Aa

Nhân tố chủ lực đưa Đà Nẵng nhảy vọt từ “trạm trung chuyển” thành điểm phải đến

Thứ Năm, 31/10/2019 - 16:13

Chỉ được biết đến với những làng chài bé nhỏ và là “trạm trung chuyển” du khách tới hai thành phố di sản Huế và Hội An, chỉ sau 20 năm, giờ đây, Đà Nẵng đã “lột xác” trở thành “điểm phải đến của thế giới”.

Thành công bứt phá của du lịch Đà Nẵng có sự góp công không nhỏ của “con át chủ bài” Bà Nà Hills.

Từ con số 0 đến thủ phủ du lịch miền Trung

Được ví von như Miami của Việt Nam, với những bãi biển cát trắng trải dài nhộn nhịp, khu vui chơi giải trí bốn mùa lễ hội, hàng loạt khu nghỉ dưỡng đẳng cấp và di sản văn hóa, ẩm thực phong phú, Đà Nẵng những năm qua luôn là một “biểu tượng du lịch” của Việt Nam. Nhìn vào sự phát triển sôi động của thành phố được tờ New York Times đưa vào Top 52 địa điểm nổi tiếng trên thế giới năm 2019, khó ai hình dung được về Đà Nẵng hơn 10 năm về trước.

Trước đây, Đà Nẵng chỉ được xem là một “điểm trung chuyển” du khách tới hai vùng di sản Huế và Hội An. Thành phố nhỏ bé với dân số ít ỏi, im lìm và buồn tẻ nằm khiêm tốn trên bản đồ du lịch với vài bãi biển hoang sơ và núi Ngũ Hành. Là thành phố ven biển, nhưng dân “chê” biển chẳng ai muốn đến đó dựng nhà, kinh doanh. Khách du lịch quốc tế đến thành phố này thời điểm trước dù có điều kiện về kinh tế cũng chẳng biết tiêu tiền vào việc gì ngoài ăn uống bình dân và ngủ nghỉ ở những khách sạn 2 sao.

PGS. TS Trần Đình Thiên - thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhớ lại những ngày du lịch Đà Nẵng khi chỉ là con số 0 tròn trĩnh: “Cách đây 30 năm, bãi biển Thanh Khê hầu như không có người ở. Một bãi cát hoang sơ, chỉ có cát, nước mặn và gió bão. Theo ngôn ngữ kinh tế thị trường, bãi cát hoang sơ đó có rất ít, thậm chí có thể nói, không có giá trị kinh tế”.

Giờ đây, Đà Nẵng đã vươn mình thành phố lớn thứ 3 của Việt Nam với sự phát triển thương hiệu du lịch một cách nhanh chóng. Bãi biển Thanh Khê mà PGS. TS Trần Đình Thiên nhắc đến giờ đã trở thành một trong những bãi biển đẹp nhất hành tinh. “Đà Nẵng trở thành một địa chỉ du lịch tầm cỡ, “đáng đến và đáng sống”. Mỗi năm, hàng triệu du khách đến đây để khám phá và tận hưởng. Giá trị đất ở đây tăng hàng trăm, hàng ngàn lần. Người dân Đà Nẵng hưởng lợi ích phát triển rõ ràng”, PGS. TS Thiên đánh giá.

Cú hích từ Bà Nà Hills

Nhìn vào những con số thay đổi ngoạn mục của du lịch Đà Nẵng một thập kỷ qua, kể từ khi Tập đoàn Sun Group đưa tuyến cáp treo Bà Nà - Suối Mơ với hàng loạt kỷ lục thế giới và khu du lịch Sun World Ba Na Hills đi vào hoạt động, mới thấy rõ vai trò của du lịch giải trí, sản phẩm du lịch độc đáo, sáng tạo đối với ngành công nghiệp không khói Đà Nẵng.

Du khách khắp nơi đổ xô đến Bà Nà để trải nghiệm con “đường lên tiên cảnh” với những vườn hoa rực rỡ bốn mùa, lâu đài mang phong cách Pháp đẹp như trong cổ tích và các công trình tâm linh thiền tịnh ẩn hiện giữa mây ngàn. Không chỉ thỏa mãn nhu cầu ngắm cảnh, du khách còn được thỏa sức vui chơi tại khu công viên độc đáo nhất Việt Nam, hòa mình vào không khí lễ hội tưng bừng ngày nào cũng có. Bà Nà Hills đã thực sự trở thành một biểu tượng của du lịch Đà Nẵng.

Đặc biệt, tháng 6/2018, Cầu Vàng được đưa vào khai thác, nhanh chóng tạo lên “cơn sốt” du lịch Đà Nẵng trên toàn cầu. Ông Lê Quang Tùng - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá: “Năm 2018, chúng ta có Cầu Vàng tạo ra cơn sốt không chỉ tại Việt Nam mà sau khi được giải thưởng quốc tế thì đã nổi tiếng trên toàn thế giới, góp phần thúc đẩy du lịch Đà Nẵng, để Đà Nẵng trở thành Top 10 thành phố hàng đầu thế giới về du lịch trong thời gian qua”. 

Và sự vinh danh của Giải thưởng Du lịch thế giới (WTA) 2019 khu vực Châu Á - Thái Bình Dương danh giá cho Sun World Ba Na Hills ở hạng mục Công viên chủ đề hàng đầu Việt Nam một lần nữa chứng minh cho điều đó.

Nhờ những cú hích từ Bà Nà Hills, hàng trăm dự án quy hoạch, xây dựng hạ tầng đô thị được triển khai, vùng đất ven sông Hàn bắt đầu thay da đổi thịt. Du lịch phát triển, khách thập phương mới “để mắt” tới Đà Nẵng. Thành phố chuyển mình, lột xác thành nơi đáng sống nhất Việt Nam. Những xóm nghèo xưa giờ đã có các “đại gia” chuyên hàng thủ công mỹ nghệ, kinh doanh homestay, ẩm thực đặc sản. Thành phố giàu lên nhờ du lịch, người dân khấm khá lên cũng nhờ du lịch.

Nhiều năm tâm huyết với nền kinh tế du lịch Việt Nam, chính PGS. TS Trần Đình Thiên cũng đã tự mình tới Bà Nà Hills 3 - 4 lần để “kiểm định” sức hút của khu du lịch này: “Bà Nà mang lại cho Việt Nam một hình ảnh quảng bá, tạo sức hấp dẫn du lịch rất mạnh cho Đà Nẵng, nhờ đó, mang lại thu nhập đáng kể cho người dân Đà Nẵng và cho ngân sách nhà nước. Bà Nà ngày xưa làm gì có ai đến du lịch. Còn bây giờ, một ngày cả mấy chục ngàn người đến, trả tiền để thỏa mãn nhu cầu. Một địa chỉ du lịch nổi tiếng, có cầu “Bàn tay” đẹp mê hoặc, có sức hút khách lạ lùng. Tôi tự hỏi: Nếu không có Bà Nà đó, du lịch thì Đà Nẵng sẽ thế nào?”

Những con số tăng trưởng ấn tượng của du lịch Đà Nẵng thời gian gần đây có động lực không nhỏ từ Bà Nà Hills. Năm 2006 chỉ có khoảng 97.000 lượt khách tới Bà Nà. Nhờ có sự đầu tư của Sun Group, năm 2009, Bà Nà đã đón tới 257.900 lượt khách, gấp 2,6 lần năm 2006. 10 năm qua, lượng khách đến Đà Nẵng tăng trưởng tới 463% (từ 2009 - 2018) và đóng góp tới 50% vào sự tăng trưởng đó chính là Bà Nà Hills - một sản phẩm du lịch chủ lực của Đà Nẵng. Tính đến tháng 9/2019, có tổng cộng 39 đường bay quốc tế đến Đà Nẵng với tần suất 466 chuyến/tuần và 9 đường bay nội địa với tần suất 655 chuyến/tuần. Một trong những lý do cho sự tăng trưởng các chuyến bay mới, đặc biệt từ Thái Lan tới Đà Nẵng thời gian qua, chính là Cầu Vàng, là Bà Nà Hills.

Và nói như PGS. TS Trần Đình Thiên thì, chúng ta đã có “một chiến lược đúng - mời đại bàng đến làm tổ. Chính những con đại bàng này đã định hình chân dung du lịch của những nơi chúng đến làm tổ, làm cho nơi đó trở nên “đáng đến và đáng sống” với du khách và với chính người dân bản địa”.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top