Aa

Nhà ở xã hội cho công nhân: Giải quyết vốn là vấn đề “tiên quyết”

Chủ Nhật, 29/07/2018 - 14:01

Hiện nay, việc xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân nói chung và vấn đề về vốn nói riêng, đang được xem như một "bài toán khó".

Sau nhiều năm triển khai, nhà ở xã hội cho công nhân với hàng loạt ưu đãi cho doanh nghiệp tham gia xây dựng, cho người mua nhà, và với hàng loạt các chính sách liên tục được sửa đổi bổ sung những tưởng sẽ giải được bài toán an cư cho những người có thu nhập thấp. Thế nhưng thực tế hiện nay, doanh nghiệp không còn mặn mà, ngay cả đến người dân cũng đang dần thờ ơ với loại hình nhà ở này. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng tại buổi làm việc với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (25/07/2018), hiện cả nước có 172 dự án nhà ở công nhân, số lượng là 127.000 căn hộ, đã hoàn thành được 100 dự án, với 41.000 căn hộ, đã bố trí chỗ ở cho khoảng 33.000 công nhân. Con số này còn thấp khi khoảng 1,2 triệu công nhân đang cần nhà ở và đến 2020 khoảng 3 triệu công nhân cần nhà ở.

Ảnh minh hoạ: internet.

Ảnh minh hoạ: internet.

Mặc dù là một trong những địa phương đi đầu của cả nước về xây dựng nhà ở xã hội, song, cũng từ thực tế triển khai cho thấy, đến nay thị trường nhà ở cho công nhân ở Hà Nội vẫn chỉ phần nào đáp ứng được nhu cầu chỗ ở chứ chưa thể vươn tới mục tiêu giải tỏa nỗi mong ngóng an cư của phần đông công nhân.

Đơn cử là dự án nhà ở xã hội Bright City tại thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức Tại Hà Nội, thời gian qua là một trong những dự án nhà ở xã hội gây lùm xùm. Trong suốt quá trình thi công từ tháng 10/2015 đến 15/12/2016, dự án rất nhiều lần chậm, dừng thi công. Cụ thể, ngày 20/12/2016, chủ đầu tư ra thông báo quyết định dừng thi công tòa A3 với lý do thiếu vốn, đồng thời, yêu cầu các hộ mua nhà tại toà A3 chuyển sang A1.1 và A2 để đảm bảo nguồn lực tiến độ của dự án.

Nguồn cung ít trong khi nhu cầu lớn nên việc người dân thu nhập thấp mua được một căn hộ nhà ở xã hội không hề đơn giản. Ngay cả khi được bổ sung nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất ưu đãi 4,8%/năm, việc sở hữu một căn nhà ở xã hội cũng gặp rào cản lớn do sự hạn chế từ nguồn vốn cũng như những quy định về điều kiện được vay vốn. 

Vốn cạn, lãi thấp đã gây nên một thực tế là tình trạng doanh nghiệp không còn mặn mà và dần thờ ơ với loại hình nhà ở này. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong buổi làm việc với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam mới đây đã cho rằng, về nguồn vốn ngân sách để xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội tại các thiết chế công đoàn đã được Thủ tướng phê duyệt, Thủ tướng cho biết đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Chính phủ một khoản kinh phí dự phòng kế hoạch đầu tư trung hạn 2016 - 2020, để bố trí xây dựng nhà ở cho công nhân. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VOV.vn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Ảnh: VOV

"Các địa phương phải tạo điều kiện đất đai xây dựng nhà ở cho công nhân, coi xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân là vấn đề quan trọng mà các cấp, các ngành cần phải quan tâm giải quyết. Cả nước mới có 172 dự án với 127.000 căn hộ là chưa đủ mà phải tiếp tục bổ sung thêm nhiều dự án hơn nữa trên cơ sở hỗ trợ của Nhà nước và các cấp chính quyền, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam" - Thủ tướng cho biết.

Thủ tướng nêu rõ, phải coi việc xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân là quyết tâm chính trị, đồng thời kêu gọi xã hội hóa mạnh mẽ, thu hút các tổ chức, doanh nghiệp quan tâm đến nhà ở xã hội cho công nhân lao động. 

Hiện nay, các địa phương trên cả nước đang tiếp tục triển khai 207 dự án nhà ở xã hội cho người lao động tại khu vực đô thị và khu công nghiệp; trong đó có 135 dự án cho người thu nhập thấp với khoảng 81.000 căn hộ, 72 dự án nhà ở cho công nhân Khu công nghiệp, với khoảng 88.000 căn hộ.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top