"Chủ trương của TP. Hà Nội là phấn đấu trở thành một thành phố xanh, hiện đại và sáng tạo. Việc được công nhận là một TP sáng tạo trong Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO là một vinh dự lớn, nhưng đó mới chỉ là bước đầu. Câu hỏi lớn hơn là làm thế nào để hiện thực hóa các cam kết và phát huy tốt các giá trị của một TP sáng tạo?...", ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã chia sẻ như vậy trong Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác chiến lược, cam kết hỗ trợ Hà Nội trở thành Thủ đô sáng tạo của UNESCO ngày 23/9 mới đây.
Nỗi trăn trở của lãnh đạo UBND TP. Hà Nội là hoàn toàn có cơ sở khi nhìn vào sự phát triển của Hà Nội trong những năm gần đây, các con số quan trắc cho thấy chỉ số không khí nhiều nơi đạt đến ngưỡng "thành phố ô nhiễm nhất thế giới", bức tranh quy hoạch ngày càng trở nên nham nhở và câu chuyện sử dụng nguồn lực đất đai trở thành bài toán hóc búa.
Trên toàn thế giới, khuyến khích xây dựng thành phố sáng tạo là một chiến lược cơ bản để phát triển kinh tế và tạo ra việc làm mới. Ở Đông Nam Á, tháng 11/2016, Chính phủ Singapore công bố đề án xây dựng Khu đô thị sáng tạo Jurong (Jurong Innovation District) với mục tiêu kết nối các nhà nghiên cứu, sinh viên, các nhà sáng tạo và doanh nghiệp cùng nghiên cứu các sản phẩm - dịch vụ cho tương lai.
Tháng 1/2018, Đại học Chulalongkorn danh giá của Thái Lan cũng công bố dự án Khu đô thị sáng tạo Siam (Siam Innovation District) nằm trong lòng thủ đô Bangkok nhằm tạo một hệ sinh thái đa dạng cho công tác đổi mới sáng tạo, bao gồm cả các sáng kiến phục vụ dân sinh và nông nghiệp.
Dù bằng cách nào đi chăng nữa thì các thành phố sáng tạo này đã khai thác và sử dụng các quỹ đất linh hoạt, có hiệu quả với các không gian sáng tạo muôn hình muôn vẻ.
Với khát vọng và định vị của một Kinh đô sáng tạo, Hà Nội sẽ có lộ trình cụ thể như thế nào? Cần quy hoạch Hà Nội ra sao để khai thác được nguồn lực từ đất đai? Cần thiết kế hệ sinh thái cho hoạt động đổi mới, sáng tạo của Thủ đô như thế nào?
Để hiểu rõ hơn về câu chuyện quỹ đất - điểm tựa xây dựng kinh đô sáng tạo, Cà phê cuối tuần ghi nhận quan điểm của các chuyên gia: GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường; TS. KTS. Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội; TS. Trương Văn Quảng, Phó Tổng Thư ký Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam.
DẤU ẤN DỜI ĐÔ VÀ THÁCH THỨC "BƯỚC RA" SÔNG HỒNG
TS. KTS. Đào Ngọc Nghiêm: Dấu ấn đầu tiên để nhận biết về sáng tạo của Hà Nội là việc chuyển dịch kinh đô Văn Lang ở vùng đồi núi trung du Phú Thọ về vùng đất Cổ Loa ở trung tâm đồng bằng sông Hồng màu mỡ, khai phá vùng đất hoang sơ thành nơi trù phú, dân cư đông đúc. Cấu trúc thành Cổ Loa thuộc loại độc đáo trong xây dựng thành lũy của nước ta.
Qua các nghiên cứu của khảo cổ và đấu tích còn lại 3 vòng thành hiện nay cho thấy đây là minh chứng về sáng tạo, tài năng, trí tuệ của tổ tiên ta thuở trước. Trải qua nhiều biến động đến vua Lý Thái Tổ khi mới chỉ lên ngôi vua được 5 tháng đã quyết định dời đô ra Đại La và đặt tên mới là Thăng Long. Sự sáng suốt của Lý Thái Tổ về vị thế Thăng Long đã tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội mà trước hết thấy rõ là về quy hoạch.
Trải qua hàng nghìn năm lịch sử với các vương triều đã xây dựng ở kinh đô Thăng Long, tuy có biến động nhưng các di tích còn lại như ngày nay đã tạo nên quỹ di sản đô thị phong phú mà ít đô thị trên thế giới có được, trong đó phải kể đến các khu đặc thù, nhất là Khu Trung tâm Hoàng Thành - Thăng Long năm 2010 đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới - Đây là tài sản vô giá của Việt Nam minh chứng cho sự phát triển sáng tạo của kinh đô Thăng Long về quy hoạch - kiến trúc.
Trải qua thời kỳ Pháp thuộc, Thăng Long cũng đã có nhiều biến đổi về diện mạo, cấu trúc đô thị song đã nổi rõ với yếu tố hội nhập, tiếp thu văn hóa phương Tây tạo nên thành phố có bản sắc riêng, từ tổng thể quy hoạch đến một số công trình kiến trúc như: Nhà hát lớn, Bảo tàng Lịch sử, Nhà Bưu điện, các biệt thự… với yếu tố nổi trội là sự kết hợp hiện đại và truyền thống, phù hợp điều kiện khí hậu địa phương.
Từ năm 1954 đến nay, Hà Nội đã có 4 lần điều chỉnh địa giới và 7 lần Quy hoạch chung được phê duyệt. Quy mô thành phố đã có sự phát triển, hài hòa với từng giai đoạn lịch sử. Năm 1954, khi tiếp quản Hà Nội, chỉ với diện tích 152km2, dân số 37 vạn ở nội thành và 16 vạn ở ngoại thành, sau 4 lần điều chỉnh địa giới, đến năm 2008 Hà Nội đã có diện tích 3.344 km2 (gấp hơn 22 lần năm 1954) với dân số 6,3 triệu người (đến nay là ≈ 8 triệu).
Đây cũng là giai đoạn có những công trình xây dựng mới hiện đại, sáng tạo trong thiết kế như: Bảo tàng Hà Nội, Cầu Nhật Tân, Tòa nhà Quốc hội… các công trình kiến trúc xanh, khu đô thị xanh thân thiện, nhiều khu vực đặc trưng, mang đậm bản sắc Việt Nam đã được nhận diện, bảo tồn và phát huy giá trị như: Khu vực trung tâm Ba Đình, khu phố Cổ, khu phố Cũ, Khu vực Hồ Hoàn Kiếm, Hồ Tây, các làng nghề truyền thống, làng cổ…
Trở thành thành viên mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO không chỉ là niềm tự hào của Thủ đô Hà Nội, mà quan trọng hơn chuyển hóa điều này thành động lực để phát triển. Rất cần thực hiện các chương trình hành động như xây dựng trung tâm các khu Đô thị sáng tạo, các không gian sáng tạo, các quỹ hoạt động tôn vinh sáng tạo, các chính sách tạo điều kiện cho sáng tạo mà bước đi đầu tiên là từ quy hoạch - kiến trúc, từ khởi nghiệp.
Thời gian tới, chúng ta đứng trước không ít thách thức nhưng Hà Nội có nhiều tiềm năng cần khai thác. Nếu như trước kia chúng ta phát triển Hà Nội để tạo ra sự bền vững chỉ ở quỹ đất phía Nam sông Hồng thì nay đang tiến tới phát triển cả vùng phía Bắc. Đối với dải hai bên sông Hồng cần có quy hoạch phân khu đặc thù, giúp Hà Nội sớm kêu gọi đầu tư, triển khai các dự án tại đây. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng cần có cơ chế ưu đãi với các dự án đã có nhằm hồi sinh các dự án, hướng tới mục tiêu sớm khai thác hai bên sông Hồng. Trong các khâu đột phá rất cần quan tâm đến triển khai các dự án trọng điểm có tác động đến mô hình chùm đô thị. Bởi đây là nền tảng để phát triển toàn diện, bền vững Thủ đô.
Phải khẳng định rằng, yếu tố quan trọng trong việc khai thác các nguồn lực phục vụ sự phát triển của đô thị sáng tạo là sử dụng nguồn lực đất đai hợp lý và hiệu quả. Song thời gian qua, hàng trăm dự án nằm trên đất vàng Hà Nội vốn được quy hoạch đồng bộ để tạo thành trung tâm mới của Thủ đô lại bị bỏ hoang cho cỏ mọc, rất lãng phí…Rõ ràng ở đây thiếu sự giám sát và quản lý.
NGHỊCH LÝ CHẬT CHỘI TRONG NHỮNG KHOẢNG RỖNG
TS. Trương Văn Quảng: Sau khi Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011, nhiều quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết… được lập làm cơ sở triển khai xây dựng phát triển đô thị Hà Nội. Trong đó, đã nhắc đến là 30% đất để phát triển đô thị còn lại 70% là các hành lang xanh, nêm xanh và cũng bao gồm cả thôn xóm, rừng…
Có thể nói Hà Nội có rất nhiều các danh hiệu, ngày xưa là Thăng Long đông đô gợi nhắc về một quá khứ rất oai hùng, gắn với lịch sử ngàn năm văn hiến. Trong quá trình chống Pháp, chống Mỹ, Hà Nội được mệnh danh là Thủ đô phẩm giá con người, toát lên tinh thần ý chí của con người Việt Nam, kiên cường chống giặc ngoại xâm. Tiếp đến, Hà Nội được công nhận là Thành phố vì hoà bình. Vào năm 2019, Hà Nội đã được UNESCO công nhận là thành phố sáng tạo của thế giới.
Thành phố sáng tạo liên quan đến rất nhiều các vấn đề như: Phát triển kinh tế xã hội, công nghệ 4.0, đô thị thông minh, đô thị xanh… Câu chuyện phát triển kinh đô sáng tạo có liên quan chặt chẽ đến vấn đề quỹ đất. Đất đai là một yếu tố quan trọng, điểm tựa để xây dựng đô thị thông minh, xanh, sáng tạo…
Nhiều quan điểm cho rằng quỹ đất Hà Nội đã hết thực ra cũng chưa đúng hoàn toàn. Bởi nếu khảo sát lại tất cả quỹ đất và quy hoạch Hà Nội sẽ thấy đang có những khoảng rỗng. Tại các khu vực đã bắt đầu phát triển, rất nhiều các quỹ đất đang bỏ trống hoặc sử dụng không hiệu quả. Nhiều dự án xin quy hoạch nhưng chưa làm nên khoảng rỗng trong 30% phát triển đô thị vẫn còn rất nhiều.
Với những dự án đã xin quy hoạch đất, đã được phê duyệt nhưng sau nhiều năm chưa xây dựng thì thành phố nên đưa ra phương án xử lý. Cùng với đó, việc Hà Nội phê duyệt quy hoạch 5 đô thị vệ tinh cũng là nhằm mục đích chia sẻ quỹ đất để phát triển thành phố. Phát triển đô thị sáng tạo, ngoài việc phát triển quỹ đất đô thị trung tâm, Hà Nội cần cân nhắc đến phát triển sáng tạo tại các khu đô thị vệ tinh, các quỹ đất ở hành lang sông Hồng.
Đặc biệt, là hiện nay chúng ta nhắc nhiều đến khu vực phía Bắc ở bên kia sông Hồng. Cả chuỗi hành lang từ Cầu Nhật Tân đến sân bay Nội bài, đó là một trục gắn với đường Võ Nguyên Giáp. Hiện nay đã có dự án phát triển đô thị thông minh ở đây, và cùng với quận Gia Lâm. nơi đây có cơ hội phát triển đô thị sáng tạo. Do đó, nói hết đất là chưa phải, chỉ là Hà Nội có tạo ra cơ hội thúc đẩy thị trường bất động sản ở những khu vực đó mạnh lên hay không.
Để có quỹ đất xây dựng đô thị sáng tạo, không còn phương án nào khác là Hà Nội nên rà soát lại quy hoạch theo Quyết định 1259, ra soát lại các quy hoạch đô thị, hạ tầng, các dự án đã, đang và sắp triển khai. Từ đó mới có thể biết quỹ đất nơi đâu, dự án nào phù hợp với sự phát triển, với tư tưởng của sáng tạo. Trong đó, cũng sẽ lọc ra những dự án chưa phù hợp và Hà Nội phải quyết tâm điều chỉnh làm sao để có thể dành những quỹ đất này cho không gian sáng tạo.
TP.HCM mới đây có thông tin nhập 3 quận để xây dựng đô thị sáng tạo, mô hình thành ohos trong thành phố. Hà Nội cũng nên nghiên cứu xem có thể học theo mô hình đó không? Việc xây dựng đô thị sáng tạo phải chăng không chỉ dừng ở Hoà Lạc? Hà Nội nên mở rộng sáng tạo sang cả vùng Gia Lâm hoặc một phần của Phú Xuyên. Hà Nội vẫn còn đất rỗng, quan trọng là sử dụng đất như thế nào cho hiệu quả và tiết kiệm.
Nhân dịp Đại hội Đảng bộ TP. Hà Nội sắp tới chắc chắn cần phải có vài ý trong Nghị quyết là rà soát lại quy hoạch chung của Hà Nội. Đặc biệt, điều chỉnh lại luật Quy hoạch Thủ đô để thực sự đi vào cuộc sống. Từ đó, Hà Nội sẽ còn nhiều cơ hội để phát triển. Không những vậy, Hà Nội còn là đô thị điển hình trong cả nước, nếu xây dựng được quỹ đất phát triển hạ tầng, rà soát các đô thị, xây dựng đô thị không lan man mà theo triết lý đô thị xanh, thông minh, bền vững thì đây sẽ là mô hình tiêu biểu.
Thiết kế hệ sinh thái cho đô thị sáng tạo chính là nằm trong nền kinh tế số, trong đô thị thông minh, trong cấu trúc đô thị xanh. Đó là cơ sở, nền tảng cho xây dựng đô thị sáng tạo. Đặc biệt, ở phần mềm là cơ chế chính sách cho sự sáng tạo. Nói là sáng tạo nhưng không có cơ chế thì sáng tạo thế nào? Cơ chế tạo ra sức hút như thế nào? Ví như khung cho bất động sản ở những khu vực sáng tạo như thế nào? Liệu giá trị đất, bất động sản ở khu vực đó có khác hay không? Tất cả những điều đó sẽ tạo ra một hệ sinh thái đô thị sáng tạo trọn vẹn nhất.
XÂY DỰNG KINH ĐÔ SÁNG TẠO: HÃY BẮT ĐẦU TỪ CÂU CHUYỆN QUỸ ĐẤT
GS. Đặng Hùng Võ: Tôi đánh giá Hà Nội là thành phố sử dụng đất kém hiệu quả nhất trong các thành phố ở Việt Nam. “Sự tích” các con đường đắt nhất hành tinh, hai bên đường là loạt nhà đất siêu mỏng, siêu méo... thể hiện rằng, tất cả những giá trị tăng thêm của đất do đầu tư hạ tầng, phát triển đô thị mang lại, thành phố không thu được gì. Giá trị chênh lệch địa tô rơi vào tay một nhóm người.
Sau mỗi cuộc mở đường, chỉnh trang đô thị, những người sử dụng đất hiện tại, ngẫu nhiên được ra mặt đường thì sẽ thu được những lợi ích về chênh lệch đất đai. Nhưng thực chất, nhiều ý kiến cho rằng, những cuộc mua bán đã diễn ra từ trước khi thực hiện mở đường. Có “đội ngũ” biết trước thông tin về quy hoạch, người ta sẽ mua với giá cao hơn thị trường lúc chưa công bố quy hoạch, dự án.
Nếu đánh giá chung, Hà Nội đã được đầu tư khá mạnh, từ nguồn lực của Nhà nước cũng như các nguồn lực của tư nhân.
Về nguyên tắc, giá đất đã tăng lên, trong khoảng 10 năm qua, đã tăng gấp 3 - 4 lần. Nhưng những giá trị tăng thêm đó, Nhà nước không thu được gì. Trong khi, tiền ngân sách bỏ ra để đầu tư hạ tầng cũng không nhỏ. Nói để thấy, Hà Nội chưa tận dụng và phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai. Lẽ ra chưa sử dụng thì vẫn còn, coi như để dự trữ nhưng hiện tại, sau hàng loạt “cuộc đổi chác”, quỹ đất đã không còn dồi dào. Nếu các cán bộ quản lý có trách nhiệm và có tầm nhìn thì diện mạo của Hà Nội ngay nay đã khác.
Khung pháp luật không cản trở gì đến hiệu quả sử dụng nguồn lực đất đai. Ngay từ Luật Đất đai 2003 đã đề cập đến việc thu hồi đất rộng hơn, sau đó xử lý giá trị tăng thêm của đất vào việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Luật Đất đai 2013 có đưa hẳn chính sách là tái định cư tại chỗ trong hoàn cảnh có thể, để tạo sự công bằng hơn trong việc thụ hưởng giá trị tăng thêm của đất. TP.HCM, họ cũng có phương án khá hơn so với Hà Nội nhưng vẫn chưa đạt được yêu cầu công bằng thực sự. Tức là thu hồi đất rộng hơn nhưng tái định cư toàn bộ cho những người dân từng giáp mặt đường cũ được giáp mặt đường mới, chỉ phải chi trả, bồi thường cho những người hiện nay đang ở phía sau, tiền bồi thường sẽ thấp hơn....
Thời gian qua, báo chí phản ánh, Hà Nội còn khoảng hơn 300 dự án treo, bỏ hoang. Thủ tướng đã chỉ đạo nhiều lần việc rà soát lại các dự án, nhưng có thu hồi được quỹ đất này về cho Thành phố hay không, còn là dấu hỏi lớn. Căn nguyên của các dự án treo, lãng phí là giao đất cho doanh nghiệp không có năng lực đầu tư. Liệu có vấn đề gì ở đây hay không? Như việc xin - cho dự án, “thân thiết”, “phong bì”, lợi ích nhóm?
Bởi nguyên tắc khi giao dự án là phải đấu thầu, lựa chọn chủ đầu tư có năng lực. Nếu không có năng lực thực hiện dự án, theo luật, 24 tháng không đầu tư, chậm tiến độ phải thu hồi. Trong khi có những dự án đến 10 năm nay vẫn ôm đất nằm chờ mà không bị xử lý. Nếu không xử lý được thì hoàn toàn có thể đặt vấn đề là liệu có sự “nhúng chàm” của cán bộ ở đây hay không, có tham nhũng hay không?
Với mục tiêu xây dựng “kinh đô sáng tạo”, tôi cho rằng, chúng ta cũng cần phải xem xét thêm. Cụ thể, những yếu tố sáng tạo là gì? Quy hoạch như thế nào?
Về nguyên tắc, ở các đô thị lớn, câu chuyện tạo vốn để phát triển từ đất là vấn đề quan trọng hàng đầu. Để thấy rằng, trong việc đầu tư phát triển đô thị, vấn đề phát huy nguồn lực nội tại và có sự chung tay của người dân là cần thiết. Tận dụng được các nguồn lực, mới làm giảm chi phí đầu tư, tránh sự lãng phí không đáng có.
Riêng từ đất đai, Hà Nội lẽ ra đã có thể tạo được nguồn vốn khổng lồ. Đầu tư từ ngân sách, là tạo ra những hạ tầng cơ bản ban đầu, sau đó, lấy mới lấy giá trị tăng lên từ đất đai, để tạo thành vốn đầu tư. Điều này đã có lý thuyết rất mạch lạc, kinh nghiệm ở các nước trên thế giới đã cho thấy rõ, ứng dụng vào Việt Nam thì Đà Nẵng có những mặt thực hiện rất hiệu quả.
Câu hỏi đặt ra là tại sao Hà Nội không làm được. Đó là câu hỏi chính mà chỉ những người trong bộ máy quản lý mới trả lời được.
Nguồn lực đất đai là nguồn lực quan trọng, là cơ sở, nền tảng cho việc xây dựng Hà Nội trở thành “Kinh đô sáng tạo”. Do đó, việc đưa ra một quy hoạch sử dụng đất có tầm nhìn và quản lý chặt chẽ là việc cần làm đầu tiên và cũng là yêu cầu tất yếu.
Trình tự thực hiện quy hoạch cũng rất quan trọng, thực hiện cái gì trước, cái gì sau. Cụ thể là đầu tư, làm cái gì trước để đẩy giá đất tăng lên, sau đó thu về giá trị gia tăng từ đất để đầu tư tiếp cho các hạng mục sau. Đó là cách thức đầu tư khôn ngoan mà nhiều nước đã làm rất tốt. Như ở Hàn Quốc, họ rất thành công trong việc sử dụng nguồn vốn từ đất đai để đầu tư phát triển đô thị.
Vấn đề là chúng ta có kiên quyết thực hiện hay không, có muốn làm hay không, có vì mục tiêu phát triển bền vững của thành phố hay không hay chỉ chăm chú vào những lợi ích cá nhân trước mắt. Khiến những giá trị đất đai tăng thêm, địa tô chênh lệch theo thời gian bị thất thoát đi.
Nói là sáng tạo nhưng cụ thể sáng tạo cái gì thì vẫn rất mù mờ. Đó vẫn là một thuật ngữ chưa rõ nội hàm. Trên thế giới, người ta tiếp cận đô thị hóa theo quan niệm là tạo được một hệ sinh thái cộng sinh với nhau, thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn. Tức là, trong nội tại đô thị đó, các hoạt động kinh tế, đầu tư được tạo thành một hệ thống cộng sinh, cái nọ cần cái kia, tạo thành một vòng tuần hoàn khép kín, để tận dụng một cách triệt để, tối đa các nguồn lực nội tại của Thành phố. Đó là cách tạo ra một đô thị bền vững. Bởi trong nội tại đô thị đã tạo ra hệ thống cộng sinh với nhau.
Đầu tiên phải tạo ra các giá trị hạ tầng thật tốt, sáng tạo trong phát triển hạ tầng, từ công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, giao thông... đến không gian đô thị... Sáng tạo trong công tác quy hoạch để làm sao tận dụng và thu về được tối đa các giá trị tăng thêm từ đất. Sử dụng công nghệ 4.0 để điều khiển giao thông, giảm các chi phí dịch vụ để người dân hưởng lợi nhiều hơn từ các dịch vụ đô thị...; sử dụng công nghệ để minh bạch thông tin quy hoạch, cũng là cách để quản lý tốt và sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai.