Khách hàng tìm mua nhà vẫn quen thuộc với những lời giới thiệu như “mảng xanh”, “không gian xanh giữa lòng thành phố”, “gần gũi thiên nhiên”, “công trình xanh”, “sống xanh”, “sinh thái”... Tuy nhiên, nên hiểu những tiêu chí sống này ở các dự án nhà ở như thế nào thì có lẽ nhiều người chưa thực sự hiểu rõ.
Đa số, nhiều người vẫn cho rằng, dự án nhà ở “xanh” là các dự án có mật độ cây xanh, công viên lớn như Ecopark, hay Xanh Villas, nhưng đây cũng chỉ là 1 trong nhiều yếu tố cấu thành tiêu chính “xanh” ở các dự án. Bởi hầu hết các dự án ở ven đô thị có quỹ đất rộng lớn đều có thể đạt được tiêu chí này còn những dự án nội đô khi nhắc đến "xanh" phải soi ở các tiêu chí khác mới công bằng. Theo đó, nhiều nước trên thế giới cũng như Việt Nam đã đưa ra các tiêu chí để đánh giá công trình xanh.
Ví như theo khái niệm của Hội công trình xanh Hoa Kỳ, dự án được cho là “xanh” thường nhắm đến những công trình đạt được hiệu quả cao trong sử dụng năng lượng, và vật liệu, giảm các tác động xấu đến môi trường, thiết kế đảm bảo hài hòa với thiên thiên, hạn chế tác động không tốt của môi trường xây dựng tới sức khỏe con người và thiên nhiên.
Còn tại Singapore, những dự án xanh phải đáp ứng rất nhiều tiêu chí, điển hỉnh là không có hệ thống thông gió, làm mát bằng máy; tất cả các căn hộ đều được thiết kế có gió và ánh sáng tự nhiên; sử dụng hệ thống năng lượng mặt trời; thiết kế tránh ánh nắng mặt trời chiếu vào không gian nội thất; hệ thống tiện ích đầy đủ gắn với môi trường xanh, sạch, đẹp, gần gũi thiên nhiên…
Trong khi đó tại Việt Nam, theo khái niệm về công trình xanh của Hội đồng công trình xanh Việt Nam (VGBC) đưa ra, một dự án “xanh” phải đáp ứng 3 tiêu chí: Một là, sử dụng năng lượng, nước và các nguồn tài nguyên khác hiệu quả. Hai là, bảo vệ sức khỏe người sử dụng và nâng cao năng suất lao động. Ba là, giảm thiểu chất thải, ô nhiễm và hủy hoại môi trường.
Các tiêu chí này nhắm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên và năng lượng sẽ hạn chế tác nhân tác động tiêu cực đến môi trường tự nhiên và giảm thiểu hiệu ứng nhà kính trong việc sử dụng tài nguyên đất đai, nước, năng lượng, vật liệu,... Theo tính toán của các chuyên gia hội đồng Công trình xanh Việt Nam (VGBC), một cao ốc nếu được thiết kế hợp lý thì không chỉ tiết kiệm được 30% điện năng tiêu thụ, 30% - 50% lượng nước sử dụng của tòa nhà mà còn giảm được 35% khí thải CO2 và giảm được 50% - 90% các loại rác thải khác.
Tương tư, theo tổ chức tài chính quốc tế IFC khi đưa ra tiêu chuẩn EDGE để đánh giá tiêu chí sống cho dự án “xanh” đòi hỏi công trình mới phải đạt 20% mức giảm tiêu thụ năng lượng, nước và năng lượng hàm chứa trong vật liệu so với công trình thông thường. Bên cạnh đó, công trình phải sử dụng các thiết bị tiết kiệm năng lượng: dùng đèn LED, dùng pin năng lượng mặt trời… tiết kiệm đến 42%.
Trong khi đó, một số kiến trúc sư, nhà quy hoạch cho rằng, dự án xanh không thể bỏ qua tiêu chí xây dựng phải phù hợp với quy hoạch, chức năng công trình hiện tại và khả năng phát triển trong tương lai.
Đáng chú ý là trong quá trình xây dựng cần có những biện pháp giám sát những ô nhiễm do thi công gây ra và những ảnh hưởng đối với khu vực xung quanh. Đồng thời cần tuân thủ các quy định về quản lý quy hoạch, khu bảo vệ và các khoảng cách li đối với các công trình theo quy chuẩn xây dựng Việt Nam.
Bên cạnh đó, dù là căn hộ xanh, chung cư xanh, nhà đất nền xanh hay bất cứ dự án xanh nào cũng đều phải hướng tới nền kiến trúc tiến bộ gắn với kế thừa các giá trị truyền thống, tạo lập bản sắc kiến trúc Việt Nam. Theo đó, không gian thích hợp và đáp ứng với nhu cầu sống, làm việc của con người trong xã hội phát triển. Cuối cùng, dự án xanh cũng đảm bảo các yếu tố nếp sống, tín ngưỡng,.. đảm bảo hài hòa lợi ích cộng đồng dân cư sở tại, không gây tác động tiêu cực đến cộng đồng.