Vào ngày 26 tháng 4 vừa qua, Bộ Nội vụ & Truyền thông Nhật Bản đã tung ra số liệu về tình trạng nhà ở tại nước này trong năm 2018. Điểm đáng chú ý là tỷ lệ nhà bị bỏ hoang đã đạt mức 8.460.000 căn, tương đương với tỷ lệ 13,6%.
Tổng số nhà ở trên toàn Nhật Bản hiện đạt mức 62.420.000 căn, tăng 2,95% so với năm 2013. Tính ra thì mỗi năm trung bình có khoảng 358.000 căn nhà được xây mới, trong đó thủ đô Tokyo có nhiều nhà mới nhất (62.000 căn/năm). Đồng thời, các đô thị lớn ở miền Tây nước Nhật - Tokyo, Kanagawa, Chiba, và Saitama - chiếm đến 40% tổng số nhà ở tại Nhật Bản.
Một nửa số nhà ở bị bỏ hoang (khoảng 4.310.000 căn) là nhà được cho thuê nhưng không có người ở. Còn lại thì 290.000 căn được rao bán, 380.000 căn là các biệt thự nghỉ dưỡng không thường xuyên có người ở (giảm 30.000 căn trong vòng năm năm qua.)
Chính phủ Nhật đang lo ngại về việc những căn nhà bị bỏ hoang sẽ xuống cấp và trở thành hiểm họa cho những gia đình sống xung quanh. Có khoảng 3.470.000 căn nhà được xếp vào dạng này, và nguy hiểm hơn nữa là chúng thường tập trung tại các cộng đồng có nhiều người già sinh sống, rất khó cho việc di dân hay cải tạo hàng loạt.
Trong năm 2018, tỉnh Yamanashi là địa phương có số nhà bị bỏ hoang nhiều nhất (21,3%), tiếp theo đó là các tỉnh Wakayama (20.3%), tỉnh Nagano (19.5%), và tỉnh Tokushima (19.4%). Thủ đô Tokyo nằm ở phía dưới bảng xếp hạng, với tỷ lệ nhà bỏ hoang đạt 10,6%, giảm 0,3% so với năm 2013. Hai tỉnh có tỷ lệ nhà bị bỏ hoang thấp nhất là Saitama và Okinawa đều đạt mức 10,3%.