Mướt mồ hồi vay lãi suất thấp
Sau khi gói vay 30 nghìn tỷ kết thúc, nhiều người khấp khởi vui mừng khi ngân hàng chính sách xã hội khẳng định người thu nhập thấp vẫn có cơ hội mua nhà ở giá rẻ, đó là mua nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015 của Chính phủ với lãi suất ưu đãi 4,8%, quyết định có hiệu lực đến hết 31/12/2016.
Tuy nhiên, phải đến cuối tháng 7, Ngân hàng Chính sách xã hội ( VBPS) mới có văn bản hướng dẫn nghiệp vụ cho vay ưu đãi để mua, thuê nhà ở xã hội (NƠXH). Và khi chỉ còn 4 tháng nữa là kết thúc chương trình này, nhiều người mong muốn được vay tiền để mua nhà vẫn tỏ ra lúng túng trước những quy định khó hiểu.
Một trong những quy định khiến người muốn vay tiền băn khoăn nhất là người vay phải thực hiện gửi tiền tiết kiệm hàng tháng tại đây với thời gian gửi tối thiểu 12 tháng kể từ ngày ký hợp đồng tín dụng. Mức gửi hàng tháng tối thiểu bằng mức trả nợ hàng tháng của người vay vốn.
Trong trường hợp khách hàng vay 600 triệu đồng với lãi suất 5%/năm trong 15 năm. Nếu mức trả nợ hàng tháng được ân hạn trong năm đầu thì chỉ trả lãi khoảng 2,5 triệu đồng và mức gửi tiết kiệm là khoảng 2,5 triệu đồng, tổng cộng phải chi khoảng 5 triệu đồng/tháng. Nếu mức trả nợ hàng tháng được tính bao gồm cả trả lãi và nợ gốc thì khoảng 5,8 triệu đồng (trả lãi khoảng 2,5 triệu đồng, trả nợ gốc khoảng 3,3 triệu đồng) nên mức gửi tiết kiệm sẽ lên đến khoảng 5,8 triệu đồng. Như vậy tổng cộng một tháng người vay phải chi khoảng 8,3 triệu đồng. Con số này quả thực quá nặng với người thu nhập thấp.
Chưa hết mệt mỏi với quy định điều kiện vay vốn, người dân lại hoang mang vì chỉ còn 4 tháng nữa là hết thời hạn triển khai chương trình ưu đãi vay mua, thuê nhà ở xã hội với lãi suất 4,8/năm, vậy mà giờ ngân hàng vẫn chưa giải ngân.
Theo đại diện Chính sách Ngân hàng xã hội, kể từ ngày 15/8/2016 thì chương trình cho vay, mua nhà ở xã hội với lãi suất 4,8%/năm chính thức có hiệu lực, nhưng các đối tượng có nhu cầu vay vốn theo diện chương trình này có thể vẫn phải chờ thêm một thời gian nữa do đang chờ nguồn vốn từ Chính phủ.
Như vậy, kể từ khi có quyết định của NHNN đến nay là đã hơn 2 tháng, gói tín dụng hỗ trợ này mới chính thức được triển khai. Đánh giá về quy trình thực hiện chính sách hỗ trợ tín dụng nhà ở xã hội, các chuyên gia cho rằng việc triển khai này quá chậm, tuy đã có chủ trương nhưng không tìm được vốn thì sẽ không chỉ khiến chương trình bị chậm trễ mà còn ảnh hưởng tới tâm lý xã hội.
Nghịch lý người giàu lọt điều kiện mua nhà ở xã hội
Theo quy định hiện nay, hồ sơ đủ điều kiện mua NƠXH phải có hai loại giấy xác nhận đó là xác nhận không có nhà hoặc có nhưng diện tích sử dụng mỗi người trong nhà dưới 8m2 tại địa phương. Thứ hai là giấy xác nhận thu nhập không thuộc các đối tượng phải đóng thuế thu nhập cá nhân (căn cứ vào thu nhập chính). Như vậy, để suôn sẻ qua “cửa”, người mua NƠXH phải tìm đến ít nhất hai nơi là chính quyền địa phương và các doanh nghiệp – nơi đang công tác để xin chứng nhận.
Để đáp ứng được những yêu cầu và thủ tục vay vốn, nhiều người phải mướt mồ hôi chạy ngược xuôi để làm thủ tục xét duyệt.
Anh Long – một người từng trầy trật lo thủ tục mua nhà ở xã hội nhưng bất thành chia sẻ: cả nhà anh mất một tháng trời bỏ công việc để chạy lo các thủ tục cần thiết như giấy xác nhận thu nhập, chứng nhận đối tượng thuộc diện có thể mua nhà, chứng minh chưa có nhà tại địa bàn… Mà nhiêu khê nhất là khâu thủ tục hành chính giữa 2 bên địa phương nơi anh Long cư trú và những yêu cầu của bên xét duyệt mua nhà ở xã hội. Do không thống nhất được thủ tục giấy tờ, sau nhiều lần anh Long đành đầu hàng, bỏ dở giấc mơ mua nhà ở xã hội với chính sách vay ưu đãi.
Trong khi người nghèo gặp khó khăn để có được những chứng nhận này thì ông Lục Minh Kim là bố đẻ của bà Lục Thị Mai Trang - Tổng giám đốc và ông Lục Minh Hoàn - Phó Tổng giám đốc của BIC VN “lọt” vào danh sách các đối tượng đủ tiêu chuẩn được xét duyệt mua nhà ở xã hội đợt 2 tại dự án nhà ở xã hội Rice City (khu đô thị Tây Nam Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội) do Công ty CP BIC Việt Nam làm chủ đầu tư.
Trao đổi với PV VietNamNet về vấn đề này, luật sư Nguyễn Thế Truyền – Giám đốc Cty Luật hợp danh Thiên Thanh – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng: Về vấn đề trục lợi từ dự án này theo quan điểm cá nhân tôi thì hoàn toàn có thể xảy ra. Những câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao một ông bố có hai con là tổng giám đốc và phó tổng giám đốc của một tập đoàn lớn như vậy lại có thể có đủ các điều kiện, tiêu chí chấm điểm do chính phủ và UBND TP quy định để có thể lọt vào một trong những người có đủ điều kiện để mua nhà ở xã hội?
“Đó là một trong số rất nhiều câu hỏi đầy nghi vấn được đặt ra, với những nghi vấn như trên thì không thể tránh khỏi việc có liên quan đến việc trục lợi từ dự án này” – Luật sư Truyền nói.
Cần một chính sách dài hơi
Mới đây, Bộ Xây dựng đề nghị TP. Hà Nội và TPHCM cần đặc biệt quan tâm, có cơ chế hỗ trợ để thúc đẩy phát triển các dự án nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của phần lớn người dân đô thị đối với phân khúc này
Theo Bộ Xây dựng, thị trường bất động sản (BĐS) tiếp tục duy trì mức tăng trưởng ổn định, không có nhiều biến động. Tuy nhiên, hiện nguồn cung nhà ở cao cấp đang nhiều hơn nguồn cung nhà bình dân, trong khi đó đại bộ phận người dân có nhu cầu mua nhà giá trung bình, diện tích trung bình và nhỏ. Do vậy, dự báo từ nay đến cuối năm, thị trường có khả năng dư thừa nguồn cung căn hộ cao cấp, thiếu nguồn cung nhà bình dân.
Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm triển khai để có nguồn vốn thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội theo quy định tại Luật Nhà ở và Nghị định số 100.
Theo khảo sát của Ngân hàng Thế giới (WB) được thực hiện vào cuối năm 2015, tỉ lệ các gia đình Việt Nam có thu nhập dưới 10 triệu đống/ tháng chiếm 40%. Mức thu nhập này khiến việc sở hữu nhà vượt khả năng tự chi trả theo cơ chế thị trường của người dân. Một chính sách tín dụng mang tính dài hạn cho loại hình nhà ở xã hội trở nên bức thiết hơn bao giờ hết.
.
Điều đó không những góp phần đảm bảo chính sách an sinh xã hội mà còn tạo đầu ra ổn định, rõ ràng cho các DN tham gia phát triển nhà ở xã hội.