Aa

Nhật Cường và hàng triệu dữ liệu công dân

Thứ Năm, 16/05/2019 - 22:30

Số phận Nhật Cường ra sao, các cơ quan tố tụng sẽ quyết định và những đồn đoán “sân sau, sân trước” sẽ được làm rõ...

Nhưng giờ đây, dư luận lại vô cùng lo lắng khi công ty này đang quản trị, lưu giữ một loạt cơ sở dữ liệu quan trọng của hàng triệu người dân Hà Nội từ hồ sơ sức khỏe, dịch vụ công, phần mềm quản lý giáo dục, y tế...!?

Năm lần bảy lượt Hà Nội đã liên tục yêu cầu bàn giao những cơ sở dữ liệu trên nhưng Nhật Cường vẫn nại đủ thứ lý do ABCD để lùi thời hạn cho đến trước thời điểm bị khởi tố về hành vi buôn lậu, trốn thuế! Vì sao họ lại cố tình như vậy và dựa vào ai để Nhật Cường có thể tự tung tự tác và cả tự ý làm được điều đó thì chẳng lâu nữa đâu, người dân sẽ rõ.

Lỗi Nhật Cường gây, công ty này phải chịu. Tội ông chủ Bùi Quang Huy làm, y phải gánh. Đó là lẽ công bằng và sự sòng phẳng. Nhưng dữ liệu công dân của hàng triệu người dân Thủ đô là thứ không thể “trôi nổi” hay như thế nào chưa biết.

Nếu Nhật Cường và Bùi Quang Huy khó có cơ hội giải thích hay cả biện bạch vào lúc này thì ai, cơ quan nào đã giao cho họ lấy được, lưu giữ thứ vô cùng quan trọng này phải đăng đàn lên tiếng.

Không thể thờ ơ và chậm trễ khi quá rõ rằng “Nhật Cường đã tham gia vào hầu hết công đoạn, xây dựng nền móng để Hà Nội triển khai chính quyền điện tử từ cơ sở dữ liệu dân cư, phần mềm dịch vụ công trực tuyến, phần mềm một cửa điện tử.

Tất cả các sản phẩm của công ty này đã và đang phục vụ lĩnh vực dịch vụ công trực tuyến cho Hà Nội với tỷ lệ trực tuyến lên đến 80%, cộng đồng người dùng lớn gồm hơn 7 triệu người dân thành phố Hà Nội, hơn 2.700 trường học, hơn 1,7 triệu học sinh, hơn 6 triệu hồ sơ bệnh án điện tử...”

Đây là một cảnh báo khó có thể xem nhẹ “Trung tâm dữ liệu có thể xem như bộ não của cả thành phố điện tử, trong đó chứa đựng toàn bộ các cơ sở dữ liệu quan trọng của người dân, của chính quyền. Việc Nhật Cường đứng ra viết phần mềm, số hóa các dữ liệu, dịch vụ này song chưa bàn giao quyền vận hành hệ thống, mạng - bảo mật kiến trúc chi tiết tổng thể, an toàn thông tin và giám sát hệ thống là vô cùng rủi ro. Một khi những dữ liệu này bị lộ lọt, đánh cắp sẽ để lại những hậu quả khôn lường cho cả người dân và quốc gia”

Bài học này hơi muộn nhưng vẫn phải nhắc, sự cố này chua xót nhưng cần phải sửa ngay tận gốc. Nếu xuê xoa, xem nhẹ hay lướt qua, những Nhật Cường X, Y, Z rồi sẽ lặp lại không chỉ ở Hà Nội và chẳng riêng gì cơ sở dữ liệu công dân.

Chính quyền điện tử rất cần thiết, số hóa dữ liệu luôn phải làm những giao cho ai, xây dựng, bảo quản và vận hành thế nào cần phải tính toán từ những cái đầu công minh và vì lợi ích chung.

Xây dựng một thành phố thông minh đúng nghĩa, đúng lộ trình và đúng luật pháp là điều cần phải khuyến khích và ngợi khen. Nhưng lợi dụng điều đó để làm lợi cho doanh nghiệp hay chỉ nhóm nào đó là việc nên ngăn chặn sớm và trừng trị nghiêm.

Không chỉ vì thượng tôn pháp luật mà còn bởi quyền công dân khi mà cơ sở dữ liệu của hàng chục triệu người cũng quan trọng không kém bất cứ thứ gì. Nếu không muốn tái diễn một Nhật Cường B thì Nhật Cường A phải làm rõ ngọn ngành, ngóc ngách và cả gốc gác...

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top