Chợ cóc di động “mọc” theo nhu cầu
Theo tìm hiểu của phóng viên, tình trạng chợ cóc di động xuất hiện tại gần các khu vực chung cư ở Hà Nội không phải là hiếm. Thực tế cho thấy, nhiều dự án chung cư cao tầng hiện nay sau một thời gian cư dân chuyển về ở đông đúc, nhu cầu mua bán tiêu dùng của người dân tăng lên, chợ cóc cũng hình thành từ đó.
Khảo sát quanh các quận như Hoàng Mai, Hà Đông, Nam Từ Liêm, huyện Thanh Trì… là những nơi có nhiều chợ cóc di động tự phát xuất hiện, tồn tại “bám” theo nhu cầu của người dân các khu chung cư, nhà cao tầng. Đa phần các chợ cóc di động hay chợ tạm này tồn tại bám dọc theo các tuyến đường vỉa hè gần hoặc sát chân các nhà chung cư, nhà cao tầng.
Khu đô thị Linh Đàm, tổ hợp nhà HH nơi có rất nhiều tòa chung cư mọc lên đang tồn tại chợ cóc nằm cạnh chân tòa nhà. Những chợ cóc này buôn bán tấp nập. Dân buôn bán, tiểu thương khắp nơi lấy vỉa hè, mép đường sát tòa nhà để buôn bán đủ các loại hàng hóa sản phẩm từ quần áo, giày dép, đồ khô, rau củ quả đến đồ tươi sống… không thiếu thứ gì.
Hay như tại khu chung cư Dương Nội (Hà Đông) cứ buổi chiều tan tầm, rất nhiều xe máy, xe đạp với rau củ quả, đủ thứ hàng hóa lại tập trung dàn hàng đứng dọc tuyến đường cách chung cư này đôi chục mét để bán hàng hóa. Thậm chí, tràn xuống cả lòng đường ảnh hưởng đến giao thông, đi lại của người dân. Sự tồn tại của những chợ cóc di động, xe bán hàng rong này ảnh hưởng không nhỏ đến mỹ quan đô thị.
Theo tìm hiểu, phần lớn các chợ cóc di động này hoạt động nhộn nhịp vào lúc buổi chiều tối hoặc giờ tan tầm. Đủ thứ hàng hóa được bày bán trên xe đạp, xe máy, xe thồ. Nhiều người bán còn sử dụng hết vỉa hè, thậm chí lấn chiếm cả lòng đường làm nơi kinh doanh khiến cho bộ mặt và không gian đô thị trở nên nhếch nhác, lộn xộn.
Hầu hết bên cạnh các chung cư, nhà cao tầng đều có khu siêu thị mini hay trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích phục vụ. Tuy nhiên, chợ cóc lại là một lựa chọn của phần lớn các cư dân sống tại các chung cư hiện nay bởi nhiều tiện lợi nó mang lại.
Chị Nguyễn Thơm, cư dân ở chung cư HH Linh Đàm (Hoàng Mai) cho biết, chung cư có siêu thị, cửa hàng tiện ích, nhưng có nhiều thứ mua ở chợ cóc vẫn rẻ, tiện và có nhiều lựa chọn hơn. Vậy nên đây là một trong những lý do khiến chị Thơm và nhiều cư dân khác hiện nay vẫn có thói quen đi chợ cóc.
Dẹp chỗ này, nhảy chỗ khác!
Không khó để bắt gặp các chợ cóc di động tồn tại gần các chung cư, khu dân cư ở Hà Nội hiện nay, nhất là những khu đô thị mới có nhiều tòa nhà chung cư với số lượng căn hộ, cư dân sống lên đến cả ngàn người. Nhu cầu mua sắm hàng hóa, sản phẩm phục vụ cuộc sống của người dân lớn, chợ cóc mặc nhiên sẽ xuất hiện và tồn tại.
Được biết, thời gian vừa qua các ngành chức năng của thành phố Hà Nội đã phối hợp với các địa phương quyết liệt ra quân xóa bỏ tình trạng chợ tạm, chợ cóc đã đạt được nhiều kết quả. Tuy nhiên, để dẹp hẳn và chấm dứt hẳn tình trạng chợ tạm, chợ cóc tự phát thì vẫn còn là câu chuyện nan giải, không phải chuyện một sớm một chiều.
Liên quan đến việc quản lý nhà nước về lĩnh vực chợ, mới đây, trong phiên trả lời chất vấn của kỳ họp thứ 4 HĐND TP Hà Nội khóa XV, ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cũng cho biết: Cuối năm 2016 trên địa bàn Hà Nội có 53 chợ cóc, qua Tết Nguyên đán, mọc thêm lên hơn 200 chợ cóc. Mặc dù kiên quyết và liên tục xử lý, giải quyết tình trạng chợ cóc, chợ tạm, tuy nhiên, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội khi trả lời chất vấn cũng thừa nhận thực tế, quá trình xử lý ở khu vực này lại phát sinh ở khu vực khác!?
Nhiều nguyên nhân, lý do đã được đưa ra để lý giải cho sự tồn tại của chợ cóc, chợ tạm như nhu cầu mua, tiêu dùng của người dân khu vực chung cư, nhà cao tầng lớn, thói quen mua bán của người dân vẫn thích mua ở chợ cóc, chợ tạm… Tuy nhiên, những giải pháp căn cơ, đồng bộ để dẹp bỏ tình trạng này thì vẫn chưa thực sự mang lại hiệu quả.