Aa

Nhà ở từng có người chết, quá khứ xấu... có nên mua?

Thứ Hai, 19/11/2018 - 08:15

Những ngôi nhà ở từng có án mạng, người tự tử, chết bệnh, chết tai nạn hoặc chủ cũ làm ăn bết bát, vợ chồng cãi cọ, vô sinh… giá thường rẻ hơn so với thị trường. Câu hỏi đặt ra ở đây là có nên mua nhà kiểu này và chủ mới vào ở có bị "xui xẻo" như chủ cũ giống như những lời đồn thổi không?

Ám ảnh những ngôi nhà từng có người chết, bệnh tật, làm ăn bết bát…

Có người muốn mua ngôi nhà chủ vẫn đang ở, nhưng con trai chết tai nạn giao thông mấy năm trước; Có người đi tìm nhà mãi mới ưng một ngôi nhà ở, tìm hiểu thì biết hai vợ chồng chủ trước làm ăn phát đạt nhưng không có con, chồng sinh nghiện cá độ, rồi ly hôn, bán nhà; Người thì chọn được mảnh đất, nhưng bà chủ có chồng nghiện rượu ngã xuống ao chết trẻ, con trai cũng chết vì nghiện hút... Tất cả những ngôi nhà "có vấn đề" kiểu này làm người đi mua nhà tìm đến xem nhưng lại bỏ không mua, kể cả đã đặt cọc. Được biết, trên mạng người ta còn đồn nhau tránh mua nhà có người chết bệnh, chết tai nạn, hay nhà có vợ chồng cãi cọ, ly hôn, không con… vì khi vào ở sẽ bị “dớp”, kém may mắn như chủ trước.

Hơn nữa, với những ngôi nhà từng có người tự tử, từng xảy ra án mạng hay bị gắn đồn thổi "ngôi nhà ma ám", lại càng khó bán được, khó cho thuê, mặc dù theo lời đồn gia chủ cũng đã mời thầy đến "làm phép" để xua đi đen đủi. Nhiều ngôi nhà kiểu này vẫn bị bỏ hoang.

 Trên thế giới đã có những ngôi nhà dính lời đồn có ma bị bỏ hoang. Ảnh minh họa.

Trên thế giới đã có những ngôi nhà dính lời đồn "có ma" bị bỏ hoang. Ảnh minh họa.

Có một ngôi nhà nằm trong một ngõ rộng của đường Giải Phóng (Hà Nội) có người đột tử. Chủ nhà khuyến khích khách thuê vào ở chưa phải trả tiền, thậm chí không lấy tiền thuê nhà họ cũng chỉ ở ít ngày lại chuyển đi vì không ngủ được vì cảm thấy bất an. Sau có người tỉnh khác đến xem rất ưng, trả giá và đặt cọc 50 triệu đồng. Nhưng mới 2 ngày đã đến xin rút tiền cọc vì không muốn mua nữa. Dĩ nhiên là chủ nhà không trả, nói khéo là chờ bán được nhà sẽ trả.

Được biết ở thôn Nguyên Xá (Từ Liêm, Hà Nội) có phòng trọ có sinh viên tự tử, từ đó không ai thuê, 2 phòng bên cạnh chủ nhà cũng phải giảm giá một nửa mới có người đến ở. Còn có xóm trọ ở Cầu Giấy (Hà Nội) mấy năm trước xôn xao “có ma”, sinh viên sợ hãi chuyển đi hết, giờ như khu nhà hoang. Chủ trọ bức xúc vì ai đó cố tình dựng chuyện để phá việc cho thuê nhà trọ của họ.

Hay như ngôi nhà xảy ra vụ thảm án ở quận Hoàng Mai, Hà Nội, những người thân của chủ nhà đã không bán nhiều năm nay "để chỗ còn thờ tự cho người đã mất", nhưng có lẽ họ biết "né" để ngôi nhà không bị dìm giá. Sau này người anh trai vào ở không sao cả.

Nhiều người có quan niệm duy tâm cho rằng, nhà có người chết oan (tự tử, đột tử, bị tai nạn, bị giết, bị ốm lâu này…) là “hung trạch”, linh hồn không siêu thoát lẩn khuất ở lại trần thế, và tạo nên những câu chuyện không đầu, không cuối gây nỗi sợ, hoang mang cho người sống. Người buôn bán bất động sản thì lợi dụng nỗi sợ hãi mơ hồ đó, còn chủ nhà về mặt tâm lý sợ quá khứ nên tìm cách bán vội và bị "dìm giá”.

 Khi mua nhà người dân cần tìm hiểu kỹ trước khi quyết định. Ảnh minh họa.

Khi mua nhà người dân cần tìm hiểu kỹ trước khi quyết định. Ảnh minh họa.

Tâm lý sợ hãi vô hình và hóa giải như thế nào?

Theo các nhà phong thủy “khí trong ngũ hành bát quái không thuận, nhà vị không chính, những căn nhà đạp phải đường cửu môn có thể được là hung trạch”. Còn theo dân gian, nguyên nhân hình thành hung trạch là:

- Do vị trí đất xây dựng nhà “không sạch”, đó là đất bãi rác, bệnh viện, nhà hỏa táng, nghĩa trang… thì từ trường không sáng, nhiều uế khí, khiến ảnh hưởng đến sức khỏe người sống trong đó, nên gia chủ khó vượng tài.

- Nhà từng xảy ra hung án, mệnh án, hoặc tiền chủ mắc bệnh nặng lâu ngày khiến trường khí ngôi nhà không tốt mà thành “hung trạch”, khiến người khác mua ở thấy bất an, đau đầu....

- Nhà có mộ dưới nền (gọi là ám khí) nguy hiểm hơn vì năng lượng âm tác động không tốt tới sức khỏe con người.

Hóa giải nỗi sợ nhà bị “ma ám”

Ông Hà Thanh (Viện Nghiên cứu ứng dụng Tiềm năng con người) cho rằng, thực tế đất nào, nhà nào chả có người ốm, hay người chết, nhiều nhà có người chết bất thường (tự tử, bệnh lâu ngày…), nhà nào chả có chuyện không may, thị phi, cãi cọ… Người dân cứ mua ở chứ không có vấn đề gì. Về kinh tế thì nhà rẻ, vị trí đẹp sẽ có người mua.

Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các đô thị lớn xưa có nhiều bãi rác, mồ mả giờ đã xây thành nhà ở, chung cư đẹp, gia chủ vẫn thăng tiến, ăn nên làm ra. Ví như Hà Nội trừ khu phố cổ (quận Hoàn Kiếm), và một phần quận Ba Đình hoặc một số nơi được coi là đất thổ cư. Còn nhiều khu khác đều có bãi tha ma, bãi rác. Khu khách sạn Daewoo (trên phố Kim Mã, Hà Nội) xưa kia là bãi rác lớn. Khu Rạp chiếu phim quốc gia, Thanh Nhàn… cũng là bãi rác giờ nhà ở, chung cư, văn phòng... to đẹp. Khu Hoàng Cầu, chùa Liên Phái… xưa là nghĩa địa, sau này nhiều người đào móng xây nhà thấy nhiều xương cốt. Phía trước khu Ciputra, Lăng Hoàng Cao Khải… giờ vẫn còn là nghĩa trang đầy mồ mả...

Những ngôi nhà có người chết đột ngột, bệnh tật, tự tử… với những lời đồn thổi khiến người có tiền tìm hiểu hay e ngại, mặc cảm do tâm lý. Nhà ở thì hết thế hệ nọ tới tầng lớp kia, chẳng nhẽ cứ có người chết, người tai nạn, người ốm… thì bỏ hoang? Trong khi nhu cầu nhà ở đô thị là "tấc đất tấc vàng".

Các nhà phong thủy cho rằng, mọi việc xảy ra với người trong ngôi nhà đó còn phụ thuộc nhiều yếu tố quan trọng khác. Ví như người mệnh yếu vào ở khu đất xấu có trường khí xấu… sẽ càng xấu. Đất bãi tha ma, nghĩa địa âm khí nặng nề, người vào sống lại tương xung với các "yếu tố phong thủy" của ngôi nhà thì sẽ không tốt. Nhưng người bình thường lại không sao. Vì vậy quan trọng là ai sẽ đến ở trong ngôi nhà đó.

Ông Hà Thanh cho rằng, để tránh đen đủi, phiền phức, người dân thiếu kiến thức thường sợ hãi mời thầy sửa chữa, hóa giải để tránh đen đủi, phiền phức. Các thầy bà có nhiều loại, có người về làm lễ to, đặt đá, dán bùa yểm để trấn áp, trục vong, đuổi vong - việc mà nhiều thầy phong thủy chân chính không tán thành, bởi theo quan điểm của họ, chủ nhà là hậu sinh sao lại trấn áp, đuổi các “tiền chủ”? Vì nhà nào, đất nào cũng có các ông bà “tiền chủ”, hãy làm lễ hóa giải để sống chung hòa thuận sẽ tốt hơn, như thế các ông bà "tiền chủ" còn phù hộ cho gia đình làm ăn, sinh sống.

 Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Ngôi nhà là tài sản giá trị lớn, có ảnh hưởng tới những người sống trong đó. Khi mua nhà cần tìm hiểu kỹ về ngôi nhà trước khi quyết định mua. Và ngoài chọn vị trí, môi trường sống, trường học, bệnh viện… thuận tiện, còn chú ý tới phong thủy nhà ở. Nếu không yên tâm về lựa chọn của mình thì tốt nhất nên nhờ thầy phong thủy tư vấn trước, bởi phong thủy là bộ môn có tính toán rất khoa học, có cách hóa giải trường khí bất lợi cho ngôi nhà.

Trước khi xây nhà, hoặc sửa chữa phải động thổ người dân cũng nên nhờ thầy phong thủy tới đo đạc, tính toán, chọn ngày giờ phù hợp giúp, để yên tâm hơn. Khi mua nhà cũ cần làm lễ nhập trạch, kính cáo thần linh, tiền chủ (đơn giản nhất là theo Văn khấn Việt Nam do NXB Văn hóa Thông tin phát hành, có bán ở các chùa).

'Hốt bạc' nhờ săn nhà từng có... người chết

Cách đây 8 năm, ông Ng Goon-lau (sống ở Hong Kong, Trung Quốc) mua một căn hộ nhỏ ở đặc khu hành chính với giá 1 triệu đôla Hong Kong (gần 3 tỷ đồng). Căn hộ “ma ám” đã có 1 người tự tử bằng khí CO, 1 nữ cảnh sát treo cổ tự tử… quá khứ xấu nhưng là món hời vì thấp hơn thị trường 30%. Tới năm 2018, căn hộ đã được bán giá 4,4 triệu đôla Hong Kong (13 tỷ đồng, lãi gấp 4 lần).

Ngôi biệt thự "ma ám" 422,77m2, ở TP Nam Kinh, Trung Quốc vừa bán đấu giá tới 30 tỉ. 7 năm trước biệt thự xảy ra án mạng ghê rợn. Năm 2018 lúc khởi động đấu giá bán biệt thự giá khởi điểm hơn 15 tỷ (đặt cọc hơn 1 tỷ). 2 ngày sau chốt giá hơn 30 tỉ.

Dương Hà

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top