nhập khả dụng của các hộ gia đình đi 0,9% dẫn tới chi tiêu thực tế cũng sẽ giảm 0,7%.“Khi phải đóng thuế mà các yếu tố khác không thay đổi, chắc chắn thu nhập khả dụng của hộ gia đình sẽ giảm đi, ít nhất là trong ngắn hạn”, ông Cường khẳng định. Nghiên cứu đưa ra nhiều kịch bản khác nhau với việc áp thuế tài sản gồm 2 mức thuế suất 0,3%; 0,4% và 3 ngưỡng chịu thuế trên 700 triệu đồng, 1 tỷ đồng và 2 tỷ đồng.

nha o tu 2 ty dong phai chiu thue tai san muc de xuat da hop ly
Mức thuế đối với nhà ở từ 2 tỷ đồng ít gây tác động tới thị trường bất động sản và thu nhập người dân?

Kết quả cho thấy, phương án đang được Bộ Tài chính ưu tiên là 0,4% thuế suất với ngưỡng nhà ở trên 700 triệu đồng sẽ gây ảnh hưởng nhiều nhất tới các hộ gia đình.

Cụ thể, nếu áp mức thuế với giá trị nhà trên 700 triệu đồng trở lên, sẽ có khoảng 8% tỷ lệ hộ gia đình phải nộp thuế. Ước tính, cả nước có khoảng 25 triệu hộ gia đình, vì vậy số lượng hộ phải chịu mức thuế suất này rất lớn.Trong khi đó, nếu áp thuế suất 0,3% và ngưỡng chịu thuế là 2 tỷ đồng sẽ có tác động nhỏ nhất.

Với ngưỡng 2 tỷ đồng, thuế suất 0,3%, mức thuế bình quân mỗi hộ phải nộp theo tính toán là 763.000 đồng (chiếm 0,53% thu nhập), mức chi tiêu giảm đi là 525.000 đồng (chiếm 0,22% chi tiêu). Còn nếu thuế suất là 0,4%, mức thuế bình quân phải nộp là 1,019 triệu đồng (0,72%), mức chi tiêu giảm đi 700.000 đồng (0,29%). Trong khi đó, với ngưỡng 700 triệu đồng, thuế suất là 0,4%, mức thuế bình quân mỗi hộ phải nộp lên tới 1,3 triệu đồng (0,89%), mức chi tiêu giảm đi là 851.000 đồng (0,36%).

Lý giải con số 2 tỷ đồng, ông Cường cho biết, do phần lớn các hộ nghèo sẽ được miễn giảm nên loại thuế này gần như không có ảnh hưởng tới người nghèo mà chỉ tập trung vào nhóm dân cư thành thị. Trong khi đó, với 2 tỷ đồng hiện nay cũng chỉ sở hữu một căn hộ thông thường đủ phục vụ các nhu cầu sống tại thành thị, nên ngưỡng 2 tỷ đồng là hợp lý.

Cũng chia sẻ tại hội thảo, PGS TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VERP cũng cho biết, thuế tài sản như dự thảo hiện nay sẽ làm giảm thu nhập và chi tiêu của hộ gia đình nếu ban hành. Tuy nhiên, loại thuế này không ảnh hưởng tới đói nghèo mà chủ yếu làm giảm thu nhập của người giàu. Do đó, chỉ số bất bình đẳng được cải thiện nhưng chủ yếu do người giàu bị giảm thu nhập chứ không do người nghèo giàu nên. "Vì vậy, thuế tài sản không phải là một sắc thuế bền vững nếu chi tiêu công không thúc đẩy phúc lợi và năng suất toàn xã hội", ông Thành nhấn mạnh.

Còn PGS.TS Vũ Sỹ Cường, Học viện Tài chính, công bố nghiên cứu về thực tế việc áp dụng thuế tài sản tại các nước trên thế giới. Ông cho biết, tên gọi “thuế tài sản” mà Bộ Tài chính đưa ra là một cái tên gọi mập mờ và dễ gây tranh cãi.

“Trên thế giới, sử dụng tên gọi cụ thể cho mỗi loại thuế nhắm tới loại tài sản riêng. Chỉ có một vài nước gọi là thuế tài sản cố định, còn lại đều gọi rất rõ ràng như thuế đất đai, thuế nhà ở, thuế của cải ròng…”, ông nói.

Vị tiến sĩ cho biết, việc thiết kế hệ thống thuế phải theo nhiều nguyên tắc như tính dễ thực thi, tính hiệu quả,… Vì vậy, ông cho rằng trước tiên cần xem xét tên gọi của loại thuế này, cần có một tên gọi cụ thể với đối tượng thu thuế cụ thể, không nên gọi “thuế tài sản” chung chung.

Theo nghiên cứu công bố, thuế bất động sản hiện nay đóng góp rất nhiều vào GDP các nước phát triển thuộc nhóm OECD với 2,12%. Trong khi các nước đang phát triển chỉ là 0,6%. Các quốc gia trên thế giới cũng chủ yếu phân bổ thuế bất động sản cho địa phương và xem đây như một nguồn thu của địa phương để phục vụ xây dựng hạ tầng khu vực đó. Như tại Thái Lan, thuế bất động sản chiếm tới 80% thu ngân sách địa phương, hay tại Chile cũng là 36%; 40% tại Ba Lan...

Riêng với ôtô, du thuyền, máy bay riêng... trên 1,5 tỷ đồng, ông Cường cũng cho biết Bộ Tài chính tham vọng đánh thuế là không nên vì rất ít quốc gia đánh thuế vào các tài sản này. "Nếu đánh thuế tài sản với tàu, thuyền, ôtô là phi lý vì đây là những tiêu sản mất giá theo thời gian”, vị tiến sĩ khẳng định.

Ngược lại, một số tài sản có giá trị cao, lại được xem là nằm ngoài vùng thuế tài sản như trong dự thảo của Bộ Tài chính như kim cương, nữ trang liệu có hợp lý?

Còn theo đánh giá của các chuyên gia bất động sản, đối với nhiều căn nhà, chung cư, giá trị nhà ở đó phụ thuộc vào chất lượng căn hộ. Căn hộ sau vài năm xuống cấp, giá giao dịch cũng sẽ khác. Năm nay 2 tỷ đồng, nhưng năm sau xuống cấp, hoặc thị trường suy giảm, nhất là thị trường chung cư, giá trị căn hộ sẽ thay đổi. Vậy đâu là cơ sở để xác định giá trị căn hộ? Việc thu thuế tài sản có thể khiến giá nhà đội lên, người mua nhà khi mua đã phải chịu thuế thì khi bán cũng sẽ tính giá cao lên để bù vào phần chi phí này. Mức 2 tỷ đồng so với thu nhập của phần lớn người dân có thể còn gây tranh cãi, các chuyên gia lập luận…

Anh Hùng

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top