Aa

Bộ trưởng Tiến, xin cảm ơn bà

Thứ Sáu, 10/05/2019 - 15:12

Trong một văn bản gửi tới tất cả các tỉnh, thành phát đi hôm qua, Bộ Y tế đề nghị các địa phương tạm hoãn tăng viện phí để tránh tác động đến tâm lý người dân do giá điện và xăng dầu vừa cùng tăng.

Bộ Y tế cũng yêu cầu không thu tiền người nhà đến thăm nuôi bệnh nhân.

Câu chuyện thời sự là một bệnh viện thu tiền người nhà đến thăm nuôi. Và dẫu mức thu chỉ 30.000 đồng/ngày - không lớn, xong sự bức xúc gây ra lại không nhỏ khi mà “chỉ vài chục ngàn” ấy giống như chiếc khăn được vắt thêm trên lưng “con lừa/túi tiền” vốn ngày thêm eo hẹp.

Theo Bộ Y tế, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế lần này tác động khoảng 12% dân số chưa tham gia bảo hiểm y tế và sẽ tác động đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI).

Lấy ngay Hà Nội làm ví dụ, trong số gần 2.000 dịch vụ y tế được điều chỉnh giá lần này, chỉ có một số giảm, trong khi phần lớn đều tăng. Chẳng hạn giá giường nằm điều trị tính theo ngày hồi sức tích cực của bệnh viện hạng I (như Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Thanh Nhàn, Đức Giang...) từ 632.000 đồng tăng lên 678.000 đồng.

Hay dịch vụ chụp PET/CT mô phỏng xạ trị chưa bao gồm thuốc cản quang, người bệnh có bảo hiểm y tế sẽ được chi trả một phần theo quy định (tối đa 80%), còn lại tự thanh toán gần 20,5 triệu đồng. Nếu chụp CT Scanner toàn thân từ 256 dãy không thuốc cản quang, người bệnh không có thẻ bảo hiểm y tế phải trả 6,6 triệu đồng.

Nếu 30.000 đồng/ngày thăm nuôi đã được coi là gánh nặng thì đúng là việc “điều chỉnh” gần 2.000 dịch vụ y tế quả thực sẽ tác động rất lớn đến đời sống người dân, nhất là trong bối cảnh giá điện, giá xăng vừa tăng.

Nguồn: Internet

Nguồn: Internet

“Ớn lạnh” là cảm giác của rất nhiều người dân khi nghe chuyện tăng giá điện, giá xăng. Bởi mỗi lần giá điện, giá xăng tăng là một “xáo trộn lớn” trong chi tiêu gia đình khi mà cái gì cũng tăng theo. Và những người nghèo, thuộc bộ phận thu nhập thấp, dễ tổn thương nhất trong xã hội đối phó bằng cách “phải cắt xén mỗi thứ một ít” để khỏi phải thiếu ăn mỗi cuối tháng, để tránh tình trạng “không khéo mượn nợ như chơi”.

Đây là những con số hoàn toàn khách quan: Chỉ từ ngày 5/2 đến ngày 2/5, tức là trong chỉ chưa đầy 3 tháng, giá xăng dầu đã có 5 lần điều chỉnh khiến giá thành loại sản phẩm “đầu vào của nền kinh tế” này tăng tới 26%. Tính ra, chu kỳ “điều chỉnh” ở mức 15 - 17 ngày/lần.

5 lần trong 3 tháng, hay 2 lần trong 3 tuần - một mật độ phải nói là quá khủng khiếp.

Trong khoảng thời gian ấy, giá điện được quyết tăng 8,36%.

Và “lò xo giá” đã bật tung. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng vừa đưa ra một con số giật mình: “Lạm phát cơ bản 4 tháng đầu năm đạt 1,84%, vượt mục tiêu cả năm 2019 (1,6 - 1,8%)".

Điện, xăng dầu hay dịch vụ y tế, giáo dục là những hàng hóa dịch vụ “thiết yếu của thiết yếu”. Loại hàng hóa dịch vụ mang tính chất tối thiểu mà người dân không thể cắt bớt, không thể tiết kiệm được. Những cú bật lò xo giá đã giáng những đòn quá nặng lên doanh nghiệp, lên đời sống người dân.

Và chính vì thế, nó vừa cần sự thông cảm từ những tư lệnh ngành, như bà Bộ trưởng Bộ Y tế, vừa cần điều chỉnh theo những lộ trình tùy khả năng chịu đựng của từng hộ gia đình.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top