TP Nha Trang đứng đầu về xây dựng không phép
Theo báo cáo tổng kết công tác quản lý trật tự xây dựng năm 2020, Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa cho biết, tình hình vi phạm hành chính về hoạt động xây dựng tại các địa phương như TP Nha Trang, Cam Ranh vẫn xảy ra nhiều, như xây dựng không phép, sai phép, không đúng quy hoạch sử dụng đất. Đặc biệt, tại TP Nha Trang, mặc dù vi phạm xây dựng giảm hơn so với năm 2019 do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng số lượng công trình vi phạm vẫn khoảng 738 công trình.
Cụ thể, trong năm 2020, qua kết quả kiểm tra 4.224 công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã phát hiện 950 công trình sai quy định (giảm 82 công trình so với năm 2019). Trong đó, TP Nha Trang vẫn là địa phương có nhiều công trình xây dựng vi phạm nhất với 714 công trình xây dựng không phép và 82 công trình xây dựng sai giấy phép.
Tuy nhiên, chính quyền TP Nha Trang chỉ ban hành 636 quyết định xử lý vi phạm hành chính xử lý chủ đầu tư, còn 156 trường hợp các địa phương lập biên bản không xác định chủ đầu tư. Phòng Quản lý đô thị đã chuyển hồ sơ về địa phương để xác minh làm rõ đối tượng vi phạm. Tính đến nay, tại TP Nha Trang vẫn còn 519 trường hợp vi phạm trật xây dựng chưa bị tháo dỡ.
Đứng sau TP Nha Trang là TP Cam Ranh với 137 trường hợp vi phạm. Còn tại thị xã Ninh Hòa, tình trạng xây dựng không phép, trái phép vẫn còn xảy ra ở một số nơi. Công tác quy hoạch đô thị trên địa bàn thị xã này vẫn chưa đồng bộ, chỉ mới tập trung quy hoạch vào các khu trung tâm, các tuyến đường trục chính.
Trong khi đó, ở các huyện như Vạn Ninh, Diên Khánh, Cam Lâm, Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, tình hình quản lý trật tự xây dựng vẫn còn xảy ra một số nơi nhưng không đáng kể.
Nhiều chủ đầu tư cố tình vi phạm
Theo Sở Xây dựng Khánh Hòa, nguyên nhân chính của tình trạng vi phạm trật tự xây dựng là do nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của các chủ đầu tư và nhà đầu tư xây dựng chưa cao. Chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng chưa chấp hành nghiêm chỉnh quy định pháp luật về hoạt động quản lý đầu tư xây dựng, cố tình vi phạm, tăng nặng tình tiết dẫn đến phức tạp.
Không những vậy, quy định pháp luật về xử phạt hành chính trong hoạt động xây dựng hiện nay chưa có hiệu quả xử lý đối với những trường hợp chây ì, chống đối, cố tình vi phạm. Quy phạm pháp luật quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng, cũng không có quy định cụ thể về các biện pháp, chế tài xử lý việc không chấp hành thực hiện pháp luật đối với công trình vi phạm trật tự xây dựng, dẫn đến việc chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng vi phạm.
Việc áp dụng Nghị định 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 có một số vướng mắc, như không có quy định cụ thể về các chế tài xử lý việc không chấp hành thực hiện pháp luật, dẫn đến tình hình vi phạm ngày càng gia tăng và phức tạp hơn. Một số quy định chưa cụ thể dẫn đến việc áp dụng Nghị định vướng mắc không thực hiện được.
Trước tình hình này, Sở Xây dựng Khánh Hòa đã đề nghị các địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng, thực hiện cấp phép xây dựng và quản lý trật tự xây dựng, kiên quyết xử lý đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm, thực hiện cưỡng chế đối với chủ đầu tư cố tình vi phạm.
Đáng chú ý, UBND tỉnh Khánh Hòa mới đây đã ban hành văn bản 681/UBND-XDNĐ ngày 25/1/2021 để chỉ đạo chấn chỉnh tình hình nói trên. Trong đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở Xây dựng và UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường hơn nữa trong việc tổ chức, chỉ đạo triển khai thực hiện công tác quản lý trật tự xây dựng theo thẩm quyền và thuộc trách nhiệm quản lý tại địa phương.
UBND tỉnh này cũng lưu ý đối với các hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình sai với giấy phép được cấp, thi công xây dựng công trình không có giấy phép; kiên quyết xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật đối với các hành vi vi phạm trật tự xây dựng.
Sở Xây dựng Khánh Hòa cũng được giao tham mưu kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng để làm cơ sở thực hiện công tác quản lý hoạt động xây dựng và quản lý trật tự xây dựng đảm bảo hiệu quả và hiệu lực.