Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV mới đây, nhiều đại biểu cũng như dư luận quan tâm tới lộ trình xử lý, các biện pháp để không phát sinh các công trình nhà ở "siêu mỏng - siêu méo". Thực tế, quá trình xử lý vẫn không thuận buồm xuôi gió.
Theo Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính, vấn đề công trình, nhà ở "siêu mỏng - siêu méo" không phải là vấn đề mới, vì nó đã tồn tại từ nhiều năm nay. Nhưng những giải pháp để xử lý thực trạng này thì luôn luôn nóng mỗi khi bàn đến, nhất là trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.
Nhiều vướng mắc
Khi bàn trở lại vấn đề này, ông Trần Ngọc Chính cho rằng: “Trước hết, chúng ta phải hiểu rằng bản chất của nhà “siêu mỏng - siêu méo” là do việc làm mới hoặc mở rộng các tuyến đường theo các thiết kế đô thị, từ đó sinh ra những mảnh đất thiếu diện tích, có những góc nhọn không đủ điều kiện để xây dựng các công trình. Nhưng vì giá trị của mảnh đất được nâng cao khi ra mặt đường khiến cho các gia đình quyết tâm bám trụ lại phần đất này, các công trình từ đó được mọc lên”.
Cũng theo ông Trần Ngọc Chính, việc xuất hiện những mảnh đất không đủ điều kiện xây dựng phải nhìn nhận từ khâu quy hoạch. Các nhà quy hoạch mới chỉ tính đến việc lấy đất đủ để làm con đường mới theo đúng các tiêu chuẩn, quy định được phê duyệt, chứ chưa tính đến phần diện tích rất nhỏ còn thừa ngoài chỉ giới đường đỏ.
“Trong khi giá đất tại khu vực mặt đường được đẩy lên cao, Nhà nước chưa bố trí được nguồn vốn để thu hồi. Vì vậy, khi chưa xử lý dứt điểm được những tồn tại cũ lại có thêm nhiều công trình "siêu mỏng - siêu méo" mới phát sinh” - ông Chính cho biết thêm.
Cùng quan điểm, KTS Trần Huy Ánh, Hội KTS Hà Nội cho rằng chúng ta luôn đặt ra khẩu hiệu “công tác quy hoạch phải đi trước một bước” nhưng thực tế công tác quy hoạch chưa đáp ứng được với thực tiễn phát triển.
“Để xảy ra tình trạng này, trước hết là lỗi từ khâu quy hoạch, chưa dự báo được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; Tiếp theo đó là công tác quản lý Nhà nước chưa chặt chẽ. Chính quyền địa phương phải là người nắm rõ nhất hình thù mảnh đất đó ra sao trước khi cấp phép xây dựng, nhưng ở đây có sự mập mở của cơ chế xin - cho, nên mới xảy ra tình trạng này”, ông Ánh nhận định.
Các công trình “siêu mỏng - siêu méo” không chỉ xuất hiện ở riêng Việt Nam, mà thế giới cũng có rất nhiều quốc gia sau khi mở đường đã xuất hiện các công trình như vậy. Nhưng các mảnh đất này đều được sử dụng để phục vụ cho mục đích công cộng và có thể khai thác những dịch vụ tạo ra doanh thu cho chính quyền, như cây ATM, hay bảng quảng cáo... hoặc có thể xây dựng đồng bộ về chiều cao và kiến trúc để tạo ra sự nhất quán về thẩm mỹ trong quá trình sử dụng.
Chuyên gia về quản lý đô thị, thạc sĩ Đinh Quốc Thái
Theo đánh giá, việc xử lý các trường hợp nhà “siêu mỏng - siêu méo” ở các đô thị lớn, đặc biệt ở Hà Nội hiện nay rất khó khăn và gặp phải nhiều vướng mắc. Thứ nhất, do quỹ đất đô thị không còn nhiều, việc bố trí cư dân sang khu vực mới rất khó khả thi. Thứ hai, những đất méo sau khi ra mặt đường mang lại giá trị thương mại cao, người dân có thể dựa vào đó để sinh sống từ buôn bán, kinh doanh.
Các chuyên gia cho rằng, việc TP. Hà Nội chủ trương hợp thửa để cắt bỏ phần méo của mảnh đất là phương án hợp lý. Nhưng khi giá đất mặt đường tăng cao không phải hộ gia đình nào cũng có điều kiện để mua lại; bên cạnh đó, những mảnh đất phía trong có đủ diện tích để xây dựng nên họ cũng không có nhu cầu mở rộng thêm...
“Chính vì vậy, việc hợp thửa đối với những mảnh đất "siêu mỏng - siêu méo" trong thời gian qua trên địa bàn Hà Nội vẫn rất chậm bởi gặp nhiều khó khăn”, KTS Trần Huy Ánh cho biết thêm.
Nâng cao chất lượng đồ án quy hoạch
Từ cách nhìn thẳng vào sự thật, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho rằng vấn đề chất lượng của các đồ án quy hoạch chưa được tốt, đã dẫn đến những tính toán sai về cấu trúc không gian, tổ chức đô thị và những chỉ tiêu về hạ tầng; Bên cạnh đó là sự buông lỏng quản lý của chính quyền cấp cơ sở trong công tác kiểm tra, giám sát... là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng những công trình "siêu mỏng - siêu méo" xuất hiện tại các đô thị ngày càng nhiều.
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà đã đưa ra một số giải pháp để hạn chế tình trạng này, như: Nâng cao chất lượng quy hoạch và bảo đảm tính khả thi của quy hoạch; Kiểm soát thực hiện dự án đầu tư theo đúng quy hoạch; Thực hiện tuyên truyền công bố, công khai các dự án; Tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong xây dựng...
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, vấn đề nóng nhất hiện nay đó là xử lý như thế nào đối với những công trình đang hiện hữu. Nhiều ý kiến cho rằng, trách nhiệm này thuộc về chính quyền, bởi đã có Luật quy định rõ ràng về việc này, cụ thể: tại Quyết định số 39/2005 về hướng dẫn thi hành Điều 121 của Luật Xây dựng đã quy định rất rõ: Sau quy hoạch nếu diện tích nhỏ hơn 15m2 hoặc chiều sâu so với chỉ giới xây dựng nhỏ hơn 3m thì không được xây dựng. Như vậy, nếu chúng ta quản lý tốt thì chắc chắn sẽ không có nhà siêu mỏng kể từ khi Quyết định số 39/2005 có hiệu lực thi hành. Nguyên nhân chính vẫn là do buông lỏng hoặc thiếu trách nhiệm của người có thẩm quyền trong quản lý đô thị.
Để giải quyết tình trạng nhà "siêu mỏng - siêu méo" đang hiện hữu, UBND TP. Hà Nội đã ban hành văn bản về việc bắt buộc hợp thửa - hợp khối đối với những công trình nhà ở “siêu mỏng - siêu méo”, trong thời gian 30 ngày kể từ khi nhận được văn bản thông báo, nếu gia đình nào không chấp hành thì TP sẽ thu lại mảnh đất và đền bù theo khung giá Nhà nước để phục vụ cho mục đích công cộng.
Thạc sĩ Đinh Quốc Thái - chuyên gia về quản lý đô thị cho biết, nếu như TP bố trí được vốn ngân sách để thu hồi phần diện tích đất "siêu mỏng - siêu méo" là rất tốt, nhưng thực tế nguồn vốn đầu tư công hiện nay cũng đang gặp nhiều khó khăn, bởi không chỉ bố trí riêng phần vốn đền bù, mà cần phải có nguồn tài chính để bố trí tái định cư.
“TP phải có chính sách an sinh xã hội, như bố trí nơi ở, hướng dẫn học nghề, hướng nghiệp... mới có thể động viên, khuyến khích người dân di dời đến những khu vực sống mới, nếu không sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn, giải quyết được chỗ này lại chuyển áp lực lên chỗ khác”, ông Thái nói.
"Cơ quan quản lý Nhà nước vẫn là đầu mối căn cơ để giải quyết vấn đề này, không phủ nhận sự thiếu chất lượng của nhiều đồ án quy hoạch, nhưng khi đồ án quy hoạch đi vào thực tế cần cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương giám sát chặt chẽ. Có như vậy mới khắc phục được những cái lỗi trong quy hoạch nói chung mà tình trạng nhà “siêu mỏng - siêu méo” là một trong những cái lỗi trong quá trình này" - Chuyên gia về quy hoạch đô thị, thạc sĩ Trần Tuấn Anh. |