Aa

Nhận biết những "chiêu lừa" bán đất thời điểm cuối năm để tránh bị sập bẫy cò

Chủ Nhật, 15/12/2019 - 17:47

Thời điểm cuối năm cận kề, thị trường bất động sản xuất hiện nhiều chiêu lừa mua bán đất tinh vi khiến nhà đầu tư nơm nớp lo sập bẫy.

Lừa mua đất ngân hàng thanh lý

Chiêu thức dụ nhà đầu tư mua đất ngân hàng thanh lý được nhiều môi giới đưa ra áp dụng vào mỗi dịp cuối năm. Tận dụng lúc thị trường đang khan hiếm nguồn cung, nhiều môi giới liên tục quảng cáo về những lô đất ngân hàng thanh lý giá siêu rẻ ở các vùng ven TP.HCM.

Cứ càng cận Tết Nguyên đán, tình trạng này diễn ra ngày càng nhiều. Trên các cột điện dọc các tuyến đường lớn, trên các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook… nhan nhãn tờ rơi, bài quảng cáo về bán đất nền do ngân hàng thanh lý.

Liên hệ với một số điện thoại trên một tờ rơi quảng cáo hình thức này, chúng tôi được một nhân viên môi giới quảng cáo rằng đây là cơ hội vàng để mua đất giá siêu rẻ nhưng mức lãi đậm. Giải thích về việc có nhiều lô đất giá hời, nhân viên này cho biết do vào thời điểm cuối năm, các ngân hàng đều chốt sổ nợ với các doanh nghiệp bất động sản nên có nhiều hàng thanh lý.

“Hiếm lắm mới có những lô đất này chị ạ. Năm nay thị trường hiếm hàng, may lắm tụi em mới mua được lô đất để dành chờ bán ra. Bây giờ chị mua thì sang năm em đảm bán ra giá gấp đôi, gấp 3 là bình thường”, người này nói.

Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, theo phân tích của các chuyên gia thì đây chỉ là chiêu thức “treo đầu dê, bán thịt chó” của các môi giới chứ không thể có chuyện đất ngân hàng thanh lý mà được rao bán rầm rộ như trên. Do đó, khách hàng cần thận trọng khi đặt cọc, mua bán với các nhân viên môi giới rao bán dưới hình thức này.

Giao dịch sổ đỏ giả

Tình trạng giao dịch sổ đỏ giả đã xuất hiện ở nhiều địa phương, và bây giờ là tràn vào cả TP.HCM. Theo ghi nhận, thời gian qua đã có không ít phòng công chứng trên địa bàn TP.HCM phát hiện sổ đỏ giả trong giao dịch mua bán bất động sản.

Thời gian gần đây, khi thị trường khan hiếm nguồn cung thì hiện tượng sổ đỏ giả xuất hiện ngày càng nhiều. Anh Phan Văn H., một nhà đầu tư ở quận Tân Phú, TP.HCM cho biết các đối tượng mua bán sổ đỏ giả này rất tinh vi khó nhận biết. Chính anh H. cũng từng gặp phải trường hợp trên khi đi mua đất ở quận 12. Anh H. kể trong một lần đi tìm nguồn hàng đất nền, anh gặp một nhân viên môi giới đang dẫn dụ khách hàng mua một lô đất trên đường Dương Thị Giang.

Người này tự tin khẳng định đó là đất của gia đình kèm sổ đỏ hẳn hoi. Môi giới này cho biết do gia đình có việc gấp đi nước ngoài nên cần bán lô đất trên với giá rẻ. Anh H. đứng quan sát một lúc thì thấy người khách trên định đặt cọc tiền. Nghi ngờ về lô đất rẻ ngay khu vực đắt đỏ ở quận 12, anh H. tiến đến tìm hiểu và nói nhỏ với người khách khoan hãy đặt cọc. Sau đó, anh H. tìm đến UBND phường nhờ kiểm tra thì phát hiện mảnh đất trên đứng tên người khác. Còn người đứng tên trên sổ đỏ mà môi giới cho khách xem lại không liên quan gì đến mảnh đất này.

Bán đất công viên, đất trong khu quy hoạch

Tình trạng bán dự án ma xảy ra phổ biến trên địa bàn TP.HCM trong năm 2019 khiến chính quyền đã nhiều lần phải vào cuộc. Tuy nhiên, theo ghi nhận tình trạng mua bán đất quy hoạch, đất công viên, đất thuộc quyền sở hữu của dân vẫn đang ngầm diễn ra ở khắp các quận vùng ven như Quận 12, huyện Củ Chi, Hóc Môn…

Chiêu thức dễ nhận thấy là đất được quảng cáo giá rẻ hơn nhiều so với thị trường. Tuy nhiên, các đối tượng này không còn vẽ ra những dự án lớn, cũng không quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội, internet như trước đây mà chọn cách gọi điện thoại cho từng khách hàng để quảng cáo.

Chị Trần Thị Hường (ngụ quận 12), một nhà đầu tư khá lâu năm cho biết vào thời điểm cuối năm tình trạng môi giới gọi điện thoại, nhắn tin quấy rối càng xuất hiện nhiều. Chị Hường cho biết trước đây những môi giới làm ăn không đàng hoàng thường sẽ quảng cáo trên mạng xã hội nhưng từ sau khi chính quyền vào cuộc nhiều các môi giới này chọn cách “núp lùm”.

“Chỉ cần có danh sách số điện thoại của nhà đầu tư là họ tấn công liên tục. Một ngày tôi nhận không biết bao nhiêu cuộc gọi của môi giới quảng cáo về đất nền giá rẻ ở vùng ven. Nhưng với kinh nghiệm của tôi thì giờ này thị trường làm gì còn đất giá rẻ như họ quảng cáo nên tôi chặn luôn những số điện thoại này”, chị Hường nói.

Dù vậy, thời gian đã có không ít khách hàng rơi vào bẫy giăng sẵn của những môi giới trên. Chiêu thức của các nhân viên này là không thu tiền đất ngay lập tức mà thường yêu cầu khách đặt cọc trước khoảng 30 - 50 triệu đồng để giữ hàng. Họ dẫn dụ khách bằng những lời hứa hẹn hấp dẫn về mức chênh lệch cao và tung hỏa mù để khách hàng đặt cọc. Sau khi có khoản tiền này, nhân viên một là đổi số điện thoại, hai là dẫn khách đi lòng vòng đến những khu đất xấu để khách nản chí và chấp nhận bỏ cọc.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top