Aa

Nhà ở xanh sẽ “lên ngôi” với 6 tiêu chí

Thứ Tư, 16/01/2019 - 23:30

Người mua nhà hiện nay không chỉ căn cứ vào lựa chọn vị trí, tiện nghi, tiện ích mà còn chú trọng không gian sống xanh gắn với bảo vệ sức khoẻ. Nắm được xu hướng này, KTS Phạm Đức Nguyên, Ủy viên Hội đồng kiến trúc xanh (Hội KTS Việt Nam) đã đề xuất 6 tiêu chí chung để đánh giá một dự án nhà chung cư cao tầng xanh.

Thực tế cho thấy, trong dài hạn, dự án bất động sản phát triển theo tiêu chí xanh sẽ mang đến nhiều giá trị lợi ích cho cả người mua lẫn chủ đầu tư. Do đó, đây sẽ là xu hướng được các chủ đầu tư hướng tới trong tương lai gần.

Giới chuyên gia cũng nhận định, các căn hộ trong dự án xanh sẽ bán nhanh và giá cao hơn các dự án thông thường từ 4 đến 8%. Trong khi xu hướng chung của thế giới, người mua nhà có thể bỏ ra nhiều tiền hơn để sở hữu căn hộ có không gian xanh.

Cụ thể, 35% người tiêu dùng tại các nước phát triển sẵn sàng chi tiền nhiều hơn cho các sản phẩm thân thiện với môi trường, đặc biệt là nhà ở. Con số này được dự báo còn tiếp tục tăng trong thời gian tới, theo Movainternational.

Thị trường cạnh tranh giúp người mua nhà càng hưởng lợi vì được cung cấp nhiều sản phẩm để lựa chọn. Do vậy, căn hộ không chỉ là chỗ để che nắng che mưa mà còn là chốn an cư với vị trí đẹp, pháp lý minh bạch, không gian xanh mát, tiện ích hiện đại và cộng đồng văn minh. 

Anh Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ, gia đình anh có nhà tại khu vực đông dân cư ở quận Hoàng Mai (Hà Nội), luôn phải đối mặt với chuyện tắc đường, ngập lụt, ít cây xanh. Sắp tới, gia đình anh có ý định chuyển sang khu căn hộ mới có nhiều tiện ích và không gian sống yên tĩnh, nhẹ nhàng, gần sông nước. Anh muốn cả nhà, đặc biệt là các con, tận hưởng cuộc sống mới an nhiên, không khí trong lành.

Anh Tuấn chia sẻ: “Sau một ngày làm việc căng thẳng, ai cũng muốn trở về căn nhà yêu thương, dạo bộ trên những công viên ven sông thanh bình hoặc ngâm mình trong hồ bơi sạch đẹp và thoáng rộng để thư giãn… Nhưng nhiều người người nói với tôi là chọn được căn hộ chuẩn xanh rất khó, thậm chí giá cả còn cao. Tôi đã tìm hiểu thì thấy có rất nhiều những tiêu chí đánh giá về một dự án nhà ở xanh nên chưa biết tiêu chí thế nào là chuẩn”.

Trong khi xu hướng chung của thế giới, người mua nhà có thể bỏ ra nhiều tiền hơn để sở hữu căn hộ có không gian xanh.

Trong khi xu hướng chung của thế giới, người mua nhà có thể bỏ ra nhiều tiền hơn để sở hữu căn hộ có không gian xanh.

Đem thắc mắc này trao đổi với KTS Phạm Đức Nguyên, Ủy viên Hội đồng kiến trúc xanh (Hội KTS Việt Nam), ông cho biết từ năm 2011, Hội KTS Việt Nam đã công bố 5 tiêu chí lớn để đánh giá về công trình kiến trúc xanh, trong đó: 2 tiêu chí về kiến trúc (Kiến trúc tiên tiến, đậm đà bản sắc và tính nhân văn, xã hội bền vững); 3 tiêu chí về Công trình xanh (Bảo tồn hệ sinh thái, bảo vệ, nâng cấp môi trường cảnh quan; sử dụng tài nguyên, năng lượng hiệu quả; bảo đám chất lượng môi trường trong nhà).

Theo đó, ông Nguyên cũng đề xuất 6 “Tiêu chí nhà ở xanh” để đánh giá nhà chung cư cao tầng. Thứ nhất, khu nhà ở và tòa chung cư phải trân trọng, bảo tồn hệ sinh thái đã có, cải tạo, bổ sung hệ sinh thái mới phục vụ hoạt động làm gia tăng sức khỏe và tính cộng đồng, nhân văn. Từ tiêu chí này các KTS nên thiết kế các “đường đi dạo xanh” chạy dọc các tòa nhà.

Thứ hai, mỗi căn hộ ở phải gắn kết được nhiều nhất với thiên nhiên: không khí, gió, ánh sáng, tia nắng… vừa nâng cao vệ sinh, sức khỏe, vừa bảo đảm cuộc sống hàng ngày truyền thống của người vùng nhiệt đới gần biển (phơi phóng, trồng cây cảnh,…);

Thứ ba là thiết kế kiến trúc nhà ở phải lợi dụng tối đa khí hậu tự nhiên, đặc biệt đón gió mát, đón không khí trong lành, tạo được môi trường không khí vi khí hậu, vệ sinh và tiện nghi trong nhà. Đồng thời chống lại những bất lợi của khí hậu địa phương. Đó cũng là truyền thống kiến trúc lâu đời của người Việt.

Cần lưu ý rằng, do lãnh thổ Việt Nam kéo dài 15 vĩ độ và sát biển nên khí hậu có những thuận lợi và bất lợi riêng rất khác nhau: Miền Bắc có địa hình rộng chiều ngang, có gió mát, gió lạnh và có tính hướng rõ rệt (Nam, Đông Nam & Bắc, Đông Bắc); miền Trung hẹp và kéo dài nhận được gió mùa mát, sạch sẽ từ biển (Đông) và chịu gió Tây khô nóng; miền Nam chỉ có gió mát mang tính đa hướng. Ngoài ra còn có các vùng trung du, núi cao, hải đảo với những đặc điểm khí hậu riêng rất khác nhau.

Tiêu chí thứ tư được coi là trọng yếu khi đánh giá các tòa nhà xanh tại nhiều nước trên thế giới. Đó là tòa nhà có Hiệu quả năng lượng (giảm 30 - 50% năng lượng tiêu thụ, với tỷ lệ điểm đánh giá chiếm 40 - 60%). Tiêu chí có liên quan chặt chẽ với việc sử dụng tối đa năng lượng tự nhiên, không bị phụ thuộc vào sử dụng thiết bị nhân tạo (điều hòa không khí, máy sưởi ấm, sấy quần áo, sử dụng các thiết bị “xanh”…).

Ví dụ, căn hộ có các phòng mở cửa sổ ngoài, đón không khí, ánh sáng tự nhiên; căn hộ không có “phòng kín” bắt buộc sử dụng đèn điện và điều hòa không khí suốt ngày; căn hộ có sân, hiên, ban công để người ở có thể “thở/hít” và có tầm nhìn rộng ra bên ngoài, để phơi áo quần, đồ đạc nhất là những ngày nồm ẩm miền Bắc… Đó cũng là thể hiện tính kế thừa văn hóa sống lâu đời của người Việt.

Thứ năm là sử dụng vật liệu truyền thống, vật liệu địa phương, vật liệu “xanh” có hiệu quả nhất. Đặc biệt phải giảm thiểu tiêu thụ nước cấp - một tài nguyên đang cạn kiệt dần, được thế giới rất quan tâm hiện nay.

Cuối cùng là áp dụng các công nghệ mới về sử dụng năng lượng xanh (từ mặt trời, gió, sinh học), thu nước mưa, xử lý nước thải để sử dụng. Tiêu chí này cần được khuyến khích ở nước ta.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top