Mới đây, hàng trăm khách hàng mua căn hộ tại dự án nhà ở xã hội 35 Hồ Học Lãm (Q.Bình Tân, TP. HCM) phải "kêu trời" vì thời hạn nhận nhà đã trễ hơn một năm so với cam kết (Quỹ Phát triển Nhà ở TP. HCM làm chủ đầu tư, Công ty Địa ốc Hoàng Quân là đơn vị liên kết triển khai dự án) và tình trạng này sẽ còn tiếp tục kéo dài đến hết năm nay, thay vì tháng 9 này như lời hứa "có điều chỉnh" lần thứ hai từ phía các đơn vị phát triển dự án.
Việc giao nhà trễ hạn thực chất không mới mẻ trên thị trường bất động sản. Nhưng điều đáng nói, những người mua sản phẩm dự án nhà ở xã hội đa phần là cán bộ nhà nước, lực lượng vũ trang, giáo viên... với tích lũy tài chính hạn chế. Điều họ mong muốn khi tiếp cận nhà xã hội là giá cả phù hợp thu nhập và tiếp cận được gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ đồng với lãi suất thấp và ổn định hơn vay mua nhà ở thương mại. Tuy nhiên, việc kéo dài tiến độ bàn giao khiến người mua không chỉ bất an về mặt tinh thần mà còn kéo theo hao hụt tài chính do vừa mất tiền thuê nhà, vừa phải đều đặn trả lãi vay.
Theo chia sẻ của khách hàng mua căn hộ 35 Hồ Học Lãm, hiện công trình thi công được 80% khối lượng, nhưng tình trạng "đói" vốn liệu có đảm bảo cho lời hứa giao nhà trở thành hiện thực vào cuối năm nay?
Bởi theo chia sẻ của nhiều doanh nghiệp bất động sản, vốn cho giai đoạn hoàn thiện dự án thậm chí còn "ngốn" nhiều hơn giai đoạn xây thô. Không ít dự án đã xây xong phần thô nhưng ì ạch nhiều năm trời cũng do vào giai đoạn "nước rút", chủ đầu tư hụt tiền. Như trường hợp căn hộ nhà ở xã hội 35 Hồ Học Lãm, đơn vị liên kết triển khai đang cùng lúc triển khai nhiều dự án nhà ở xã hội trên cả nước (trong đó cũng có dự án khác chậm bàn giao) nên việc bố trí vốn ổn thỏa giữa các dự án là điều không mấy "dễ thở".
Hồi tháng 6 rồi, thông tin tại một hội thảo cung - cầu về nhà ở tại TP. HCM cho biết, nhu cầu về nhà xã hội, hay nói đúng hơn là nhà có giá dưới 1 tỷ đồng/căn tại Thành phố là rất lớn, nhưng cung hạn chế. Sự hạn chế này phần lớn do thiếu quỹ đất sạch và trình tự giải quyết các thủ tục pháp lý để dự án có đủ cơ sở triển khai khá chậm khiến chủ đầu tư nản lòng. Còn nhớ cũng tại hội thảo đó, đại diện Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, Thành phố đang xem xét việc quy hoạch các dự án nhà ở xã hội dọc tuyến Metro số 1, sau đó sẽ đấu thầu rộng rãi để doanh nghiệp có đủ năng lực tham gia đầu tư.
Không ít nhà phát triển nhà ở có thế mạnh ở phân khúc bình dân tại TP. HCM bày tỏ quan điểm, nếu cơ quan quản lý nhà nước chuẩn bị được quỹ đất sạch, có kết nối giao thông thuận tiện, công khai - minh bạch kêu gọi nhà đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi về mặt thủ tục, thì công tác chuẩn bị nguồn vốn, đầu ra cho dự án không phải là chuyện khó, bởi dù sao, các dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất (phần thường chiếm 30 - 40% tổng vốn đầu tư của một dự án) và giá cả đáp ứng được khả năng tài chính của đa số người dân có nhu cầu thật về nhà ở. Còn nếu không "chọn mặt gửi vàng", e người mua dễ rơi vào thế ngậm ngùi biết tỏ cùng ai!
*Tiêu đề bài viết đã được thay đổi